Dụng ý chiến lược của Mỹ trong việc duy trì binh sĩ tại Syria
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ chờ đợi và quan sát chính phủ non trẻ ở Syria. Bên cạnh đó, Mỹ khẳng định binh sĩ nước này sẽ tiếp tục hiện diện tại Đông Bắc Syria.
Mỹ hiện duy trì quân đội ở Đông Bắc Syria để hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trên thực tế, Lầu Năm Góc vào tháng 12/2024 đã cập nhật về quân số Mỹ tại Syria tiết lộ rằng con số thực tế là 2.000 binh sĩ, không phải 900 như đã báo cáo trong nhiều năm.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ) – ông Joshua Landis , mô tả thông báo cập nhật này là một thông điệp gửi đến nhiều bên ở Syria, để họ có cách tiếp cận thận trọng đối với SDF và vùng lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát, trong bối cảnh tương lai của đất nước đang định hình.
Sau khi lực lượng đối lập, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12/2024, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Đông Barbara Leaf đã dẫn đầu phái đoàn gồm Đặc phái viên Tổng thống về vấn đề con tin Roger Carstens và Cố vấn cao cấp Daniel Rubinstein tới Damascus. Bà Leaf cho biết đã thảo luận với lãnh đạo Syria mới về "nhu cầu cấp thiết đảm bảo các nhóm khủng bố không thể gây ra mối đe dọa trong và ngoài Syria, bao gồm cả với Mỹ và các đối tác trong khu vực". Theo bà, lãnh đạo phe đối lập Syria Ahmed al-Sharaa đã cam kết thực hiện điều này.
HTS cũng cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp tôn trọng tất cả các nhóm sắc tộc và phe phái chính trị của Syria. Bên cạnh đó, lực lượng đối lập sẽ trao quyền kiểm soát cho một chế độ dân sự vào tháng 3/2025.
Ưu tiên chiến lược
Phát biểu với các phóng viên vào ngày 19/12/2024, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cũng khẳng định rằng "không có kế hoạch chấm dứt nhiệm vụ đánh bại IS". Ông Ryder cho biết số lượng quân tăng thêm nhằm mục đích đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới nổi liên quan đến đánh bại IS. Chiến dịch chống IS vốn triển khai từ năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Lầu Năm Góc vào tháng 7/2024 cho biết đã ghi nhận 153 cuộc tấn công của IS ở Iraq và Syria trong 6 tháng đầu năm, gấp đôi so với năm 2023.
Ông Mohammed Salih tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), cho biết thực sự có một số lợi ích chiến lược khác chưa được nhắc đến đằng sau việc Mỹ triển khai quân đội ở Syria.
SDF hiện đang giám sát các nhà tù giam giữ hàng nghìn tù nhân IS. Sự hiện diện của quân đội Mỹ có thể giúp SDF tránh khỏi đụng độ với các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria (YPG) là lực lượng dẫn đầu SDF.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đối đầu với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong 40 năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ coi PKK, YPG và SDF là các nhóm khủng bố. Mỹ và các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ liệt kê PKK là khủng bố, nhưng YPG và SDF lại được loại trừ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là khủng bố đã khiến Ankara bất đồng quan điểm với Mỹ, vốn cũng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
SDF hiện đang kiểm soát một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Syria, tương đương 1/3 tổng lãnh thổ của đất nước. Vùng đất mà họ kiểm soát chứa khoảng 70% các mỏ dầu và khí đốt của Syria. Việc kiểm soát các mỏ dầu đó sẽ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế trong tương lai của Syria.
Lãnh đạo phe đối lập al-Sharaa cùng Ngoại trưởng lâm thời Syria Asaad Hassan Al-Shibani đã coi sự phát triển đó là trọng tâm chính trong các cuộc tiếp xúc ban đầu của họ với truyền thông và các phái viên nước ngoài.
Ông Landis nhận định với Al Jazeera: “Syria cần nguồn đầu tư nước ngoài lớn vào ngành công nghiệp dầu mỏ, để đưa ngành này trở lại hoạt động, cải tạo và tân trang lại. Chỉ có chính phủ Syria mới có thể làm được điều đó vì Mỹ không có thẩm quyền ký hợp đồng thuê dài hạn với các chính phủ nước ngoài. Người Kurd cũng vậy, bởi họ không phải là chính quyền được công nhận. Những giếng dầu đó thuộc về chính phủ Syria”. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, một phần, nhằm mục đích đảm bảo rằng các mỏ nhiên liệu hóa thạch đó nằm ngoài tầm tay của IS và trước đây là chính phủ của cựu Tổng thống Assad.
Vào năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã trực tiếp đề cập đến mục tiêu này. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng bên cạnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Trump nói Mỹ để quân đội ở lại Syria “chỉ vì dầu mỏ". Một quan chức Lầu Năm Góc sau đó phân trần rằng "bảo vệ các mỏ dầu là nhiệm vụ phụ" so với việc đánh bại IS ở Syria.
Trên thực tế, ông Landis nhận định, các lệnh trừng phạt và dầu mỏ là “quân bài mặc cả lớn”. Những cuộc đàm phán trong thời gian tới có thể bao gồm việc tạo vai trò cho SDF trong chính phủ mới Syria. Dấu hiệu hợp tác ban đầu là lãnh đạo phe đối lập al-Sharaa đã gặp các đại biểu của SDF.
Tương lai
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria trong thời gian tới sẽ liên quan đến các quyết sách của Tổng thống đắc cử Trump, sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông Trump đã cân nhắc một cách thận trọng về tình hình. Tổng thống đắc cử Mỹ viết trên mạng xã hội TruthSocial vào đầu tháng 12/2024 rằng Syria "không phải là cuộc chiến của chúng ta". Tuyên bố này dường như phù hợp với cam kết "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump nhằm chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nỗ lực nhằm rút quân đội Mỹ tại Syria trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã đình trệ do vấp phải phản đối mạnh mẽ từ chính nội các. Theo ông Salih, với những nhân vật được Tổng thống đắc cử Trump bổ nhiệm lần này, ông dường như đi theo vết xe đổ tương tự. Ông Salih phân tích: “Những nhân vật được bổ nhiệm như Mike Waltz cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, và ông Marco Rubio cho ghế Ngoại trưởng, đã phản đối mạnh mẽ và rất gay gắt hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại SDF… và họ có quan điểm rằng Mỹ cần duy trì triển khai quân tại Syria. Tất cả những điều đó rất có thể đi ngược lại mong muốn và nguyện vọng cá nhân của ôngTrump”.
Ông Salih kết luận: "Tôi nghĩ sẽ có một số cuộc đấu tranh trong chính quyền mới của Mỹ liên quan đến chính sách về Syria".