Dược Hà Tây (DHT) vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm trong 9 tháng
CTCP Dược Hà Tây (mã chứng khoán DHT – sàn HNX) mới công bố BCTC hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2023.
Trong quý III, Dược Hà Tây mang về 479 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn giảm nhẹ về 432 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 8%, về còn 46,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 10,3% xuống còn 9,7%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Công ty giảm 3%, xuống còn 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 81%, lên 6,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng 16%, lên 6,8 tỷ đồng, chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6%, về còn 18,6 tỷ đồng.
Kết quả, trong quý III, Dược Hà Tây ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 18,7 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế 17,9 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng 2023, Dược Hà Tây ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.525 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 72,1 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 17% và 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 69,5 tỷ đồng.
Năm 2023, Dược Hà Tây đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng đạt 89,6 tỷ đồng lãi trước thuế, Công ty đã vượt 12% mục tiêu lợi nhuận năm.
Đến cuối quý III, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 1.531,2 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm. Trong đó, Công ty có hơn 76,5 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 80 tỷ đồng là đầu tư tài chính ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn của DHT còn 230 tỷ đồng, giảm 37% và hàng tồn kho còn 381,9 tỷ đồng, giảm hơn 17%.
Ngoài ra, DHT còn 577,8 tỷ đồng chi phí xây dựng dự án nhà máy dược phẩm công nghệ cao Láng Hòa Lạc, tăng gần 92% so với đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả doanh nghiệp còn 661,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Riêng vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn của Công ty còn lần lượt 269,2 tỷ đồng và 142,4 tỷ đồng.
Phát hành 8,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ huy động 180,6 tỷ đồng
Vừa qua, HĐQT DHT đã thông qua phương án chào bán 8,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng 11,36% tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho nhà đầu tư chiến lược, giá 21.500 đồng/CP. Thời gian chào bán dự kiến trong quý III hoặc IV/2023, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán.
Theo thông tin được công bố, nhà đầu tư nước ngoài là Aska Pharmaceutical Co., Ltd (Tokyo, Nhật Bản) đã đăng ký mua toàn bộ 8,4 triệu cổ phiếu của DHT.
Hiện tại, Aska Pharmaceutical đang nắm hơn 18,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 24,9%) tại DHT. Về mối quan hệ, ông Hiroyasu Nishioka (Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành, Giám đốc phụ trách khối kinh tế của Aska Pharmaceutical) và ông Keisuke Oshio (Quản lý cấp cao tại phòng kinh doanh quốc tế của Aska Pharmaceutical) đều đang là Thành viên HĐQT tại DHT.
Tổng số tiền dự kiến huy động được là 180,6 tỷ đồng, Dược Hà Tây sẽ dùng gần 78,4 tỷ đồng để đầu tư vào dự án nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar. Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar có tổng dự toán đầu tư hơn 1.283 tỷ đồng, với quy mô hơn 4,5 ha, tại khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, km 29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Còn lại hơn 102,2 tỷ đồng, DHT sẽ tái cơ cấu khoản nợ vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính cho Công ty. Khoản vay mà DHT dự định cơ cấu là của Ngân hàng MUFG, LTD – chi nhánh TP. Hà Nội với giá trị hơn 115,4 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, cổ phiếu DHT giảm 1,44%, xuống còn 20.600 đồng/CP.