Được 'mở lối thoát', nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất được nhiều nhà đầu tư 'nhòm ngó'
Rào cản lớn nhất về quy hoạch vừa được Bộ Xây dựng, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. Một loạt nhà đầu tư đã làm việc, cam kết mua lại Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất khi Vicem Bỉm Sơn muốn thoái vốn khỏi Công ty Xi măng Miền Trung.
Ngày 6/3/2023, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn – mã ck: BCC) đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) về việc bán/thoái vốn đầu tư của BCC tại Công ty xi măng Miền Trung (CRC) – công ty con do Vicem Bỉm Sơn sở hữu 76,8% cổ phần, tương đương hơn 9,9 triệu cổ phiếu. Văn bản này đã "hé mở lối thoát" của CRC sau 7 năm "vướng" quy hoạch, nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất phải tạm dừng hoạt động.
Trong văn bản này BCC đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, giữ lại CRC theo chiến lược của Vicem. Cụ thể, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 168/QĐ-TTg ngày 28/2/2023, Nhà máy nằm trong Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất. Do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất sẽ làm việc với Vicem và BCC trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 15/3 về việc tháo gỡ các vướng mắc, đưa nhà máy hoạt động trở lại ổn định.
Theo BCC, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy hoạt động bình thường, đảm bảo lượng xi măng xuất cho khách hàng. Công ty tập trung triển khai công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị… đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo hạn chế tối đã phát tán bụi ra môi trường.
Với phương án thứ 2 là bán toàn bộ vốn của Vicem Bỉm Sơn tại BRC. BCC cho biết, thời gian qua có nhiều đối tác quan tâm mua lại vốn đầu tư của BCC. Chẳng hạn, vào tháng 7/2022, Vicem Bỉm Sơn cho biết, đã có một số doanh nghiệp quan tâm muốn mua lại CRC với giá trị hơn 450 tỉ đồng (cao hơn tổng giá trị tài sản của công ty tại thời điểm cuối 2022). Cuối năm 2022, Công ty TNHH Thiên Phú mong muốn mua lại Nhà máy xi măng miền Trung theo phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần.
Gần đây nhất, ngày 28/2/2023, CTCP xi măng Đức Sơn thậm chí cam kết mua lại toàn bộ số cổ phần chi phối (9.953.280 cổ phần, tương ứng 76,8% vốn điều lệ) của Vicem Bỉm Sơn đã mua CRC.
Theo đánh giá của nhiều đơn vị tư vấn và các chuyên gia, trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy mạnh, và tiềm năng của Nhà máy xi măng Đại Việt, thương vụ bán vốn của BCC khá hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trước đó, năm 2013 BCC mua lại cổ phần của CRC với mức giá 11.560 đồng/cổ phần. Thời điểm đó, BCC thuê 4 đơn vị là Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển Xi măng là CCID, Công ty chứng khoán Bản Việt, CTCP Đầu tư và thẩm định giá dầu khí PIV và đặc biệt Công ty kiểm toán Ernt & Young Việt Nam đánh giá về công nghệ, công trình xây dựng; xác định giá; kiểm toán nhà máy nghiền xi măng Đại Việt…
Theo đó, CTCP Đầu tư và thẩm định giá dầu khí PIV định giá tài sản bằng phương pháp so sánh, PIV định giá công ty khoảng 370 tỉ đồng. Còn CTCP Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn thoái vốn) dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) để tính toán giá cổ phần. Cụ thể các phương án này cho giá mức giá bình quân 1 cổ phần của CTCP xi măng miền Trung là 18.127 đồng, với giá trị doanh nghiệp hơn 377,2 tỉ đồng và giá trị vốn chủ sở hữu 234,9 tỉ đồng. Sau đó, BCC “chốt” thương vụ này, BCC mua CRC 76,8% vốn CRC với giá 11.560 đồng/cổ phần (thấp hơn 36% so với định giá).
Mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất với Bộ Xây dựng để báo cáo với Thủ tướng cho nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất tiếp tục hoạt động trở lại. Theo dự kiến cuối năm 2022, đầu năm 2023 khi UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai công bố các quy hoạch về phân khu, kế hoạch chi tiết giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân trong khu vực, nhà máy đi vào hoạt động ổn định, công ty sẽ có hiệu quả ngay do nhu cầu và thị trường tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên ở mức cao. Dự kiến công suất đạt 500.000 tấn/năm, doanh thu dự kiến đạt hơn 560 tỉ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 49 tỉ đồng/năm.