Dụng ý của Đường Tăng khi đặt tên cho Trư Bát Giới
Trư Bát Giới là một trong 3 đồ đệ của Đường Tăng. Tên gọi Bát Giới được Đường Tăng đặt cho với ý nghĩa sâu xa.

Trong tác phẩm "Tây Du Ký" của nhà văn Ngô Thừa Ân, Trư Bát Giới là đồ đệ thứ hai được Đường Tăng thu nhận. Tên gọi Trư Bát Giới cũng là do Đường Tăng đặt cho đồ đệ này với ý nghĩa đặc biệt.

Cụ thể, Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình. Vì trêu ghẹo Hằng Nga trong lúc say rượu nên bị Thiên Bồng Nguyên Soái bị Ngọc Hoàng trục xuất khỏi Thiên giới, giáng xuống nhân gian đầu thai thành người có dung mạo như heo.

Sau khi hạ phàm, Thiên Bồng Nguyên Soái lấy tên là “Chu Cương Liệt” (Trư Cương Liệp). Pháp danh Trư Ngộ Năng của Bát Giới là do Bồ Tát đặt cho sau khi thuyết phục được hắn phò trợ Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Đường Tăng thu nhận Trư Ngộ Năng làm đệ tử và đặt cho cái tên mới là Trư Bát Giới.

Theo các nhà nghiên cứu, pháp danh của Trư Bát Giới được Đường Tăng đặt có dụng ý sâu xa. Trong đó, chữ Trư được lấy từ họ của hắn.

Tiếp đến, Bát Giới không chỉ là một cái tên mà còn là một lời nhắc nhở về "tám giới ràng buộc", những nguyên tắc mà Thiên Bồng Nguyên Soái sau khi bị giáng xuống trần phải tuân thủ để tự cải thiện mình.

Tám giới này bao gồm: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống rượu; Không ăn mặc diêm dúa; Không nằm hay ngồi trên giường cao rộng; Không ăn uống sau giờ chánh ngọ.

Tám giới trên không chỉ là bài học cho Bát Giới mà còn là giáo lý Phật giáo dành cho các tín đồ tu tại gia. Trong thời gian đầu phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, Trư Bát Giới bộc lộ những tính xấu trong con người như lười biếng, tham ăn, háo sắc....

Trải qua nhiều thử thách trên đường đi thỉnh kinh, Trư Bát Giới dần dần thay đổi, tự sửa mình, chăm chỉ tu hành, hoàn thiện bản thân để tu thành chính quả.

Nhờ lập được những thành tích xuất sắc trong việc diệt yêu bảo vệ Đường Tăng và hoàn thành việc lấy kinh, Trư Bát Giới được Phật Như Lai phong thưởng làm Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát. Ảnh trong bài mang tính minh họa.