Đường cao tốc chỉ có 2 làn xe: Làm nhỏ vì nhu cầu chưa cao?
Một số tuyến đường bộ cao tốc trên phạm vi cả nước đã đưa vào khai thác, sắp hoàn thành xây dựng hoặc đang thi công, có nhiều đoạn chỉ 1-2 làn xe chạy mỗi chiều, tốc độ khai thác tối đa 80km/h (thấp hơn nhiều so với tốc độ quy định tại đoạn trên Quốc lộ 1A hiện hữu). Điều này khiến nhiều người bày tỏ băn khoăn về bản chất đường cao tốc, tốc độ lưu thông của phương tiện chậm, thiếu an toàn vì không có làn khẩn cấp trên toàn tuyến...
Có thể kể ra một số đoạn đường bộ cao tốc chỉ có 1-2 làn xe chạy mỗi chiều như: Đoạn Yên Bái - Lào Cai (tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai) chỉ có 2 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp (không có dải phân cách cứng ở giữa), tốc độ khai thác trung bình chỉ 50km/h. Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn mỗi chiều đường có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp kéo dài toàn tuyến, chỉ thiết kế điểm dừng khẩn cấp, điểm vượt xe. Trong tương lai, khi các đoạn cao tốc Bắc - Nam khác đưa vào sử dụng, như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây... đường được thiết kế cơ bản giống các tuyến đang khai thác.
Đại diện Bộ GTVT cho hay, các tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng gần đây hoặc đang thi công, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, đều được thiết kế và thi công theo giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn đầu). Nghĩa là các tuyến này đều không có làn dừng khẩn cấp chạy dọc toàn tuyến, chỉ có những điểm dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, khác với đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận các đoạn đang thi công được điều chỉnh bổ sung điểm dừng khẩn cấp với mật độ dày hơn, rộng hơn và dài hơn, để phù hợp nhu cầu thực tế khai thác. Cụ thể, những đoạn sắp đưa vào sử dụng và tiếp tục làm thời gian tới, mật độ điểm dừng khẩn cấp được làm cách nhau 5km mỗi điểm thay vì cách 10km như trước; chiều rộng làn tăng từ 2,5m lên trên 3m, chiều dài đoạn dừng khẩn cấp tăng từ 30m lên 170m.
Theo TS. Phan Lê Bình, về làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, lý tưởng là có làn dừng khẩn cấp dài toàn tuyến. Tuy nhiên, thực tế không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng thiết kế cao tốc có 2 làn xe mỗi bên với các đoạn qua khu vực kinh tế -xã hội phát triển chưa cao, lưu lượng xe thấp. Với thiết kế này, có thể tổ chức 1 làn xe chạy, làn còn lại làm làn vượt, dừng khẩn cấp.
Lý giải về thiết kế và xây dựng đường cao tốc như trên, Đại diện Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn vốn khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Thực tế, tới năm 2020 mới bố trí được 395 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng. “Do nguồn lực ngân sách còn hạn chế, để đầu tư đạt mục tiêu về làm đường cao tốc, cũng như phù hợp với lưu lượng phương tiện, nhu cầu của người dân ở nhiều vùng chưa cao, các dự án làm đường cao tốc cơ bản được phân kỳ đầu tư. Sau này, khi nguồn lực tốt hơn, nhu cầu người dân tăng lên, sẽ tiến hành đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch”, đại diện Bộ GTVT nói.
Với giai đoạn phân kỳ làm các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đầu tư làm đường quy mô 2-4 làn xe theo dự báo nhu cầu của từng đoạn tuyến qua các địa phương khác nhau. Kết hợp với phương án khai thác, tổ chức giao thông điều hành giao thông thông minh để đảm bảo yêu cầu khai thác an toàn. Dù quy mô chỉ 2 hoặc 4 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến, nhưng các cao tốc đều có dải phân cách giữa, không giao nhau đồng mức với đường khác, có các vị trí dừng khẩn cấp, vị trí vượt xe... Làm như thế đủ đảm bảo để phương tiện lưu thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian đi lại. Đường cao tốc chỉ phục vụ ô tô; xe máy, xe thô sơ không được lưu thông.
“Bộ GTVT cam kết các dự án đường cao tốc đã, đang và sẽ triển khai đều tuân thủ đúng quy định hiện hành, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo hiệu quả, an toàn”, đại diện Bộ GTVT nói. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đầu tư và vận hành hệ thống tổ chức giao thông thông minh, trong đó có việc điều chỉnh tốc độ xe chạy cao tốc thay đổi theo lưu lượng phương tiện thực tế trên tuyến (tốc độ tăng khi xe ít và ngược lại).
Không lạ nhưng chưa hợp lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông - TS Phan Lê Bình cho rằng, với đường cao tốc, không nhất thiết quy định cứng xe được chạy tốc độ bao nhiêu, quan trọng là có tuyến đường riêng, không có giao cắt đồng mức; phương tiện chỉ ra/vào ở những điểm nhất định, cấm xe máy, xe thô sơ để đảm bảo an toàn.
Theo TS. Phan Lê Bình, về làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, lý tưởng là có làn dừng khẩn cấp dài toàn tuyến. Tuy nhiên, thực tế không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng thiết kế cao tốc có 2 làn xe mỗi bên với các đoạn qua khu vực kinh tế -xã hội phát triển chưa cao, lưu lượng xe thấp. Với thiết kế này, có thể tổ chức 1 làn xe chạy, làn còn lại làm làn vượt, dừng khẩn cấp.
“Thiết kế đường cao tốc có bao nhiêu làn, có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến hay không phụ thuộc vào vốn, nhu cầu lưu thông, nên thiết kế cao tốc 2 làn đường cũng có thể chấp nhận được”, ông Bình nói. Với những tuyến cao tốc đang khai thác, ông Bình cho rằng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua khu vực mà người dân có nhu cầu đi lại cao, thực tế phương tiện lưu thông lớn nhưng chỉ thiết kế 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp là không hợp lý.