Đường cao tốc ĐBSCL: Để hạn chế tình trạng 'xây hoài không xong'

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, để đại biểu Quốc hội hết chất vấn 'cao tốc miền Tây: xây đi, xây lại, xây hoài không xong', trong khi chờ giải ngân vốn ngân sách và tín dụng, chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nên tiếp tục cấp vốn đủ 3.400 tỉ đồng để thực hiện dự án.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác thăm công trình thi công dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Ảnh: Trung Chánh

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác thăm công trình thi công dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với UBND tỉnh Tiền Giang liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận diễn ra ở địa phương này vào ngày 27-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chủ yếu gặp khó khăn về nguồn vốn.

Ông một lần nữa khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ bố trí 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách để hỗ trợ cho dự án. “Văn bản đã được gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15-8-2019 và các cơ quan của Quốc hội cũng đã có thẩm định sơ bộ”, ông Huệ cho biết và nói thêm khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội “quyết”, Chính phủ sẽ có văn bản giao vốn cho tỉnh Tiền Giang ngay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn không phải lo lắng chuyện vốn ngân sách bố trí cho dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. “Chính phủ đã cam kết chuyện này (hỗ trợ vốn), thì các đồng chí không phải lo”, ông nói.

Về phần vốn chủ sở hữu, Phó Thủ tướng cho biết, nhà đầu tư cam kết có thể "rót" vào dự án 3.400 tỉ đồng, tức đạt khoảng 27% tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. “Tuy chưa đạt mức ngân hàng tài trợ vốn mong muốn là 30%, nhưng nhà đầu tư có mức đóng góp như thế cũng là khá rồi”, ông nói và cho rằng phần vốn tín dụng tài trợ cho dự án là 7.082 tỉ đồng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngay trong tháng 9-2019, phần vốn cam kết của nhà đầu tư là 3.400 tỉ đồng, thì trong lúc chưa có tiền hỗ trợ từ ngân sách và vốn tín dụng, chủ đầu tư nên ứng đủ 3.400 tỉ đồng để đẩy nhanh việc triển khai dự án.

Trong tháng 9, bên cạnh nguồn vốn ngân sách sẽ được phân bổ ngay sau khi được duyệt, nhóm ngân hàng tài trợ vốn vay, đứng đầu là VietinBank (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam), và chủ đầu tư nên đàm phán để ký kết hợp đồng tín dụng.

Như vậy, khi có quyết định tài trợ vốn của nhà nước, thì nguồn vốn tín dụng cũng được ký kết, tạo điều kiện triển khai ngay dự án, ông Huệ cho biết và hy vọng khi đó đại biểu Quốc hội sẽ hết chất vấn điệp khúc: “Cao tốc miền Tây: xây di, xây lại, xây hoài không xong”.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (áo xanh) nghe đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận thuyết minh về dự án. Ảnh: Trung Chánh

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (áo xanh) nghe đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận thuyết minh về dự án. Ảnh: Trung Chánh

Cũng tại buổi làm việc, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết, hiện nay ngân hàng đang thẩm định phương án tín dụng của dự án, đã thống nhất các điều kiện hồ sơ do doanh nghiệp dự án cung cấp là cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, nhóm ngân hàng tại trợ vốn sau khi hợp vốn xác định vẫn chưa đủ nguồn cho dự án vay. Bởi, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho dự án, cho nên, mức tài trợ vốn dự kiến cho dự án tối thiểu 5.800 tỉ đồng.

Chính lý do trên, theo ông Hoàng, phía ngân hàng yêu cầu vốn tự có của nhà đầu tư phải đạt 3.800 tỉ đồng, tăng hơn so với mức được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt đến 1.013 tỉ đồng (UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt là 2.787 tỉ đồng).

Ông Hoàng cho biết, nhà đầu tư cân nhắc có thể chấp nhận giá trị vốn chủ sở hữu đến mức 3.400 tỉ đồng như đã nêu ở trên (tức đã cao hơn mức được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt là 2.787 tỉ đồng). “Nhưng ngân hàng chưa thống nhất”, ông nói.

Từ vấn đề nêu trên, ông Hoàng đề nghị ngân hàng đầu mối VietinBank xác định việc đảm bảo đủ vốn cho dự án khi thẩm định cho vay; có giải pháp bổ sung thêm ngân hàng đồng tài trợ vốn; thời gian hoàn thành việc thẩm định cho vay; các điều kiện giải ngân bắt buộc khi ký hợp đồng tín dụng để nhà đầu tư và tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm rõ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293286/duong-cao-toc-dbscl-de-han-che-tinh-trang-xay-hoai-khong-xong.html