Dừng xuất khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine:Đông Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng

Hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine đã dừng lại vào ngày đầu tiên của năm mới sau khi Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận quá cảnh.

Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có đánh giá hạ thấp tác động của sự kiện này, trong khi các quốc gia Đông Âu không thể nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng mới trước nhu cầu cấp thiết cho mùa đông.

Quá trình vận chuyển khí đốt của Nga bằng đường ống qua Ukraine đã kết thúc vào ngày 1-1-2025.

Quá trình vận chuyển khí đốt của Nga bằng đường ống qua Ukraine đã kết thúc vào ngày 1-1-2025.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2-2022, đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng và gây ra lạm phát hàng loạt trên khắp lục địa, khi chi phí sưởi ấm và điện cho người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, bằng hàng tỷ euro đầu tư mới, Lục địa già đã nhanh chóng đa dạng hóa nguồn năng lượng. Năm 2023, lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu qua Ukraine vào khoảng 15,5 tỷ mét khối, chỉ chiếm 3% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, bao gồm cả nguồn đường ống và LNG.

Dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine đã dừng lại vào ngày 1-1-2025 sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối tiếp tục hợp tác với Nga, dù việc này mang lại hàng tỷ USD cho cả Mátxcơva và Kiev. Động cơ của Ukraine là giảm ảnh hưởng của Nga và cắt đứt quan hệ thương mại, kinh tế với Mátxcơva. Điều này phù hợp với mục tiêu của EU là đạt được sự độc lập hoàn toàn khỏi các nguồn năng lượng của Nga vào năm 2027. Các nước châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp để bù đắp nguồn cung cấp khí đốt của Nga như: Bảo đảm nguồn khí LNG bổ sung từ các nhà cung cấp ở Trung Đông và Mỹ, tăng lượng nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và Bắc Phi...

Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu của Nga như Slovakia, Moldova (từ 80% đến 100%). Năm ngoái, Slovakia đã nhập khẩu 5,7 tỷ mét khối và Moldova nhập khẩu 2 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Theo yêu cầu của EU và Ukraine, Azerbaijan đã đàm phán với Nga để có một thỏa thuận cho phép Baku xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua đường ống của Ukraine nhưng thời điểm này chưa hoàn tất. Đến tháng 12-2024, cả Moldova và khu vực ly khai Transnistria đều phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đang ở giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trên thực tế, Điện Kremlin từ lâu đã sử dụng các nguồn năng lượng của mình như một vũ khí hỗn hợp. Năm 2006, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga đã tăng mạnh giá bán cho Moldova, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Các năm 2009, 2014, 2021 và 2022, Nga đã cắt giảm hoặc đe dọa cắt giảm khí đốt cho Moldova. Trong khi các cuộc tấn công trực tiếp của quân đội Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng đã gây ra tình trạng mất điện hàng loạt ở một số thành phố của Moldova.

Các đồng minh của Moldova đã nỗ lực chống lại chiến dịch gây sức ép về năng lượng của Nga. Khi thời tiết xấu và lạm phát hoành hành trong mùa đông năm 2022, EU đã hỗ trợ khẩn cấp hàng trăm triệu euro, trong khi Romania cung cấp nguồn năng lượng thay thế lượng điện bị mất do Nga ném bom các nhà máy điện của Ukraine. Bất chấp các biện pháp này, Moldova vẫn phụ thuộc gián tiếp vào khí đốt của Nga.

Mặc dù, cuộc khủng hoảng năng lượng này hiện chỉ giới hạn ở một phần của Moldova, nhưng có khả năng leo thang và tác động đến toàn bộ khu vực. Nếu nền kinh tế của khu vực ly khai Transnistria sụp đổ, người ta lo ngại về một cuộc di cư hàng loạt của người Transnistria vào Moldova. Một làn sóng như vậy có thể gây áp lực rất lớn lên các dịch vụ công vốn đã quá tải của Moldova. Người di cư thậm chí có khả năng sẽ di chuyển vào Romania, tạo ra thêm những thách thức cho quốc gia này. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, vì không ít người Transnistria sở hữu nhiều hộ chiếu như Moldova, Romania, Nga và Ukraine.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico chỉ trích quyết định của Ukraine về việc chấm dứt quá cảnh khí đốt của Nga sang châu Âu và cho biết, Slovakia sẽ mất gần nửa tỷ euro tiền phí vận chuyển nguyên liệu thô và giải pháp phải là nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Ukraine hoặc bù đắp cho khoản thiếu hụt tài chính đó. Nước này có thể ngừng mọi hoạt động viện trợ nhân đạo cũng như cung cấp điện trong các tình huống khẩn cấp cho Ukraine hoặc cắt giảm phúc lợi cho những người tị nạn chiến tranh Ukraine tại Slovakia.

Việc Nga dừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine báo hiệu một kỷ nguyên mới cho chính sách năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Đông Âu phát sinh những bất ổn mới về nguồn cung cấp khí đốt, điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội của một khu vực vốn đã suy yếu do căng thẳng địa chính trị leo thang.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dung-xuat-khau-khi-dot-cua-nga-qua-ukraine-dong-au-doi-mat-voi-khung-hoang-nang-luong-690496.html