Đuổi người thuê ra khỏi nhà chỉ vì chậm trả tiền thuê ít ngày là phạm luật?
Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh đôi co giữa chủ nhà và cô gái thuê nhà vì trả tiền thuê chậm.
Cần chia sẻ khó khăn trong dịch bệnh
Theo thông tin trong clip, chủ nhà đã khóa cửa, yêu cầu bên thuê trả lại nhà do thanh toán chậm trễ tiền thuê 7 ngày theo hợp đồng. Mặc dù lỗi chậm trả tiền nhà thuộc về phía bên thuê, song trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, không ít người đã bày tỏ sự phản đối với hành động của chủ nhà trọ.
Bà Đỗ Thị Trang – người có hơn 10 năm cho thuê nhà trọ ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, từ khi xảy ra dịch bệnh, nhiều sinh viên, người lao động thuê nhà của bà phải nghỉ học, nghỉ làm. Có người còn chưa thanh toán tiền thuê nhà 2 tháng liền. Tuy vậy, bà Trang vẫn quyết định giảm 30% tiền thuê cho tất cả những người thuê. Với những cá nhân phải về quê tạm thời, bà Trang vẫn giữ phòng trọ cho họ trong 15 ngày không lấy tiền.
“Dịch bệnh xảy ra không ai mong muốn, nó ảnh hưởng đến thu nhập, kinh tế của hầu hết các gia đình. Nếu bên thuê nhà cứ kiên quyết đòi đủ tiền thuê, đúng thời hạn sẽ khiến bên thuê không có tiền sinh hoạt, trang trải cuộc sống, đặc biệt là với những công nhân, người lao động nghèo nay bị mất việc không có nguồn thu.
Tôi nghĩ rằng, trong tình cảnh này, mỗi người nên phát huy tinh thần nhường cơm sẻ áo, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Có như vậy cả nước mới có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn” - bà Trang nói.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Dương Đức Quang ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đành rằng chủ cho thuê nhà có quyền đòi tiền thuê nhà, lấy lại nhà khi bên thuê không thanh toán đầy đủ tiền thuê đúng hạn theo hợp đồng.
Tuy vậy, khi dịch bệnh xảy ra, nếu chỉ vì người thuê nhà nhà trọ chậm tiền nhà ít ngày mà đuổi họ ra đường là thiếu nhân văn. Đối với những hộ nghèo, lao động phổ thông dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng cũng chỉ phần nào vơi bớt khó khăn. Do đó, trong lúc này, mỗi cá nhân cần chung tay cùng Chính phủ giúp đỡ người nghèo.
Thỏa thuận vô hiệu?
Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi ký hợp đồng, chủ nhà và người thuê nhà đã có thỏa thuận về thời hạn đóng tiền nhà và hậu quả pháp lý khi không thực hiện đúng thỏa thuận (trong thời hạn 7 ngày nếu không đóng tiền nhà), bên thuê sẽ bị lấy lại nhà và mất tiền cọc.
Tuy vậy. theo Khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 về thời hạn chấm dứt hợp đồng thuê, khi không đóng tiền nhà, bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp:
Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này; Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
Như vậy, thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên là 7 ngày đã vi phạm Luật Nhà ở vì theo Luật này, không đóng tiền nhà quá 3 tháng thì hợp đồng mới bị đơn phương chấm dứt. Do đó, thỏa thuận này là vô hiệu.
Mặt khác, theo Điều 3 BLDS 2015, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Cũng theo BLDS 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
“Đối chiếu các quy định trên có thể thấy, thỏa thuận "nếu quá 7 ngày không đóng tiền nhà thì hợp đồng đơn phương bị chấm dứt" đã vô hiệu trước pháp luật. Nếu chủ nhà tiếp tục có hành vi cản trở, kiên quyết đòi lại nhà, bên thuê nhà có quyền khởi kiện chủ nhà ra TAND cấp quận để bảo vệ quyền lợi của mình” – Luật sư Hồng Vân nhận định.