Dưới chân Bạch Mã

HNN - 35 năm trước, vào mùa hè năm 1990, tôi theo Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng về Phú Lộc. Từ ngã ba Ràng Bò, anh Nguyễn Loan cho chiếc Toyota men theo con đường mòn mà trong chiến tranh quân giải phóng đã dũng mãnh vượt qua tuyến phòng ngự của đối phương để chia cắt Quốc lộ 1A, mở đầu cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng tháng 3/1975 toàn thắng.

Phong cảnh hồ Truồi. Ảnh: Tạ Hoàng Ngọc Yến

Phong cảnh hồ Truồi. Ảnh: Tạ Hoàng Ngọc Yến

Xe băng qua một quãng thì dừng lại bởi những trái đá mồ côi lăn lóc chặn lối. Đoàn chúng tôi tiếp tục men theo con đường mòn. Thung lũng trước mặt chỉ toàn cây sim, cây mua và lau lách tốt tươi bên khe nước trơ cạn đáy. Tịnh không có một ngọn cây.

Là người có gần 30 năm ở trong quân ngũ, năm 1974, trước khi đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh ủy, ông Vũ Thắng đã là Đại tá. Thời còn khoác áo lính, trong một lần dừng chân ở động Truồi nhìn về phía đầm Cầu Hai, ông Vũ Thắng thấy ở dưới chân ngọn núi này có một thung lũng khá rộng và muốn trở lại xem thử có thể biến nó thành hồ chứa nước hay không nên đã “kéo” theo TS. Hồ Ngọc Phú, Giám đốc Sở Thủy lợi, người từng là thư ký riêng nên ông thường xưng hô “mi - tau”.

- Này Phú, mi thấy răng?

Đang đi, TS. Phú dừng lại.

- Dạ, thấy chi anh?

Ông khoát tay chỉ vào hai mỏm đồi ở xa xa.

- Mi có thấy hai mỏm đồi đó không?

- Dạ thấy.

- Nếu mình cho làm con đập kết nối chúng với nhau chắc đỡ tốn kém Phú hè?

- Dạ, em thấy cũng có lý. Em sẽ cho cán bộ kỹ thuật khảo sát sơ bộ rồi báo cáo anh.

Tưởng mọi chuyện êm trôi sau khi Bí thư Vũ Thắng nghỉ hưu nhưng chỉ mấy năm sau, năm 1996, công trình hồ Truồi khởi công và đến năm 2005 chính thức đưa vào khai thác.

Tôi không rõ cái thân đập dài 215 mét có nối hai mõm đồi mà cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng đã từng gợi ý hay không, nhưng biết chắc chắn rằng trên lưu vực rộng 65km2 này, nhờ cái thân đập cao gần 50 mét đón nguồn nước mát lành từ chân núi Bạch Mã đổ về nên thung lũng cằn cỗi năm nào nay biến thành hồ nước trong xanh.

Do ám ảnh bởi trận lũ lịch sử 1999 nên hôm khánh thành, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Hồ Xuân Mãn tranh thủ đề xuất xin làm thêm hai công trình, đó là đập tràn phụ nhằm chia nước với đập chính và đường cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng phó nếu sự cố xảy ra. Thấy đề xuất hợp lý nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý và đã cho triển khai thực hiện.

*

Hồ Truồi sau khi được công nhận là điểm du lịch của Huế, khách thập phương đổ về thưởng ngoạn.

Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, Phó Trưởng ban Quản lý Thiền phái Trúc Lâm, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã từng kể với các phật tử rằng, nếu không có ông Hồ Xuân Mãn tận tâm giúp đỡ, chắc sẽ không có Thiền viện này.

 Thượng tọa trụ trì Thiện viện Trúc Lâm Bạch Mã và tác giả (thứ 3, trái sang)

Thượng tọa trụ trì Thiện viện Trúc Lâm Bạch Mã và tác giả (thứ 3, trái sang)

Nghe danh Bạch Mã đã lâu, Đại đức Thích Tâm Hạnh dù quê ở Thừa Lưu, Phú Lộc nhưng mãi đến năm 2006 mới tìm về khảo sát. Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã TS. Huỳnh Văn Kéo đã tận tình hướng dẫn giúp đỡ và Đại đức đã chọn được vị trí đẹp ở phía dưới thác Đỗ Quyên.

Ngặt một nỗi, Bạch Mã là Vườn Quốc gia, do vướng vào cảnh “hai nhà đi chung một cổng” - nghĩa là, muốn lên chiêm bái, phật tử phải mua vé nên bế tắc. Cơ duyên xuất hiện khi Đại đức Thích Tâm Hạnh tìm gặp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn. Nghe xong, ông Mãn nói với Đại đức: “Tôi sẽ chỉ cho một địa điểm”. Đại đức Thích Tâm Hạnh đã theo Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã về hồ Truồi và thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của non nước nơi đây.

Từ nguồn cúng dường của phật tử trong và ngoài nước, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm (2006 - 2008), Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã đã biến gần 2ha đồi hoang thành chốn thiền môn thanh nhã, với những công trình kiến trúc ẩn hiện “giữa núi núi chập chùng, ngọn mờ, ngọn tỏ, như có, như không soi mình xuống gương nước” như lời vị Trụ trì tán thán!.

Trong không gian ảo diệu ấy, người tìm đến đây có dịp chiêm nghiệm tinh thần nhập thế giữa Đạo và Đời, cảm được cái triết lý tu tại tâm qua bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Giác hoàng Trần Nhân Tông:

Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên

Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm

Vô tâm trước cảnh, hỏi gì thiền

(Huệ Chi dịch)

Từ khi trở thành điểm đến, một tuyến đường du lịch dài gần 6km chạy men theo bờ nam sông Truồi đã hình thành, giúp du khách vi vu qua xứ sở của thổ sản từng một thời nức tiếng: Chè Truồi, dâu Truồi và trong hành lý của mình có thể dừng mua ít bánh bột lọc Truồi mang theo.

Nằm dưới chân ngọn núi thiêng Bạch Mã, mặt nước hồ Truồi hầu như in bóng núi non và mây trời quanh năm. Đó là chưa kể lúc sương giăng, du khách cảm thấy mình như lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh” trên trần thế. Nếu muốn dã ngoại - picnic theo yêu cầu thì chỉ non 20 phút thuyền sẽ đưa du khách cập bến ở cuối chân núi. Tại đây, bạn có thể tắm ở các con suối: Vũng Thùng, Hợp Hai Ba Trại, Ông Viên. Bên bếp lửa trại nướng cá, nướng gà, nướng thịt BBQ… và vui vầy nhâm nhi vài ly. Hè về, được thư giãn ở nơi trong lành, mát mẻ là liều thuốc giúp con người cân bằng cuộc sống.

Sau hàng chục năm tạo dựng, Huế đã có nhiều hồ chứa nước lớn nhỏ không chỉ tưới tắm cho ruộng vườn mà đã và đang trở thành tài nguyên cho ngành du lịch. Từ hồ Truồi, tôi nghĩ về hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương. Với lưu vực khá rộng, quanh năm ắm ắp nước, lại có các dãy núi án ngữ ở hai bên bờ Đông - Tây và có cả suối nước nóng, Tả Trạch hội đủ yếu tố để trở thành điểm đến lý tưởng của du lịch sinh thái và trải nghiệm.

Sông - hồ - đầm phá - biển - đồi núi. Tài nguyên thiên nhiên ấy không phải địa phương nào cũng có. Có phải đây là thế mạnh, tạo nên sự khác biệt của du lịch Huế?

Phạm Hữu Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/duoi-chan-bach-ma-153525.html