Dùng xung kích điện tận diệt thủy sản trên sông ở Cà Mau
Trong đêm 2/5, các lực lượng đã phát hiện 2 vụ với 2 đối tượng dùng xung kích điện đánh bắt thủy sản với tính chất hủy diệt trên sông.
Khoảng 22h ngày 2/5, khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến sông Bảy Háp, đoạn thuộc ấp Trung Cang, xã Tân Trung, huyện đầm Dơi, tổ tuần tra kiểm soát lưu động phát hiện H.V.H. (SN 1971, ngụ ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Đầm Dơi) điều khiển phương tiện là vỏ composite, sử dụng xung kích điện để đánh bắt thủy sản trái phép.
Cũng trong đêm 2/5, tổ tuần tra còn tiếp tục phát hiện T.M.Đ. (SN 1990, ngụ khóm 1, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau) đang sử dụng xung kích điện để đánh bắt thủy sản trái phép thuộc khu vực ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.
Qua kiểm tra, các đối tượng không xuất trình đượ giấy tờ theo quy định nên tổ tuần tra kiểm soát đã đưa họ cùng phương tiện, tang vật về trụ sở công an để xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, thời quan qua, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện, nghề và ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản trái phép, đặc biệt là dọc theo các kênh, rạch vùng nông nông, các con sông và vùng biển ven bờ vẫn thường xuyên diễn ra. Từ đó, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến hệ sinh thái môi trường và tính mạng người sử dụng.
Trong khi đó, ngày 3/5, Đồn Biên phòng Sơn Trà (Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) cho hay vừa xử phạt một chủ ghe dùng súng xung điện để đánh bắt hải sản ven biển.
Trước đó, chiều 2/5, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà) phát hiện ghe mang số hiệu ĐNa 37065 TS do ông Lê Công H. (35 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) điều khiển. Trên ghe có công cụ kích điện và khoảng 200 m ống hơi.
Ông H. khai nhận việc dùng dây điện đấu nối theo đường ống hơi để lặn xuống nước. Khi phát hiện các loại cá ở gần, khoảng 1-2 m sẽ dùng súng xung điện bắn làm cá bị tê liệt. Ông này cũng thừa nhận bản thân biết hành vi này là tận diệt hải sản và nguy hiểm đến tính mạng.
Căn cứ Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chủ tàu Lê Công H. số tiền 12,5 triệu đồng.
Đồn Biên phòng Sơn Trà cũng cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị phát hiện người dân dùng loại công cụ này để đánh bắt ven bờ. Qua kiểm tra, bộ công cụ này không có nhãn hiệu, xuất xứ từ Trung Quốc.
Thanh Trần - Tân Lộc/Tiền Phong