Được thi đấu tại giải bóng rổ số một thế giới khó cỡ nào?
Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) là đỉnh cao, giấc mơ và mục tiêu cuối cùng trong sự nghiệp của mọi cầu thủ bóng rổ.
Không giống các môn thể thao khác, bóng rổ có sự chênh lệch rất lớn giữa giải đấu số một và phần còn lại trên thế giới. Hiện tại, NBA là giải đấu độc tôn trong bóng rổ khi có chất lượng cầu thủ, sức hút truyền thông và mức thu nhập vượt trội.
Theo ước tính của FIBA (Liên đoàn Bóng rổ Thế giới), có ít nhất 450 triệu người chơi bóng rổ trên hành tinh, bao gồm hàng trăm nghìn cầu thủ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Mọi cầu thủ bóng rổ trên thế giới đều mơ ước thi đấu ở NBA, dù chỉ một lần.
Các cầu thủ bóng rổ phải trải quá trình khổ luyện khắc nghiệt và sự cạnh tranh gắt cao từ rất nhiều đồng nghiệp để có thể đến với NBA.
Bóng rổ Mỹ và phần còn lại của thế giới
Bóng rổ được giáo viên thể chất người Mỹ James Naismith tạo ra vào năm 1891 ở thành phố Springfield, bang Massachusetts, Mỹ. Sau đó, người Mỹ sớm phát triển luật lệ và đưa bóng rổ trở thành môn thể thao chuyên nghiệp.
Năm 1898, Giải Bóng rổ Mỹ (NBL) được thành lập và trở thành một trong những giải thể thao đầu tiên trên thế giới. Sau đó lần lượt các giải bóng rổ BAA, NBA và ABA ra đời ở Mỹ.
Trải qua nhiều thập niên cạnh tranh và sáp nhập, NBA trở thành giải bóng rổ duy nhất ở nước Mỹ vào năm 1976. Ngoài ra, người Mỹ cũng xây dựng hệ thống giải đấu trẻ ở mọi cấp độ từ tiểu học, trung học cho đến đại học.
Những giải đấu này là nền tảng giúp bóng rổ Mỹ phát triển và sản sinh ra rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng. Những cầu thủ giỏi nhất sẽ góp mặt ở NBA, trong khi phần còn lại chuyển sang thi đấu và trở thành ngôi sao hàng đầu ở nhiều giải đấu trên thế giới.
Người Mỹ cũng sớm giới thiệu bóng rổ đến khắp nơi trên thế giới thông qua các nhà truyền giáo và những thủy thủ trên tàu viễn dương. Thậm chí, bóng rổ đã xuất hiện ở Trung Quốc và Philippines từ cuối thế kỷ 19, chỉ cách vài năm sau khi môn thể thao này ra đời.
Khi mà người Mỹ không ngừng phát triển và xây dựng hệ thống giải đấu dày đặc từ các cấp độ, thì phần còn lại của thế giới lại là một câu chuyện khác. Các nước còn lại xem bóng rổ chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí và không hứng thú với việc phát triển giải đấu chuyên nghiệp.
Mãi đến năm 1975, giải bóng rổ chuyên nghiệp thứ 2 trên thế giới mới ra đời, đó là Giải Bóng rổ Nhà nghề Philippines (PBA). Đây là giải bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên ở châu Á và lâu đời thứ 2 trên thế giới sau NBA.
Những yếu tố kể trên được cho là nguyên nhân lớn khiến NBA và nền bóng rổ Mỹ có khoảng cách chênh lệch lớn với phần còn lại của thế giới.
NBA tốt như thế nào?
NBA bắt đầu phát triển lớn mạnh và phổ biến trên toàn thế giới vào thập niên 90 với sự xuất hiện của huyền thoại bóng rổ Michael Jordan cùng tầm nhìn tuyệt vời từ cố chủ tịch David Stern. Những cải cách liên tục và sức hút từ Jordan giúp NBA vươn lên trở thành giải đấu thể thao hàng đầu thế giới.
Năm 2014, chủ tịch Adam Silver tiếp quản chiếc ghế nóng do David Stern để lại. Ông liên tục có những thay đổi và bổ sung luật lệ giúp các trận đấu bóng rổ trở nên thú vị hơn. Các luật lệ được bổ sung nhằm giúp trận đấu công bằng hơn và giữ khán giả ở lại với NBA.
Một yếu tố quan trọng khiến mọi cầu thủ đều muốn thi đấu tại NBA chính là mức thu nhập khổng lồ. Theo Basketball Reference, mức lương trung bình của cầu thủ ở NBA là gần 7 triệu USD/năm. NBA cũng là giải đấu thể thao trả lương cho cầu thủ cao nhất trên thế giới.
Ngoài ra, các cầu thủ có thể kiếm nhiều tiền hơn nếu vươn tầm ngôi sao của giải đấu. Họ có thể nhận được hợp đồng hàng triệu USD từ những hãng giày nổi tiếng hay trở thành gương mặt đại diện cho các thương hiệu.
Điều quan trọng nhất, NBA là nơi tập hợp những cầu thủ bóng rổ giỏi nhất trên thế giới. Cầu thủ xuất sắc ở những nền bóng rổ bên ngoài nước Mỹ đều đã và đang thi đấu ở NBA.
Những yếu tố kể trên khiến NBA trở thành thiên đường bóng rổ. Tiền tài, danh vọng và được thi đấu với những người giỏi nhất là điều mà mọi cầu thủ khao khát chạm tới.
Tỷ lệ chọi cực cao
Mỗi năm, có hàng chục nghìn cầu thủ bóng rổ trên thế giới ra sức tập luyện và thi đấu với hy vọng lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên NBA. Nếu chỉ tính bên trong phạm vi nước Mỹ, thì tỷ lệ chọi để vào NBA là cực cao.
Thông thường đội bóng rổ trung học ở Mỹ chia làm 3 cấp độ. Các cầu thủ phải cạnh tranh quyết liệt để có thể chiếm vị trí thi đấu ở đội hình chính. Kế đến, các cầu thủ phải là ngôi sao chủ lực mới có thể hy vọng nhận được học bổng hoặc tham gia những đội ở NCAA Division 1 (giải bóng rổ sinh viên cấp độ các nhất nước Mỹ).
NCAA là nơi tập hợp những cầu thủ ưu tú nhất khi còn thi đấu ở cấp độ trung học và con số đó là 4200 người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50-60 cầu thủ NCAA được chọn vào NBA mỗi năm. Ngoài ra, các tài năng trẻ ở NCAA còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng nghìn cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp đang thi đấu bên ngoài nước Mỹ.
NBA là giải đấu bóng rổ hấp dẫn và thu hút nhiều tài năng nhất trên thế giới. Các cầu thủ phải cạnh tranh gắt gao và gây ấn tượng nhiều nhất để được một trong 30 đội bóng NBA lựa chọn.