Dược sĩ lâm sàng - 'Trợ thủ' đắc lực cho bác sĩ

Trong vai trò tư vấn về thuốc cho thầy thuốc, sự hỗ trợ và tham vấn kịp thời của dược sĩ lâm sàng (DSLS), với những bằng chứng y học chứng cứ cập nhật mới nhất, đã giúp cho việc điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao; đồng thời tránh được những phản ứng có hại của thuốc.

Dược sĩ lâm sàng là "trợ thủ" đắc lực cho bác sĩ.

Dược sĩ lâm sàng là "trợ thủ" đắc lực cho bác sĩ.

Theo Hiệp hội Dược sĩ lâm sàng Mỹ (ACCP), dược lâm sàng (DLS) là một ngành khoa học sức khỏe. Trong đó, các dược sĩ cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh, nhằm tối ưu hóa liệu pháp điều trị bằng thuốc; tăng cường sức khỏe, trạng thái tinh thần tích cực để phòng ngừa bệnh tật.

Thực hành DLS bao gồm triết lý về chăm sóc người bệnh. Kết hợp định hướng chăm sóc dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và đánh giá điều trị chuyên biệt, đảm bảo kết quả tối ưu cho người bệnh. DLS còn có nghĩa vụ tạo ra kiến thức mới, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Vai trò của Dược lâm sàng

Ở nước ta, phạm vi hoạt động DLS trong bệnh viện đã được Bộ Y Tế hướng dẫn trong Thông tư số 31/2012/TT-BYT. Theo hướng dẫn này, DLS được định nghĩa: “Dược lâm sàng là hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, trong đó người dược sĩ thực hiện vai trò tư vấn về thuốc cho thầy thuốc, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị. Đồng thời thực hiện vai trò cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho cán bộ y tế và người bệnh”.

Còn theo nghị định 131/2020/ NĐ-CP DSLS có 7 nhiệm vụ chính:

1. Tư vấn trong quá trình xây dựng các danh mục thuốc tại bệnh viện nhằm mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.

2. Tư vấn, giám sát việc kê đơn thuốc, sử dụng thuốc.

3. Đảm bảo thực hiện công tác thông tin thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh và nhân viên y tế.

4. Tham gia xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc và giám sát việc thực hiện các quy trình.

5. Phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc tại bệnh viện.

6. Tham gia công tác cảnh giác dược, theo dõi, giám sát, tập hợp và phân tích báo cáo phản ứng có hại của thuốc.

7. Tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Do thực hiện chức năng tư vấn nên trường hợp phát hiện có vấn đề liên quan đến an toàn, hiệu quả hoặc tính hợp lý trong sử dụng thuốc, người làm công tác DLS sẽ có ý kiến tư vấn cho người kê đơn thuốc để tối ưu hóa việc dùng thuốc, đồng thời ghi nhận ý kiến vào Phiếu phân tích sử dụng thuốc trên người bệnh theo mẫu quy định để người kê đơn thuốc xem xét thay thế hoặc điều chỉnh lại đơn thuốc cho phù hợp. Trường hợp ý kiến tư vấn không được chấp nhận, quyết định và trách nhiệm về việc kê đơn, sử dụng thuốc thuộc về người kê đơn. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin về sử dụng thuốc giữa bác sĩ và DSLS được dựa trên y học chứng cứ, nên đa phần các ý kiến tư vấn đều đạt sự thống nhất và được chấp thuận.

Người bệnh là đối tượng được hưởng lợi

Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, DSLS đóng vai trò quan trọng trong công tác phối hợp điều trị như cung cấp thông tin thuốc, hỗ trợ bác sĩ kê đơn, lựa chọn thuốc tối ưu, theo dõi, phát hiện, xử trí các biến cố có hại do thuốc xảy ra trên người bệnh để đảm bảo việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Tại các bệnh viện thực hiện tốt công tác DLS, người bệnh sẽ nhận được lợi ích tối ưu trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe:

- Có liệu trình điều trị phù hợp, tối ưu với sự phối hợp điều trị, theo dõi và chăm sóc đa chuyên khoa từ nhiều đơn vị chức năng.

- Được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có sự thống nhất, đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả và an toàn trong sử dụng thuốc.

- Được đảm bảo có sự theo dõi trong quá trình sử dụng thuốc, cung cấp kiến thức về thuốc đang dùng, từ đó nâng cao nhận thức và cải thiện tuân thủ dùng thuốc, cũng như nhận biết và xử trí kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc.

- Được giải quyết các vấn đề sức khỏe thông qua việc sử dụng thuốc hợp lý.

- Nhận được các lời khuyên nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng người bệnh.

ThS.DS. HÀ NGUYỄN Y KHUÊ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/duoc-si-lam-sang-tro-thu-dac-luc-cho-bac-si-n193312.html