Dương Bích Liên - một 'ánh chớp thầm lặng'

Họa sĩ Dương Bích Liên là một tượng đài của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Cuộc đời ông được họa sĩ Đặng Thị Khuê ví như 'ánh chớp thầm lặng'. Nghệ thuật của ông được họa sĩ Lê Thiết Cương ví như 'khoảng trống thầm lặng'. Còn tác phẩm của ông được họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cảm nhận như 'cơn bão thầm lặng'. Sự thầm lặng, nỗi cô đơn gắn với Dương Bích Liên như số phận, nó hằn lên rõ nét trong cả cuộc đời và tác phẩm nghệ thuật của ông.

“Ánh chớp thầm lặng” trên bầu trời nghệ thuật

Là một sắc màu đặc biệt trong bộ tứ “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” – bộ tứ huyền thoại của nền mỹ thuật Việt Nam, nhưng vì phong cách sống đôi khi giống như một ẩn sĩ nên có rất ít người biết về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Dương Bích Liên.

Buổi trò chuyện “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng".

Buổi trò chuyện “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng".

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên (17.7.1924 – 17.7.2024), tại buổi trò chuyện nghệ thuật với chủ đề “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng”, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết, Dương Bích Liên sinh ra tại Hà Nội nhưng quê ông ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Ông sinh ra trong một gia đình trí thức nho học nổi tiếng, trong một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Ông nội và bác ruột của ông là những sỹ phu yêu nước từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và bị Pháp đày ra Côn Đảo.

Người bác ruột khác của ông là giáo sư Dương Quảng Hàm - một nho sỹ yêu nước, một nhà sư phạm mẫu mực, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và là tác giả của nhiều công trình học thuật nổi tiếng.

Họa sĩ Dương Bích Liên. Ảnh: ST

Họa sĩ Dương Bích Liên. Ảnh: ST

Dương Bích Liên lựa chọn đi theo con đường nghệ thuật. Năm 16 tuổi, ông đã là sinh viên khóa cuối cùng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1940 - 1945). Sau đó, ông lên chiến khu tham gia trong những đoàn kịch, đoàn văn công, đoàn văn hóa kháng chiến, làm báo...

Cũng có mặt tại buổi trò chuyện, anh họ ông là Dương Tự Minh (con trai giáo sư Dương Quảng Hàm), chia sẻ Dương Bích Liên lớn lên rất bình thường, là một chàng thanh niên bình thường và ông không hề biết rằng người em họ của mình sau này lại trở thành một họa sĩ nổi tiếng với nhiều tác phẩm xuất sắc, để đời như vậy.

Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Dương Bích Liên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, ông là một nhà trí thức uyên bác, ông học và đọc rất nhiều nhưng ông chỉ yên lặng từ xa nhìn ngắm thế gian, nhìn ngắm con người thời kỳ đó. Đời sống nghệ thuật của ông như một mạch chảy đầy nghị lực, đầy cảm xúc, đầy tính quyết liệt và cũng đầy chính kiến.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nền mỹ thuật Việt Nam may mắn có được “bộ tứ trụ cuối cùng” (“Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”) kết thúc giai đoạn mỹ thuật vàng Đông Dương và đây là gạch nối hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỹ thuật đương đại Việt Nam sau này.

“Bài học lớn của ‘bộ tứ trụ’ này chính là phẩm cách nghệ sĩ của họ. Nhìn lại lịch sử để thấy rằng, có những giai đoạn các ông phải bảo trọng được tài năng nghệ thuật của mình như thế nào để có thể vượt qua được cái nhìn của thời đại. Có lúc, có nhiều điều làm tổn thương tâm hồn của các ông nhưng tâm hồn các ông vẫn đẹp đẽ cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Họa sĩ Dương Bích Liên và họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh chụp năm 1984. Ảnh tư liệu

Họa sĩ Dương Bích Liên và họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh chụp năm 1984. Ảnh tư liệu

Từ trái sang: Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Nguyễn Sáng. Ảnh: ST

Từ trái sang: Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Nguyễn Sáng. Ảnh: ST

Những khoảng trống đẹp đẽ

Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình của giao thoa văn hóa, điều này được biểu hiện trong cả tinh thần nghệ thuật và bút pháp của ông. Ở ông có sự gặp gỡ, giao thoa của nghệ thuật phương Tây và Việt Nam, tạo nên nguồn cảm hứng lãng mạn, trữ tình đặc sắc.

Nghệ thuật của Dương Bích Liên mang đến sự rung cảm đặc biệt của những khoảng trống đẹp đẽ, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhưng cũng khiến người xem bị ám ảnh.

Những sáng tác đã để lại dấu ấn sâu đậm của ông như: Chiều vàng, Ngày mùa, Hồ Chủ tịch qua suối, Hào, Đi học đêm, Hành quân đêm, Thiếu nữ áo trắng,… dù được thể hiện trên nhiều chất liệu và phong cách khác nhau nhưng đều mang vẻ đẹp ấn tượng, vừa lung linh vừa cổ kính, vừa gợi cảm vừa huyền ảo.

Về nghệ thuật độc đáo của ông, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương nhận định: “Dương Bích Liên là trường hợp cực kỳ đặc biệt của mỹ thuật, để tạo ra được những khoảng trống đó, cần phải có sự trăn trở và suy tư rất nhiều. Xem tranh của ông tôi cảm nhận giống như có ‘cơn bão thầm lặng’, có một nguồn năng lượng nào đó đang chuyển dịch”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về nghệ thuật của Dương Bích Liên.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về nghệ thuật của Dương Bích Liên.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng, cái căn cốt mà Dương Bích Liên đã đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam là những “khoảng trống thầm lặng”.

“Ông là người sống một mình, ông thích ngã vào mình chứ không muốn ồn ào. Cái hay nhất về mặt thẩm mỹ hội họa mà ông để lại là khoảng trống, tất cả các tác phẩm của ông nghiêng về hiện thực, không phải hiện thực thì không đẹp”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định.

Vẻ đẹp trong tranh của Dương Bích Liên là khoảng trống hiện thực nhưng khi đến bức Hào, khoảng trống đó mới nghiêng về ước lệ. Tác phẩm được ra đời năm 1972 vẽ về đề tài chiến tranh, là một bức tranh hiếm hoi của một họa sĩ vốn duy mỹ và ưa vẽ thiếu nữ và phong cảnh.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về tác phẩm Hào của Dương Bích Liên.

Hào có một số phận truân chuyên, mặc dù tính thẩm mỹ và giá trị tư tưởng của tác phẩm rất cao nhưng số đông công chúng thời điểm đó lại không nhận ra.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng, ngoài việc ghi nhận tài năng và cống hiến của Dương Bích Liên một cách xứng đáng thì các cơ quan văn hóa cần đón nhận bức Hào trở về và để nó phục vụ cho đông đảo công chúng, định vị lại một giá trị lớn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm Hào bằng phấn màu của Dương Bích Liên. Ảnh: ST

Tác phẩm Thiếu nữ áo trắng bằng sơn dầu. Ảnh: ST

Tác phẩm Chiều vàng bằng sơn mài. Ảnh: ST

Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/duong-bich-lien-mot-anh-chop-tham-lang-44417.html