Được hàng nghìn người thuê để ngồi yên và không làm gì tại Nhật Bản

Với khoảng 10.000 yen kèm chi phí đi lại và ăn uống, bất kỳ ai cũng có thể thuê Shoji Morimoto mỗi khi cần tâm sự, thú tội hoặc cùng trải qua cảm giác đau buồn nào đó.

Trước khi rời khỏi Tokyo đến nơi làm việc mới, Akari Shirai, 27 tuổi, muốn dùng bữa tại nhà hàng yêu thích, nơi cô và chồng từng ghé qua. Nhưng cả hai đã ly hôn, cô không muốn cảm giác đau buồn, suy nghĩ về chuyện tình tan vỡ đè nặng khi tới đây. Shirai lại càng không muốn đi ăn một mình hay rủ bạn bè và chia sẻ về tâm trạng hiện tại.

Vậy là cô thuê “anh chàng người lạ” ăn trưa cùng mình.

Bữa trưa gần như im lặng, kéo dài khoảng 45 phút. Shirai gọi món cô yêu thích và thỉnh thoảng đặt cho đối phương những câu hỏi. Cô tâm sự về những kỷ niệm với cuộc hôn nhân và cho anh xem bức ảnh cưới. Anh gật đầu, đưa ra những câu trả lời cộc lốc, đôi khi là tiếng cười khô khan. “Anh chàng người lạ” không bao giờ chủ động bắt chuyện, chỉ trả lời khi được hỏi.

Đó chính xác là những gì Shirai muốn.

Dịch vụ dành cho những người cô đơn, bị tổn thương

“Tôi cảm thấy như ai đó đang ở bên cạnh nhưng đồng thời lại không thấy vậy. Anh ấy tồn tại theo cách mà tôi không cần quan tâm đến nhu cầu của đối phương hay anh ta sẽ nghĩ gì. Tôi không cảm thấy khó xử hay áp lực khi nói chuyện. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi ăn trưa trong sự im lặng như vậy”, Akari Shirai chia sẻ.

Trong nhiều năm qua, nghề cho thuê người lạ để đóng giả bạn bè, thành viên gia đình hay người quen khác đã trở thành ngành công nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Mục đích của việc này là giúp người thuê giữ thể diện tại các hoàn cảnh, chức năng xã hội mà họ được kỳ vọng.

 Morimoto được thuê để ăn trưa cùng Akari Shirai. Cô sắp rời Tokyo với tâm trạng nặng trĩu vì cuộc ly hôn. Đây là quán ăn mà cô với chồng cũ đã từng ghé qua. Ảnh: Michelle Lee/The Washington Post.

Morimoto được thuê để ăn trưa cùng Akari Shirai. Cô sắp rời Tokyo với tâm trạng nặng trĩu vì cuộc ly hôn. Đây là quán ăn mà cô với chồng cũ đã từng ghé qua. Ảnh: Michelle Lee/The Washington Post.

Nhưng với Shoji Morimoto, 38 tuổi, anh khai thác thị trường ngách, xây dựng sự nghiệp bằng cách trở thành người lạ cho bất kỳ ai muốn trò chuyện, hay đơn giản chỉ là ngồi yên và lắng nghe họ. Theo Washington Post, công việc của Moritomo hướng tới mục tiêu mang lại cảm giác ấm áp, giải phóng khách hàng khỏi những kỳ vọng của xã hội. Moritomo còn có biệt danh là “rental-san” hay “người lạ lặng im”. Công việc của anh thu hút khá nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.

Các hợp đồng xuất hiện ngày càng nhiều, mang về cho Moritomo khoản thu nhập ổn định. Ban đầu dịch vụ hoàn toàn miễn phí nhưng Morimoto hiện tính phí để giảm khối lượng công việc và không gây lãng phí thời gian. Anh cho biết mình gặp 3-4 khách/ngày và đã có hơn 4.000 khách hàng kể từ lần đầu tiên ra mắt dịch vụ. Sau đại dịch, số khách hàng mỗi ngày của anh giảm một nửa, còn khoảng 1-2 người. Số tiền kiếm được từ công việc này giúp Morimoto đủ để trang trải, nuôi dạy con trai.

Moritomo tính phí 10.000 yen (khoảng 85 USD) cho mỗi cuộc hẹn. Hàng nghìn người thuê anh để cùng họ trải qua những bước ngoặt của cuộc đời, viết lại ký ức đau buồn hoặc cùng san sẻ khoảnh khắc dễ tổn thương mà họ không thoải mái nói với bạn bè, gia đình. Moritomo sẽ chỉ ở đó, không phán xét, xa lánh hay làm ảnh hưởng không gian cá nhân của khách hàng.

 Morimoto đứng chờ một vị khách. Ảnh: Washiton Post.

Morimoto đứng chờ một vị khách. Ảnh: Washiton Post.

Ai đó đã thuê anh ngồi với họ trong lúc hoàn thành luận án, vì họ lo việc ngồi một mình sẽ sinh cảm giác chểnh mảng. Moritomo cũng lắng nghe các nhân viên chăm sóc sức khỏe mô tả về thiệt hại sức khỏe tâm thần trong đại dịch.

Một phụ nữ đã thuê anh ta đi cùng khi cô nộp giấy tờ ly hôn. Có lần, anh ngồi với một khách hàng để tư vấn phẫu thuật cắt trĩ, đi kèm rất nhiều hình ảnh minh họa. Khách hàng khác thuê Moritomo có mặt trong cuộc chia tay đầy kịch tính, khi người này lên chuyến tàu cao tốc đi từ Tokyo đến Osaka, Nhật Bản. Nhiệm vụ của Moritomo chỉ là xuất hiện, vẫy tay chào tạm biệt.

Một người đàn ông đã sử dụng dịch vụ để kể về tội ác của mình, trong khi một người khác trả tiền để Morimoto đưa anh ta từ bệnh viện về thăm lại nơi mình từng cố gắng tự tử.

Morimoto nhận thấy khách hàng của mình không muốn tạo gánh nặng cho người khác, nên họ quyết định làm những việc đó một mình.

“Tôi nghĩ khi mọi người cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc đang ở trong những khoảnh khắc thân mật, họ trở nên nhạy cảm hơn với bất kỳ ai mà họ thân thiết. Vì vậy, họ chỉ muốn trải qua nó cùng với một người lạ mà không có ràng buộc nào”, Moritomo cho hay.

Biến sự thất vọng của người khác thành nghề kiếm ra tiền

Không giống những người khác trong ngành công nghiệp cho thuê người yêu, bạn bè, kỳ vọng với Morimoto rất ít. Giáo sư tâm lý Yasushi Fujii, Đại học Meisei ở Tokyo, cho biết người đàn ông này đang mang tới sự hỗ trợ tinh thần mà nhiều người khao khát nhưng khó tìm thấy, đặc biệt khi dịch Covid-19 ập đến, cảm giác bị cô lập càng trầm trọng.

“Nếu tương tác với bạn bè hoặc người thân, những vị khách này có thể phải đối diện những phản ứng bất ngờ từ đối phương. Nhưng với Rental-san, họ sẽ không lo về điều đó và hoàn toàn kiểm soát được tình hình”, GS Fujii nói thêm.

Điều đặc biệt ở Morimoto đó là anh làm việc không vì tiền. Nhiều người thuê anh vì sự mới lạ. Anh lớn lên ở Kansai, phía nam của Nhật Bản, nhiều lần bị nhận xét là làm chưa tới hay không đủ sáng tạo để thành công. Sự kỳ vọng quá lớn khiến anh cảm thấy bản thân quá lạc lõng, cuộc sống trở nên phức tạp. Cuối cùng, anh biến nó thành một nghề, xuất hiện “vô hình” bên cạnh những ai cần.

Chiếc nón màu xanh, áo hoodie xám, đôi mắt không cảm xúc là đặc điểm để các vị khách nhận ra Morimoto. Ảnh: Mainichi.

Chiếc nón màu xanh, áo hoodie xám, đôi mắt không cảm xúc là đặc điểm để các vị khách nhận ra Morimoto. Ảnh: Mainichi.

Morimoto lần đầu tiên cung cấp dịch vụ này vào tháng 6/2018 sau khi đăng một dòng tweet có nội dung: “Tôi tự cho thuê bản thân, với tư cách là một người không làm gì cả. Bạn cảm thấy khó khăn khi đi ăn một mình? Bạn đang thiếu một cầu thủ trong đội? Bạn có cần ai đó giữ chỗ cho mình không? Tôi không thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ những việc dễ dàng”.

Morimoto đã lấy bằng sau đại học ngành Vật lý tại Đại học Osaka. Anh từng làm việc trong lĩnh vực xuất bản nhưng đã nghỉ để “không làm gì cả”. Sau 3 năm, anh cho ra mắt cuốn sách về nghề nghiệp đặc biệt của mình. Cuốn sách truyền cảm hứng cho một bộ phim truyền hình và thu hút hơn 270.000 người theo dõi trên Twitter.

Công việc này phù hợp với tính cách của Morimoto - không nói nhiều, ít biểu cảm. Anh thường đội chiếc mũ xanh đặc trưng và mặc áo hoodie, ánh mắt bình thản, không bộc lộ cảm xúc gì. Điều này giúp các khách hàng dễ dàng nhận ra Morimoto hơn. Anh cũng mặc trang phục theo yêu cầu nếu khách hàng cần.

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến mô hình kinh doanh này trở nên nổi tiếng và phổ biến, Morimoto khá do dự về câu trả lời. Anh chia sẻ bản thân đã học được cách không đánh giá người khác và đồng cảm với những người đang phải trải qua thử thách, khó khăn hay cảm giác tổn thương mà họ không bộc lộ ra bên ngoài.

“Ngay cả khi bề ngoài trông bình thường và ổn, họ vẫn có quá khứ hoặc bí mật gây sốc, hay những vấn đề không thể xảy ra. Họ đến với tôi trong vẻ ngoài không giống một người đang đau khổ. Ai cũng có bí mật và vấn đề của riêng họ”, Morimoto cho hay.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duoc-hang-nghin-nguoi-thue-de-ngoi-yen-va-khong-lam-gi-tai-nhat-ban-post1303838.html