Đuối nước ở trẻ em: Đừng để 'đến hè lại tăng'
Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân đa phần là trẻ em trong độ tuổi học sinh và trẻ nhỏ. Các vụ đau lòng nói trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo ngành chức năng cần gấp rút triển khai các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước xảy ra, nhất là khi mùa hè đang đến gần.
Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em xảy ra là do thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn cũng như không được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước.
Liên tiếp các vụ đuối nước
Ngày 1-5, bé gái tên T.B.N. (2 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bị đuối nước trong hồ bơi tại nhà. Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, tím tái, đồng tử 2 bên giãn lớn (dấu hiệu tử vong cao), mạch, huyết áp đều bằng 0. Dù các bác sĩ đã tiến hành hồi sinh tim, phổi hơn 40 phút nhưng bé vẫn không có dấu hiệu phục hồi.
Trước đó, vào chiều 17-4, tại một con rạch trên địa bàn phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) xảy ra vụ đuối nước làm em N.P.L. (15 tuổi, học sinh lớp 8/3, Trường trung học cơ sở Hòa Hưng, phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) tử vong.
Tai nạn tương tự cũng xảy ra cách đó đúng một tháng, vào chiều 17-3, 2 học sinh lớp 9/8 và lớp 8/1 Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa), là anh em ruột, cũng bị đuối nước khi tắm ở sông Buông (phường Phước Tân).
Các vụ tai nạn đuối nước nêu trên xảy ra khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng nguy cơ số vụ đuối nước tăng, nhất là khi mùa hè đang đến gần. Bà Nguyễn Thị Phương Huyền (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, bà thấy rất đau lòng khi xem các thông tin về các vụ trẻ bị đuối nước. “Hầu hết trẻ em đều rất thích nghịch nước, trong khi hiện nay thời tiết nắng nóng cộng với thời gian cận hè, kết thúc học kỳ II các em sẽ có những tiết học trống. Nếu nhà trường và phụ huynh không quản lý sát sao thời gian này rất dễ xảy ra tình trạng trẻ rủ nhau ra hồ, sông, suối… để vui chơi. Kèm theo đó là nguy cơ tai nạn cao nếu trẻ không được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước” - bà Huyền nói.
Chủ động ngăn ngừa tai nạn
Để ngăn ngừa tai nạn đuối nước trong lứa tuổi học sinh, theo bà Huyền, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư. Phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em không được tắm sông, ao, hồ khi chưa được sự đồng ý, giám sát của cha mẹ. Đồng thời, cho con học bơi, rèn kỹ năng phòng ngừa đuối nước để có thể chủ động phòng tránh nguy hiểm. Khi đi tắm biển, tắm hồ bơi, đi du lịch trên sông, hồ, cần cho trẻ mặc áo phao và luôn để mắt đến trẻ… Tốt nhất là phụ huynh nên chủ động cho con mình sớm tham gia học bơi vào những ngày cuối tuần, vào dịp hè… Khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng chống đuối nước, trẻ sẽ an toàn hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Châu (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) cho rằng, ngoài phụ huynh thì vai trò của nhà trường, giáo viên rất quan trọng trong việc cảnh báo, nhắc nhở học sinh về nguy cơ đuối nước. “Nếu cho trẻ ra về sớm, nhà trường hoặc giáo viên cần thông báo cho phụ huynh, tránh tình trạng các cháu tự ý rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ… Trong điều kiện chưa có hồ bơi để dạy trẻ bơi thì nên phổ biến các kiến thức, kỹ năng xử lý khi phát hiện tình trạng đuối nước” - ông Châu chia sẻ.
Ghi nhận từ thực tế các vụ đuối nước cho thấy, nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước là do môi trường sống thiếu an toàn, có nhiều ao, hồ, sông, suối, công trình thi công không che chắn…, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao, nhất là đối với trẻ nhỏ. Còn một nguyên nhân quan trọng khác là do sự thiếu quan tâm của người lớn trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trẻ em, nhất là trong khoảng thời gian các em được nghỉ học, tự rủ nhau đi chơi.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Võ Ngọc Thạch, để ngăn ngừa các vụ đuối nước khi mùa hè đang đến gần, các trường nên tăng cường tuyên truyền về nguy cơ đuối nước cho học sinh. Lồng ghép những kỹ năng nhận biết nguy hiểm khi vui chơi dưới nước; tránh xa sông suối, ao hồ, nơi thường xảy ra sạt lở, nước cuốn; cảnh giác sập cống, mương thoát nước khi trời mưa lớn, kể cả khi đi trong thành phố.
“Trong điều kiện các nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em còn hạn chế; nhiều nơi, nhất là các trường học chưa bố trí kinh phí thực hiện tốt công tác này; xã hội hóa đầu tư các thiết chế hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường hay ngoài nhà trường (hồ bơi trong trường hay tại các nhà văn hóa phường, xã…) còn nhiều bất cập thì việc nhà trường, gia đình quan tâm, thường xuyên giáo dục con em về ý thức bảo vệ bản thân, nhận biết và đề phòng bất trắc trước những hiểm nguy xung quanh… là vô cùng cần thiết” - ông Thạch chia sẻ.
Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội HUỲNH NAM THẮNG:
Tăng cường giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước…
Trong thời gian tới, Sở Lao động thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 22-3-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 224/QĐ-UBND ngày 20-1-2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về phê duyệt đề án phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2022-2030).
Phối hợp liên ngành kiểm tra công tác chỉ đạo, thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, bóc lột trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên địa bàn tỉnh năm 2024 tại các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Long Thành, Trảng Bom, thành phố Biên Hòa.
Đồng thời, sở sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch liên ngành tuyên truyền Luật Trẻ em năm 2016, kỹ năng về phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại, lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2024; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, tạo sân chơi cho các em nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích ….
Gia An (ghi)