Đứng vững trong đại dịch, góp sức tuyến đầu chống Covid-19

Dù hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí nhiều thời điểm bị ngưng trệ gây thiệt hại lớn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực đứng vững, chăm lo cho người lao động và có trách nhiệm xã hội, góp thêm sức trong cuộc chiến chống Covid-19.

Vượt qua khó khăn vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, khiến cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động chung đó. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, biết bao doanh nghiệp đã phải rời bỏ thương trường. Người dân phải “thắt lưng buộc bụng” ứng phó với hậu quả khôn lường từ dịch bệnh.

Sau cuộc “tấn công” của dịch Covid-19 hồi đầu năm ở nước ta, Tổng cục Thống kê đã có cuộc khảo sát 126.565 doanh nghiệp về tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả, có tới 94,6% số tập đoàn, tổng công ty chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hơn 91% số doanh nghiệp vừa, 89,7% số doanh nghiệp nhỏ và hơn 92% doanh nghiệp siêu nhỏ bị SARS-CoV-2 “tấn công”.

Khi đợt dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam trong quý I, đầu quý II gần như được khống chế, nhiều doanh nghiệp đã “bung” sức để nhanh chóng hồi phục. Thế nhưng, chưa được bao lâu, dịch bệnh lại tràn đến với mức độ nghiêm trọng hơn.

Nhiều người đã tử vong, số ca bệnh mới vẫn chưa dừng lại. Nhiều địa phương lại căng mình chống dịch trong khi vẫn phải gắng gượng duy trì phát triển kinh tế, tạo việc làm. Còn khu vực doanh nghiệp lại đón chịu những nỗi lo mới, đặc biệt trong các ngành dịch vụ du lịch, vận tải hàng không.

Tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch diễn ra chiều 7/8, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, ngành này đang trên đà hồi phục với tín hiệu lạc quan sau 3 tháng “đóng băng” vì Covid-19 thì nay lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng hồi cuối tháng 7. Các doanh nghiệp trong ngành này ngay lập tức thiệt hại hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng do khách hủy tour.

Không chỉ doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng, làn sóng Covid-19 thứ 2 này còn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác bị tác động khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, doanh thu sụt giảm mạnh.

Thảo luận các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, lao động, việc làm…

Nhắc đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời gian qua, ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý: trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và còn có thể diễn biến phức tạp hơn khi chưa tìm ra vắc-xin, nếu không có giải pháp thích ứng, phù hợp với tình hình hiện nay thì nền kinh tế sẽ ảnh hưởng rất nặng nề.

Góp sức “tuyến đầu chống dịch”

Dù gặp phải vô vàn khó khăn, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang từng ngày góp công, góp của để đồng hành cùng ngành y tế chống dịch Covid-19.

Ngay sau khi bùng lên đợt dịch mới, ngành ngân hàng đã bước đầu ủng hộ 25 tỷ đồng cho Đà Nẵng chống dịch. Trong đợt dịch trước, con số ủng hộ của ngành đã lên đến 140 tỷ đồng. SunGroup đã tài trợ và trực tiếp thi công lắp ráp bệnh viện dã chiến cho Đà Nẵng. Còn VinGroup đã tặng 100 máy thở VFS-510 cho Đà Nẵng, đồng thời sẵn sàng cho mượn trang thiết bị y tế và điều động nhân lực y tế từ hệ thống Vinmec để hỗ trợ bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng.

Công ty Điện Quang cũng tài trợ thành phố Đà Nẵng 100 bộ đèn LED diệt khuẩn di động với mong muốn góp một phần nhỏ để chung tay chống dịch, giúp người dân yên tâm hơn. Hay như hãng sữa VitaDairy khởi động chương trình thay bạn đóng góp quỹ “Bảo vệ y bác sĩ 24h”góp ủng hộ ngành y tế số tiền 7 tỷ đồng, đồng thời cùng cộng đồng người dùng mạng xã hội Facebook lan tỏa thông điệp “Bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta”, cổ vũ, động viên tinh thần cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch.

Trong bối cảnh khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đóng góp cùng Nhà nước chống chọi dịch bệnh. Bởi hơn ai hết, những người làm kinh doanh hiểu rằng chỉ khi nào dịch bệnh được đẩy lùi thì doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi, nền kinh tế mới có lối ra. Chừng nào dịch bệnh còn chực chờ đe dọa, chừng đó doanh nghiệp còn thấp thỏm không yên.

Những khoản tiền, máy thở, thực phẩm, vật tư y tế… mà doanh nghiệp hỗ trợ cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch cũng mang theo ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thêm khẳng định những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", cùng hỗ trợ đẩy lùi đại dịch.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, những sự ủng hộ, những chiến dịch thu hút sự tham gia của người dân trong cuộc chiến chống dịch như “Bảo vệ y bác sĩ 24h” chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với cán bộ y, bác sĩ đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Sự hỗ trợ và những hoạt động tích cực từ phía doanh nghiệp và người dân góp phần cùng ngành y tế đẩy lùi dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hà - Tổng giám đốc VitaDairy - chia sẻ: “Nhiều cây nhỏ sẽ góp thành rừng lớn. Trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp vật lộn vì tồn vong nên việc làm tốt vai trò của mình, duy trì được công ăn việc làm của hàng nghìn lao động đã là đóng góp lớn cho xã hội. Song chúng tôi muốn làm được nhiều hơn thế, vừa đấu tranh tồn tại, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội của mình".

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup - cho biết: "Chúng tôi tự đặt cho doanh nghiệp trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Cho dù là máy thở, trang thiết bị y tế, bộ kit xét nghiệm, hóa chất sinh phẩm hay y, bác sĩ... chúng tôi đều sẽ nỗ lực ở mức cao nhất".

Nam Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/ngan-hang-doanh-nghiep-gop-suc-chong-covid-19-667629.html