Dưới hàng thốt nốt!

Là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi (An Giang), thốt nốt đã trở thành biểu tượng cho mảnh đất anh hùng này. Với người dân địa phương, thốt nốt gắn bó như người bạn thâm niên. Với du khách gần xa, thốt nốt mang vẻ đẹp rất riêng và để lại ấn tượng khó quên.

Nhiều lần về với vùng Bảy Núi, tôi rất thích thong dong dạo quanh những tuyến đường băng qua mấy cánh đồng thốt nốt. Những ngày cuối tháng 3, cái nắng đã chực đến sớm, xuyên qua tán lá và soi rõ mạch đất khô cằn. Ấy vậy, khung cảnh vẫn mang vẻ đẹp thanh bình, bởi những cánh đồng thốt nốt bạt ngàn làm dịu đi cái nắng chan chát mùa khô.

Gặp ông Trần Văn Thạch (ngụ phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) để chuyện trò, tôi được nghe nhiều hơn về cây thốt nốt. Hì hục từ trên ngọn cây thốt nốt leo xuống đất, ông Thạch hổn hển: “Mấy cây thốt nốt quanh khu vực này cũng tầm 40 - 50 năm tuổi chứ không ít đâu, có cây gần cả trăm năm. Loại này lâu lớn, nhưng đã lớn thì rất bền bỉ với đất trời. Làm nghề leo thốt nốt hơn 30 năm, tui rành “mặt cây” ở đây hết. Lúc tui mới vô nghề, những cây này đã cho nước. Mà để có được nước, thì cây thốt nốt cũng phải từ 20 năm tuổi trở lên”.

Những cánh đồng thốt nốt bạt ngàn là vẻ đẹp đặc trưng vùng Bảy Núi

Những cánh đồng thốt nốt bạt ngàn là vẻ đẹp đặc trưng vùng Bảy Núi

Theo lời ông Thạch, cây thốt nốt được trồng với nhiều mục đích, chứ không chỉ để khai thác nước nấu đường. Mục đích đầu tiên là thốt nốt giúp nông dân “giữ đất”. Bởi lẽ, chất đất vùng Bảy Núi chủ yếu là cát, rất dễ sạt lở trong mùa mưa. Do đó, người ta trồng thốt nốt để giữ bờ ruộng. Qua nhiều năm, chúng lớn lên, bờ đất vẫn còn đó và người dân sẽ khai thác nước thốt nốt nấu đường.

“Tính ra, cây thốt nốt có lợi đủ thứ. Nước thì nấu thành đường, trái thì bán cho khách ăn chơi. Với những cây quá già cỗi, lượng nước kém đi, người ta sẽ làm đồ mỹ nghệ. Tui có thấy mấy cơ sở ở phường An Phú, họ làm đủ thứ đồ mỹ nghệ, từ bàn, ghế, đũa, bình gạt tàn thuốc cho đến vỏ đựng bình trà, lục bình trang trí… Đến lá thốt nốt, người ta cũng dùng gói đường nhìn đẹp lắm, bán cho khách du lịch họ rất thích” - ông Thạch xởi lởi.

Vì đã gắn bó gần cả đời với hàng thốt nốt, nên ông Thạch xem cây thốt nốt như người bạn thâm niên. Cũng có khoảng 10 năm, ông lên Bình Dương làm công nhân, nhưng đời sống không khá nổi. Lần lựa mãi, ông quyết định trở về quê hương, về với cái nghề leo thốt nốt gắn bó từ hồi “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Ông tâm sự, nghề này tuy vất vả nhưng nếu siêng năng thì đời sống cũng ổn. Mỗi năm, thốt nốt cho nước nhiều từ tháng 8 âm lịch đến hết tháng 5 năm sau, nên ông có việc làm thường xuyên, không lo túng thiếu.

Người dân Bảy Núi mưu sinh cùng cây thốt nốt

Người dân Bảy Núi mưu sinh cùng cây thốt nốt

Là “đồng nghiệp” với ông Thạch, anh Nguyễn Văn Tấn (ngụ phường An Phú, TX. Tịnh Biên) cũng xác định sẽ gắn bó với cây thốt nốt đến khi nào không thể mới thôi. “Mình sống bằng nghề này thì phải chịu lặn lội cùng nó. Có những ngày leo nhiều cây, về đến nhà thì mệt lả, không ăn cơm nổi. Ấy vậy mà không ai bỏ nghề, cứ cặm cụi với nó hết mùa này đến mùa khác. Vì hiểu được nỗi khổ của nghề, nên anh em hay đỡ đần qua lại. Người nào mệt thì nghỉ ở nhà, anh em sẽ leo giùm ít hôm, tới khi khỏe thì trở lại với cây thốt nốt”.

Anh Tấn cũng cho hay, những người có điều kiện đã chuyển sang nghề khác cho đỡ nhọc thân. Riêng các anh vì còn thiếu vốn, nặng tình với nghề này, nên cứ “ôm” cây thốt nốt làm kế mưu sinh. Đa phần những người như anh Tấn sẽ thuê cây thốt nốt theo mùa với giá rẻ, rồi leo lấy nước bán kiếm lời nên nguồn thu khá. Do đó, dù vất vả nhưng vẫn lo được cơm no, áo ấm cho gia đình. “Sống với cây thốt nốt, riết thấy mình cũng hệt như nó, vất vả cỡ nào cũng vượt lên được. Đời mình đã lỡ leo thốt nốt, chỉ mong con cháu sau này kiếm được cái nghề ở dưới đất cho khỏe tấm thân” - anh Tấn trải lòng.

Nghe lời tâm sự của các anh, tôi cảm thấy quý mến những con người cần lao đó. Với họ, cây thốt nốt không chỉ là người bạn thâm niên, tỏa bóng mát che chở cả tuổi thơ, mà còn mang lại kế mưu sinh, giúp họ có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Dù đã từng có ý muốn rời quê để mưu sinh, nhưng tình cảm gắn bó với quê hương, với những cánh đồng thốt nốt đã thôi thúc họ trở về.

Tôi không là người mưu sinh nhờ cây thốt nốt, nhưng vẫn thích thú mỗi khi thấy loài cây này. Đến thăm những cánh đồng thốt nốt như tìm được cảm giác bình yên, thư thái. Ở đó, có tiếng chim ríu rít, tiếng í ới của những người leo thốt nốt nói nhau nghe đủ thứ chuyện đời. Những người đam mê chụp ảnh cũng thường đến Tịnh Biên, Tri Tôn để tìm cảm hứng với những cánh đồng thốt nốt. Điều này khẳng định giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ mà cây thốt nốt mang đến cho du khách phương xa...

Do đó, nếu là người hay trải nghiệm, bạn hãy thử một lần len lỏi dưới những hàng cây thốt nốt để cảm nhận vẻ đẹp rất riêng của vùng Bảy Núi, để quý yêu hơn miền đất An Giang cảnh sắc hữu tình!

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/duoi-hang-thot-not--a418077.html