Dưới bầu trời quê nhà

Cái tin Hân sắp về nhà ăn tết chắc đã được mẹ mang khoe khắp xóm. Nhiều người quan tâm hỏi han xem cả năm nay Hân sống 'ở bển' thế nào, gởi tiền về được nhiều không, dành dụm được những gì, liệu kiếm được mối mang nào ngon ngon bên đó chưa?

Hơn một năm qua, Hân chăm chỉ làm lụng ở một đất nước xa xôi, cách quê nhà gần mười giờ bay dằng dặc. Hân đóng vai một nông dân trên các cánh đồng và trang trại. Công việc hái trái cây theo mùa không quá cực khổ hay áp lực, nhưng bảo nhẹ nhàng sung sướng thì cũng chẳng đúng.

Hân từng có người yêu, anh làm nhân viên văn phòng ở một công ty lớn. An phận, bằng lòng nên đôi khi anh buông lời chỉ trích những người “trèo cao”. Hân vừa nói với anh về kế hoạch dịch chuyển của mình, ngay lập tức hai bên đã cãi nhau, rằng Hân nhiều tham vọng quá, thích phiêu lưu như thế thì không phù hợp với cuộc sống gia đình đâu.

- Chúng ta còn trẻ, sao phải trói đời vào cái guồng quen thuộc này?

- Em may mắn quá rồi phát rồ phải không, bao người mơ ước có công việc mát mẻ sạch sẽ ở trung tâm, cuối tháng lãnh lương, không phải lo lắng, sao em còn đòi hỏi?

- Em không muốn cả đời cứ ru rú chắt bóp mà không dám dấn thân, trải nghiệm.

- Liệu sức em làm được gì mà cứ phải thể hiện?

Cứ thế, những lời lại qua khiến hai bên cào nát vào tim nhau những tổn thương.

 Minh họa: ANH DŨNG

Minh họa: ANH DŨNG

Mẹ Hân chỉ có hai anh em Hân là con. Anh trai đã có vợ con, tạm gọi là ổn định, nhưng không dư dả gì. Vợ chồng anh sống bên nhà ngoại. Mẹ Hân hồi trẻ bán bún ở chợ hẻm gần nhà, tằn tiện thì vừa đủ nuôi con. Căn nhà cấp bốn bé tí teo đã xuống cấp nghiêm trọng, vài lần sửa sang vá víu, cũng đủ để che mưa nắng thông thường, còn nếu mưa to, nước tạt vào khắp nơi, thấm dột. Nắng lớn, bong tróc từng mảng vôi vữa cũ kỹ rơi rớt xuống nhà, muốn nâng cấp lớn chút, hoàn chỉnh hơn, thì vướng ngay câu hỏi, tiền đâu…

Nhà Hân không thiếu ăn, nhưng chẳng có dư. Trước đây, Hân là biên tập viên của một đơn vị làm sách nhỏ. Công việc đều đặn, lắm lúc tẻ nhạt, và thu nhập thì cũng bé mọn, được cái nhàn hạ, không quá áp lực. Hân dành thời gian rảnh rỗi để tự học ngoại ngữ. Âm thầm và bền bỉ, Hân nộp lệ phí thi một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đạt mức điểm đáng mừng. Buổi tối, Hân cần mẫn chạy bộ, rèn thể lực. Khuya muộn, Hân hay trò chuyện với mẹ, để mẹ hiểu và ủng hộ các quyết định của con gái.

Hân về hôm trước, hôm sau đã thấy thím Tư hàng xóm thập thò trước cửa nhà mình. Mẹ mời thím vào, ngồi ở cái bàn ăn trong bếp, nếm thử mấy thứ mứt hoa quả Hân mang về. Hân thầm quan sát, thấy thần sắc thím đã tốt hơn, có da có thịt. Thím nói ít câu chuyện phiếm, rồi về. Mẹ Hân thở dài, đoán là thím muốn vay thêm ít tiền cho thằng con trai làm ăn.

Lại nhớ, khi Hân đi xuất khẩu lao động được chừng nửa năm thì thím bệnh, không có tiền để chữa chạy. Mẹ đắn đo mãi rồi cũng nói với Hân, rằng muốn giúp thím một khoản. Thím Tư chỉ có một thằng con trai, mà bấy lâu bỏ đi đâu biền biệt. Từ ngày thím bệnh, nó mới từ phương trời nào đó quay về, ra vô nấu nướng, chẳng biết thế nào. Chỉ thấy thím Tư không còn ra chợ buôn bán nữa, mẹ con họ sống kín đáo, chắc cũng ngại vì các khoản vay lặt vặt khó trả.

Hân thoáng chút khó chịu. Mẹ Hân tâm tính lương thiện, cả nể, tốt bụng. Thời buổi này, không ít người tận dụng sự chân thành của người khác. Nhưng Hân không nỡ chỉ trích mẹ con thím Tư trước mặt mẹ mình. Anh con trai thím Tư, Hân cũng có dịp chạm mặt đôi lần. Lúc thì anh ta quét cái sân chung cho mấy nhà. Hôm lại sửa cái bóng đèn chiếu sáng bị dây leo làm hỏng. To cao và ngăm đen, anh ta gợi trong Hân câu hỏi: khỏe mạnh như thế, sao anh không nỗ lực lo cho bản thân và cho mẹ mình, mà lại trở thành gánh nặng kia chứ! Nhưng thôi, dù mẹ quý thím Tư, thì cũng không thể bao đồng, lo mãi được.

Rồi thì những cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ cứ cuốn Hân đi. Thật vui khi biết câu chuyện “dám chơi lớn”, cụ thể là dám dấn thân, dám một mình làm lụng ở xứ người của Hân trở thành đề tài được nhiều người quen chào đón, hỏi han, thích thú. Rằng nếm trải một cuộc đời màu sắc như thế thật vui biết bao. Ước gì mình mạnh dạn và tự tin được như cô ấy. Hân chỉ cười, im lặng, cũng chẳng buồn hỏi han xem người xưa giờ ra sao. Anh ấy chắc chắn biết Hân về, nhưng sự rời rạc rồi bặt hẳn liên lạc trong hơn một năm qua cũng đã là một sự lựa chọn.

Hân tận tình chia sẻ các kinh nghiệm, thêm kiến thức về du học, lao động ở xứ ấy cho những ai quan tâm. Mừng vì đám trẻ con lớn lên nhiều hoài bão, ước mơ bay cao bay xa hơn. Bin, con trai của anh chị Hân, nay đã cao phổng lên, níu lấy Hân để hỏi han về những ngày bên ấy. Hân trò chuyện với Bin: “Con sống ở đâu cũng được, làm nghề gì miễn có ích, thì đều đáng quý”.

Thời tiết những ngày cuối năm như chiều lòng người, dịu dàng, dễ chịu. Hân ngồi bó gối trong căn gác gỗ thời thiếu nữ của mình, ngắm bầu trời thành phố qua ô cửa sổ hẹp. Nhớ tới những cánh đồng bạt ngàn xanh, những hôm mùa hè, những xế mùa thu nơi xứ người. Cảnh sắc phương ấy bao la và đẹp đẽ, nhưng Hân chưa từng nguôi nỗi nhớ thương quê nhà, nên giờ Hân phải tranh thủ tận hưởng mỗi sớm thức dậy ở nhà mình. Ngước mắt nhìn lên, Hân nhận ra đây chính là bầu trời quê mẹ, thân thuộc, yêu quý. Cô hít hà làn gió chướng mơn man, nghe lẫn trong đó mùi thơm của mứt dừa, mứt gừng ngọt ngào. Tết đã thấp thoáng đâu ngoài kia, gần lắm.

Tờ lịch tháng Chạp còn mỏng lét, thím Tư lại qua chơi. Lần này Hân không còn vui vẻ xởi lởi như trước. Cô định bụng, nếu thím mở lời, thì Hân sẽ từ chối thẳng. Giúp nhau lúc ngặt, chứ ai giúp lúc nghèo. Hân thui thủi đi làm xa, kiếm tiền cũng không phải dễ dàng gì. Những khổ sở khó nhọc ấy, Hân giữ cho riêng mình, nhưng nào có nghĩa là người khác có quyền lợi dụng sự tử tế của mẹ con Hân.

- Hân à, cảm ơn con đã có lòng giúp đỡ thím năm rồi. Nay thím gởi lại cho con…

Thím Tư dừng lại, chậm rãi lấy từ trong túi ra một xấp tiền mỏng, được cột ràng dây thun cẩn thận. Hân chưng hửng, bất ngờ trước tình huống chưa lường tới này. Cô thở ra nhẹ nhõm, chưa hẳn vì được nhận lại món nợ mình đã trao đi, một chút tự trách bản thân đã nghĩ xấu cho người khác.

- Dạ thím, ở đâu ra có tiền mà vội trả mẹ con vậy?

- Thằng Lâm nhà thím nó về, lo hết. Ngày nào nó cũng làm việc online để tiện chăm sóc thím. Giờ thím khỏe hơn rồi, nên sau tết nó lại đi làm. Tội nghiệp cái thằng, bây lớn mà chưa bồ bịch, yêu đương gì hết.

Hân biết thím Tư chỉ là thuận miệng than vậy thôi, mà dưng không, cô cảm giác có chút bối rối. Hân vờ loay hoay cắm bình cúc vạn thọ để chút nữa bày biện lên bàn thờ. Mùi thơm của hoa bám vào mấy ngón tay của Hân, nồng nồng, thân thuộc, bất giác khiến Hân xúc động. Hóa ra, cuộc sống vẫn luôn đủ đầy và đáng yêu biết bao.

HOÀNG MY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/duoi-bau-troi-que-nha-post722646.html