Người thổi sáo Tà Vẩu ở Kon Vơng Kia

Ở thôn Kon Vơng Kia (xã Măng Đen), anh A Đruông (38 tuổi) là người có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. Anh A Đruông không những am hiểu về nghệ thuật trình diễn sáo Tà Vẩu và cồng, chiêng của người Mơ Nâm-Xơ Đăng, anh còn tích cực tham gia truyền dạy kỹ năng biểu diễn các nhạc cụ dân tộc cho người dân trong thôn.

Buổi chiều mưa lạnh, bên bếp lửa trong nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Kon Vơng Kia, anh A Đruông và người thầy của mình là nghệ nhân A Vơng (71 tuổi) cùng uống rượu cần rồi thổi sáo Tà Vẩu, nhạc cụ đặc trưng của người Mơ Nâm.

Anh A Đruông sinh ra và lớn lên ở thôn Kon Vơng Kia. Còn nghệ nhân A Vơng là một trong số ít người lớn tuổi ở thôn Kon Vơng Kia am hiểu và biết biểu diễn hầu hết các nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm như sáo Tà Vẩu, trống, cồng, chiêng, khum (nhạc cụ gõ cầm tay được làm bằng ống nứa và dây mây).

Nghệ nhân A Vơng (trái) dạy anh A Đruông thổi sáo Tà Vẩu.

Vì say mê với âm nhạc của dân tộc nên anh A Đruông luôn chủ động tìm hiểu, học hỏi cách biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đặc biệt cách thổi sáo Tà Vẩu và đánh cồng, chiêng từ nghệ nhân A Vơng.

"Từ bao đời nay, các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là sáo Tà Vẩu luôn gắn bó mật thiết với đời sống, văn hóa tinh thần và các nghi lễ trang trọng của bà con người Mơ Nâm ở thôn Kon Vơng Kia. Sáo Tà Vẩu được làm từ cây nứa. Bà con người Mơ Nâm thường thổi sáo Tà Vẩu, hát các bài dân ca, đánh trống, cồng, chiêng và gõ khum vào những dịp quan trọng, ngày vui của gia đình hoặc trong các lễ hội, như mừng lúa mới, cúng chuồng trâu của cộng đồng thôn", anh Đruông chia sẻ.

Rồi anh giới thiệu cho chung tôi về kỹ thuật hổi được sáo Tà Vẩu. Người thổi sáo phải biết cảm âm và hiểu rõ giai điệu của bài hát dân ca cùng nhịp điệu của các loại nhạc cụ khác. Người thổi sáo Tà Vẩu cũng phải có sức khỏe và làn hơi tốt vì trong quá trình biểu diễn, để nhạc cụ phát âm thanh có tiết tấu nhanh, ngân vang và kéo dài, người thổi phải vừa điều khiển các đầu ngón tay khéo léo, vừa thổi ra và hút khí vào liên tục.

Anh A Đruông (phải) hiện nay là thành viên quan trọng của Đội cồng chiêng xoang thôn Kon Vơng Kia.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, từ năm 2023 đến nay, anh A Đruông được các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn Kon Vơng Kia tin tưởng, giao làm người thổi sáo Tà Vẩu cho Đội cồng chiêng xoang của thôn. Những lần cùng Đội cồng chiêng xoang thôn Kon Vơng Kia đi biểu diễn, anh A Đruông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Anh thổi sáo Tà Vẩu rất điêu luyện, ngân vang làm say đắm người nghe.

Hiện nay, ở thôn Kon Vơng Kia có 3 Đội cồng chiêng xoang, gồm 2 Đội cồng chiêng xoang người lớn và 1 Đội cồng chiêng xoang học sinh. Vào dịp nghỉ hè hằng năm, anh A Đruông cùng nghệ nhân A Vơng và các nghệ nhân khác trong thôn đều tổ chức các buổi tập luyện và truyền dạy cách đánh cồng, đánh chiêng, thổi sáo Tà Vẩu và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc cho các thành viên của các Đội cồng chiêng xoang của thôn.

“A Đruông tuy còn trẻ tuổi nhưng có đam mê với âm nhạc dân tộc. Nhờ có những thanh niên như A Đruông nên bản sắc văn hóa dân tộc, các nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm ở thôn Kon Vơng luôn được gìn giữ và phát huy theo thời gian”, nghệ nhân A Vơng tự hào nhắc về người học trò của mình.

Càng về chiều tối trời càng lạnh và mưa lớn, bên trong ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Kon Vơng Kia, 2 thầy trò A Đruông và nghệ nhân A Vơng tiếp tục vun củi cho ngọn lửa cháy đều để sưởi ấm gian nhà sàn, cùng nhau uống rượu cần và thổi sáo Tà Vẩu. Tiếng sáo Tà Vẩu của 2 thầy trò cùng hòa quyện, vang vọng giữa ngôi làng bình yên Kon Vơng Kia.

Bài, ảnh: ĐỨC THÀNH

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nguoi-thoi-sao-ta-vau-o-kon-vong-kia-54995.htm