Dưới những cánh rừng trụi lá

Tết Nguyên đán năm 1979, Trung đoàn 29 (thuộc Sư đoàn 307) tiến đến thị xã Rovieng thì dừng lại. Thị xã này thuộc tỉnh Preah Vihear, nằm ở phía Bắc Campuchia. Suốt một tháng hành quân qua các tỉnh Mondulkiri, Ratanakiri, Stung Treng, Kampong Thom mệt lử, chúng tôi cần nghỉ lấy sức. Hơn nữa, tết đến rồi. Những người lính tình nguyện lần đầu đón tết xa nhà với bao nỗi tâm tư.

1. Đến thị xã, chúng tôi phải đóng quân bên ngoài, dưới những cánh rừng trụi lá mùa khô. Vừa đến buổi sáng, chúng tôi nhận lệnh đi bắt tù binh ở huyện bên (huyện Taben). Toàn tù binh nữ. Chắc khi rút, lính đàn ông của Pol Pot nhanh chân chạy trước, để lại số lính nữ. Khi quân ta tiến vào, số lính nữ này không dám chống trả, dù quanh họ còn rất nhiều vũ khí hạng nặng.

Hơn 100 lính nữ ra hàng. Họ đều mặc váy đen, áo đen, đi dép râu. Tóc họ đều cắt ngắn, hầu như ai cũng có mái tóc dày, nước da bánh mật. Những đôi mắt đen sợ sệt nhìn bộ đội Việt Nam. Tiếng Kh’mer chúng tôi chưa biết nhiều, phần lớn ra hiệu bằng tay. Thấy chúng tôi không quát tháo hay đánh đập, họ dần bình tĩnh. Phải giải họ đi thành hàng, đề phòng họ chạy trốn, chúng tôi kiếm dây trói lại, nhưng không có loại dây nào đủ dài. Chúng tôi nghĩ ngay đến dây võng. Mở ba lô, tháo ngay những sợi dây dù, nối lại, ra hiệu cho các cô gái chìa tay. Những cổ tay rụt rè. Lần đầu được cầm tay con gái, nhiều anh lính bồi hồi, lúng túng. Vừa trói, vừa nói các cô thông cảm bằng tiếng Việt. Tuy không hiểu, nhưng có lẽ các cô cũng nhận ra điều này. Bằng chứng là, nhỡ cổ tay nào bị trói chặt, chúng tôi lại nới ra. Nhiều cô gật đầu, nói “Orcun!’’ (cảm ơn) nhiều lần.

Đưa các cô tù binh nữ lên xe GMC, chúng tôi giải về thị xã Rovieng. Buổi chiều, giam các cô vào một trường học bỏ trống. Lúc này, nhiều cô mới kêu ca khát nước. Có mấy cô bập bẹ tiếng Việt, vừa nói, vừa ra hiệu xin nước uống. Làm thế nào bây giờ? Bi-đông thì nhỏ, mình cũng phải dùng. Tôi vội chạy vào thị xã mượn cru (một dụng cụ đựng nước). Đường vào thị xã thì xa, quãng nửa cây số. Lại đi nửa cây nữa mới có giếng. Cứ thế, cả chiều đến tối, mới cung cấp đủ nước cho các cô. Cũng vừa lúc anh nuôi mang cơm vắt đến, bộ đội Việt Nam và tù binh nữ quân Pot Pot đều ăn cơm với muối hầm.

Đêm giao thừa, chúng tôi cũng muốn có chút thuốc lá hay bánh kẹo để chiêu đãi các cô nhưng xe hậu cần không lên kịp. Tôi đặt máy thông tin 2W dưới cây táo, cạnh ụ mối to. Ngả mình xuống thảm cỏ khô, nhìn lên bầu trời mùa khô lồng lộng. Những ngôi sao trong vắt, lấp lánh. Những điều tâm sự về cái tết đầu tiên xa nhà cất lên từ trái tim lính trẻ, vang vọng đến trời cao.

Mấy hôm sau, chúng tôi lại được lệnh đưa số tù binh nữ về Stung Treng. Lần này, các cô không bị trói nữa. Đã quen nhau nên hai bên tỏ ra thân thiện. Các cô ngồi phía sau, trên thùng xe. Tôi cầm AK, ngồi trong cabin cùng tài xế. Mùa khô, nắng như đổ lửa. Tôi vội chặt mấy tàu chuối, cho các cô che nắng. Mỗi khi qua cầu, thấy suối, các cô lại đập vào cabin, xin nước. Tôi lại nhảy xuống, lấy cả bi-đông của tài xế, múc nước cho các cô. Chiều tối, đưa các cô về đến thị xã Stung Treng, giao cho đơn vị khác. Buổi chia tay đã có nụ cười cùng những cái vẫy tay. Chính sự cảm thông và tình thương của quân tình nguyện đã góp phần cảm hóa được các cô.

2. Sang tết năm 1980, chúng tôi lại rơi vào tình huống nguy khốn. Lúc này, đơn vị tôi lên đóng quân tại Anlong Veng, một cứ điểm quan trọng của quân Pol Pot nằm sát biên giới Campuchia - Thái Lan. Nhiệm vụ của đơn vị tôi là ngăn chặn những cửa khẩu, không cho quân Pol Pot xâm nhập nội địa. Tết năm đó, địch cậy đông, bao vây chúng tôi.

Ngày 27 tết, đại đội 5 được phân công lên Kamtuot gùi đậu xanh và gạo nếp về cho tiểu đoàn. Nhưng vừa đi được khoảng 1km, anh em rơi vào ổ phục kích. Mọi lần, nổ súng đánh nhau khoảng vài chục phút, quân địch bỏ chạy, chúng ta lại đi tiếp. Nhưng lần này, chúng không bỏ chạy mà kéo đến thật đông. Quân ta đành rút về. Vài hôm sau nữa, các đại đội thay nhau mở đường về Kamtuot lấy nhu yếu phẩm, đều bị bọn địch chặn. Không những vậy, từ bên kia suối, chúng liên tục bắn pháo và nã đạn cối các loại vào đơn vị. Anh em thay nhau ra giao thông hào canh gác và chiến đấu. Suốt cả tuần, bọn địch bắn pháo không ngừng. Các thân cây gãy ngọn, đổ rạp. Những cành cây gãy nát, bị giập, ngổn ngang. Nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh, đợi địch vào gần mới nổ súng. Anh em nuôi gà, cứ khoảng 3 giờ sáng, gà trống cất tiếng gáy. Từ xa, bọn địch nghe tiếng gà gáy, ước lượng khoảng cách, chỉnh pháo, bắn vào đơn vị chúng tôi. Tiểu đoàn ra lệnh cho anh em nhốt gà trong rọ, buộc cổ gà lại, không cho chúng gáy. Hoặc nhốt chúng trong hầm, bịt kín, không cho tiếng gáy lọt ra ngoài. Làm thịt thì không nỡ, vì mấy con gà gắn bó với chúng tôi rất thân thiết. Chả nhẽ sợ địch mà phải thịt gà, ăn thế sao ngon. Đành rằng là tết.

Đang chiến đấu, tết quên đi. Lại còn việc quan trọng nữa, đó là vừa phải căng mình đề phòng bọn địch tấn công, chúng tôi còn phải canh gác, giữ gìn nguồn nước. Cả đơn vị, khoảng 200 người, có mỗi con suối dùng chung. Mùa khô, lo nước cạn, chúng tôi đã đắp đập giữ nước. Nhưng bọn địch lại đang tập trung quân ở bên kia suối. Tiểu đoàn đề phòng bọn địch bỏ thuốc độc, rất nguy. Vì vậy, chúng tôi lại phải rải quân canh giữ nguồn nước cả ngày lẫn đêm. Suốt cả tuần, bọn địch xông vào, lại bị đánh bật ra. Cũng có lúc, chúng tôi đặt ra phương án rút lui. Cuối cùng, chúng tôi trụ lại được ở Anlong Veng. Khoảng hơn tuần sau, bọn địch bỏ chạy.

Chúng tôi lại đi lấy gạo nếp, đậu xanh, thịt heo về đón tết muộn nhưng vẫn tưng bừng. Bởi không khí tết ở đây là do chính mình tạo ra, không trùng thời gian với tết ở quê nhà. Anh em gói bánh chưng, bánh tét bằng lá chuối. Rượu thì tự nấu, xin men của dân Kh’mer. Lính tráng đi tuần, vác về những giò phong lan cực đẹp. Trong những căn hầm chật chội, có nhành lan đung đưa, căn hầm dường như sáng hẳn lên và rộng thêm.

Chúng tôi đã có những ngày tết ở K, vừa đón tết, vừa đi tuần, đi phục, vừa nổ súng chiến đấu để giữ cho phía sau được bình yên.

ĐOÀN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/duoi-nhung-canh-rung-trui-la-647113.html