Dưới tán cây mạy lùng
Hè về bọn trẻ trong bản Cốc Lùng thường rủ nhau tụ tập dưới tán cây mạy lùng, tán lá xòe rộng bằng cả đám nương to, nắng tháng Bảy chói chang là thế nhưng cũng hiếm có giọt nắng nào lọt xuống gốc cây, bởi tán lá to và rất dày. Gốc cây mạy lùng lòng thòng những chùm rễ, thả từ trên cành cao xuống, những chiếc rễ dài cả chục sải, to bằng cổ tay bọn trẻ nhẵn thín, vì bọn trẻ thường bám vào những chiếc rễ đánh đu; còn gốc cây thì khỏi nói, ít cũng chục vòng tay người lớn ôm mới đủ! Có lẽ cái tên của bản Cốc Lùng cũng khởi nguồn từ cây mạy lùng này mà ra.
Ké Sính Hỏi già nhất bản Cốc Lùng nhưng thân thể ké vẫn cường tráng, nhanh nhẹn, chòm râu bạc phơ của ké dài xuống tận ngực, ké biết đủ chuyện xa gần, chuyện xửa xưa gì ké cũng biết. Mỗi buổi trưa, ké Sính Hỏi lại vác bó lạt ra gốc cây mạy lùng ngồi đan giậu để bán, bàn tay khéo léo của ké Sính Hỏi thoăn thoắt luồn sợi lạt, những chiếc giậu xinh xắn hình thành rất nhanh dưới bàn tay điêu luyện của ké; nhiều người trong bản, cả ở bên Nà Ca, Nà Đóc… đến tận nhà đặt ké đan giậu để kịp vụ thu hoạch gánh thóc, gánh ngô ở ngoài ruộng, nương về.
- Mấy đứa nghỉ hè rồi à? Tay ké Sính Hỏi vẫn không ngừng đan, ké hỏi bọn trẻ đang túm tụm quanh ké.
- Vâng, chúng cháu nghỉ mười ngày rồi! Thằng Chao mặt mũi đen nhẻm, tóc nó cháy nắng vàng hoe, so với mười mùa quả của nó thì trông nó chỉ như đứa bảy, tám tuổi; hai tay chống đầu gối, nó lom khom cạnh ké Sính Hỏi trả lời, mũi nó khụt khịt.
- Ai bảo mày mười ngày, lớp tao nghỉ mười hai ngày rồi! Thằng Sầm thấp đậm, mặt đỏ như gà chọi vì nắng nóng, nó ngoảnh sang thằng Chao nói rõ to.
- Ừm… nhưng lớp tao còn lao động… tao mới nghỉ có mười ngày đấy! Thằng Chao không chịu, cãi lại.
- Tao cũng nghỉ mười…
- Thôi được rồi! Mười ngày hay mười hai ngày thì có khác gì lắm, mà mấy đứa phải cãi cọ rung cả những rễ cây mạy lùng thế chứ? Ké Sính Hỏi ngẩng lên nhìn bọn trẻ ý muốn dàn hòa.
Cái Mạ im bặt, khi nó định nói là nó cũng nghỉ mười ngày.
Thằng La xoay xoay con quay bằng gỗ ổi rừng, nó nhìn ké Sính Hỏi đan giậu nhanh một cách thuần thục rồi hỏi:
- Ké à, hôm nay ké kể chuyện gì cho bọn cháu nghe với?
- Phải đấy… ké kể chuyện đi? Bọn trẻ nhao nhao.
- Mấy đứa thích nghe chuyện gì? Ké Sính Hỏi xoay xoay chiếc giậu ngắm nghía, thân giậu hình tròn nhưng bốn góc đáy giậu lại là hình vuông, sợi lạt đều tăm tắp, ké đan xen màu xanh, màu trắng sợi lạt, tạo nên hoa văn rất đẹp.
- Ta kể cho mấy đứa chuyện Cẩu Khây nhá? Ké vẫn không nhìn bọn trẻ giọng sang sảng.
- Hay quá… hay quá… ké kể đi? Bọn trẻ reo lên thích thú.
Ngày xưa, ở bản Khau Mang có một cậu bé, có lẽ cậu ấy chỉ tầm tuổi các cháu nhưng cậu ta ăn một lúc hết chín chõ xôi. “Ôi da, ăn gì mà khỏe thế chứ?”. Cái Mà lè lưỡi! Giọng ké Sính Hỏi đều đều: Dân bản Khau Mang đặt tên cho bé là Cẩu Khây. Cẩu Khây mười tuổi, sức vóc đã khỏe như anh Vẹn, anh Khiêu ở bản ta ấy! “ Woa… anh Vẹn, anh Khiêu vác được cả cái loỏng (làm bằng thân cây rất to, khoét rỗng, người Tày dùng để đập lúa), bọn trẻ so vai trợn mắt nhìn nhau. Khi mười lăm tuổi, cậu ta đã tinh thông võ nghệ. Đúng lúc đó, vùng Khau Mang xuất hiện một con yêu tinh chuyên bắt người và súc vật. Chẳng mấy chốc làng bản tan hoang, nhiều người bị yêu tinh bắt đi ăn thịt, dân trong vùng vơi dần. “Thế này mãi không được. Dân vùng Khau Mang chẳng mấy chốc mà bị giết hết. Ta phải đi tìm yêu tinh trừ họa cho dân”.
Cẩu Khây tức tốc lên đường. Cậu đi rất nhanh, vượt núi, băng rừng, lội suối, bước chân cậu dường như không biết mỏi. Đến một cánh đồng rộng bị hạn hán, nứt toác, Cẩu Khây thấy một cậu bé chạc tuổi mình nhưng cao to hơn, cậu ta dùng tay làm vồ đóng cọc, để đắp đập dẫn nước vào ruộng. Mỗi nắm đấm của cậu giáng xuống, cọc tre thụt sâu hàng gang tay. “Này cậu, sao tay cậu khỏe thế?”. Cẩu Khây dừng lại ngạc nhiên. “À, ta luyện từ một sư phụ ở trên Phja Sung từ khi còn mặc quần thủng đít”. “Thế tên cậu là gì?”. “Mọi người gọi ta là Nắm Tay Đóng Cọc”. “Thế còn cậu tên gì? Đi đâu mà vội vã thế?”. “Ta tên là Cẩu Khây, dân vùng Khau Mang bị yêu tinh giết cả rồi, ta đi tìm để giết nó”. “Vậy cậu cho ta theo với”. Nắm Tay Đóng Cọc sốt sắng theo Cẩu Khây đi ngay. Hai cậu bước nhanh như gió, biết các cậu đi tìm giết yêu tinh, dân bản nơi hai cậu đi qua ai cũng vui mừng nấu cơm, đồ xôi cho các cậu ăn no nê, rồi hai cậu lại hăm hở lên đường.
Họ đi mãi, tới một thung lũng ruộng bậc thang từ chân lên đến đỉnh núi, bỗng hai người nghe tiếng tát nước xoàn xoạt. Họ ngạc nhiên thấy một cậu bé đang lấy vành tai tát nước suối lên khe ruộng cao ngất. “Cậu giỏi nhỉ? Tát nước bằng tai mà cứ như cái cọn nước lớn cõng nước lên cao vậy”. “Ừ, dân trong vùng thường nhờ ta đến tát nước lên khe ruộng cao, mọi người gọi ta là Lấy Tai Tát Nước đấy”. Cậu ta nhe răng cười. “Vậy hai cậu đi đâu mà nhanh như ma đuổi thế?”. “Chúng tôi đi tìm yêu tinh để diệt trừ nó vì nó ăn thịt dân vùng Khau Mang nhiều quá rồi”. Nghe Cẩu Khây nói vậy, Lấy Tai Tát Nước xin được theo hai bạn đi diệt yêu tinh. Các cậu đúng là sức vóc hơn người, nắng như đổ lửa, mưa như trút nước, các cậu vẫn không chậm trễ bước chân. Cứ thế, ba cậu hướng về ngọn núi Đèn cao chọc trời phía trước mà đi.
Thế rồi bọn họ lại gặp một cậu bé, có lẽ ít hơn họ một, hai tuổi; dáng dấp cậu ta trông cũng rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cậu ngồi dưới gốc cây si râm mát, ba người thấy rất lạ: Cậu ta dùng móng tay đục thân cây gỗ lớn, thành lòng máng dẫn nước vào ruộng. Cẩu Khây cùng các bạn đến làm quen, khi biết mục đích của ba người. Móng Tay Đục Máng bèn phủi tay đứng dậy: “Thế thì các cậu cho ta theo với, chắc chắn ta sẽ giúp được mọi người một tay, ta xin được làm em út vậy”.
Đến chân núi Đèn, là nơi yêu tinh trú ngụ thì trời đã tối từ lâu. Nơi đây bản làng vắng lặng, bốn cậu tìm quanh, đến một túp lều nhỏ ở cuối bản thì chỉ thấy một bà cụ, bà cụ buồn rầu nói: “Yêu tinh cho bà sống để chăn bò cho nó”. “Chúng cháu từ xa đến đây tìm diệt yêu tinh bà ạ, nhưng giờ chúng cháu đói rồi”. “Vậy ta sẽ nấu cơm cho các cháu ăn”. “Bà nấu nhiều vào… chúng cháu ăn khỏe lắm đấy”. Cẩu Khây nói với bà. “Được rồi, ta sẽ nấu vào cái chảo trâu vậy”. Bà cụ đổ gạo vào chiếc chảo to tướng ở trên bếp, khi cơm canh chín, các cậu ăn một loáng đã hết cả chảo cơm, ăn no, bốn cậu bé lăn ra ngủ. Gà chuyển canh tư, bỗng có tiếng đập cửa. “Chết rồi yêu tinh đã đánh hơi thấy thịt trẻ con”. Bà cụ lo lắng liền lay anh em Cẩu Khây dậy, giục chạy trốn cho nhanh. Cẩu Khây bình tĩnh nói:
- Bà đừng sợ, chúng cháu đến đây để tìm giết yêu tinh!
- Thật thế à? Nhưng các cháu còn nhỏ lắm, nó sẽ ăn thịt đấy! Cụ bà không khỏi lo lắng.
- Bà đừng lo cho chúng cháu! Nắm Tay Đóng Cọc động viên bà cụ.
Cẩu Khây hé cửa. Yêu tinh cao gần bằng nóc nhà sàn, nó thò đầu vào, lè lưỡi dài như thanh đao, trợn mắt xanh lè. Nắm Tay Đóng Cọc bật nhảy lên, đấm một cái làm nó gãy gần hết hàm răng. Yêu tinh bỏ chạy. Bốn anh em Cẩu Khây liền đuổi theo nó. Cẩu Khây nhổ phắt cây nghiến to bên cạnh đường, quật túi bụi vào nó. Yêu tinh đau quá hét lên, dông bão nổi ầm ầm, đất trời tối sầm lại. Bốn cậu đuổi yêu tinh đến một thung lũng, nó dừng lại phun nước xối xả. Chẳng mấy chốc nước dâng ngập cả cánh đồng. Nắm Tay Đóng Cọc nhanh tay đóng cọc be bờ ngăn nước lụt, Lấy Tai Tát Nước tát nước xoàn xoạt qua núi cao, Móng Tay Đục Máng ngả cây khoét máng, khơi dòng nước chảy đi. Chỉ một lúc, mặt đất lại cạn khô. Yêu tinh biết không thể thắng được mấy cậu nhóc tài ba, đành phải chắp tay quy hàng. Dân vùng Khau Mang và các bản làng lân cận dần đông vui trở lại.
“Chuyện này có thật không ké Sính Hỏi?”. Thằng La ngước cặp mắt to tròn lên hỏi. “Ờ… ờ, là chuyện ngày xưa… có thể là thật lắm chứ”. Ké Sính Hỏi gục gặc đầu cười. “Công nhận các cậu ấy giỏi nhỉ”. Thằng Chao tán thưởng. “Nếu các cháu học giỏi, sau này sẽ làm được nhiều thứ hơn thế ấy chứ”. Ké Sính Hỏi nhìn từng đứa mỉm cười.
- Chúng cháu sẽ cố gắng học giỏi ké ạ! Thằng La mân mê con quay trên tay nói.
Mặt trời đã ngồi trên ngọn Phja Sung, ké Sính Hỏi cũng vừa đan xong chiếc giậu thứ hai, ké cắt những mẩu lạt thừa, rồi buộc đôi giậu xinh xắn lại: “Về thôi các cháu, mặt trời sắp sang bên kia Phja Sung rồi”. “Mai ké lại kể chuyện cho các cháu nữa nhá, để cháu xách cho ké”. Cái Mạ nhanh nhảu xách giúp ké đôi giậu, nó nhoẻn cười. “Ừa, để xem ta nhớ được chuyện gì đã”. Bọn trẻ theo sau ké Sính Hỏi về bản Cốc Lùng, đứa nào cũng mong có sức vóc như bốn cậu trong chuyện Cẩu Khây nọ.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/duoi-tan-cay-may-lung-3171171.html