Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa: Đẩy mạnh quản lý thuế tài nguyên

Thời gian qua, Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế tài nguyên, chống thất thu thuế đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý (2 huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh). Nhờ đó, số thu từ thuế tài nguyên trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Số thu 6 tháng tăng

Hiện nay, Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa quản lý 17 tổ chức, cá nhân có hoạt động và kê khai nộp thuế tài nguyên (15 tổ chức và 2 cá nhân). Thuế tài nguyên phát sinh của các doanh nghiệp (DN) chủ yếu từ khai thác đất, đá, cát, sỏi phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp; đối với cá nhân từ sử dụng tài nguyên nước để sản xuất nước đá. 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thu thuế tài nguyên trên địa bàn được hơn 3,5 tỷ đồng, đạt 39% dự toán pháp lệnh năm, tăng hơn 1,4 tỷ đồng (tương đương tăng 67%) so với cùng kỳ năm 2023. Từ số liệu cho thấy, số thu 6 tháng đầu năm tuy không đạt dự toán giao nhưng tăng so với cùng kỳ, do các đơn vị thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đẩy nhanh tiến độ thi công nên thực hiện nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong khai thác đất, cát san lấp để thực hiện công trình… Mặt khác, hiện nay, thị trường cung cấp vật liệu xây dựng ngày càng có nhiều khởi sắc nên tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đã dần ổn định và khôi phục.

Hoạt động khai thác một mỏ khoáng sản ở huyện Diên Khánh

Hoạt động khai thác một mỏ khoáng sản ở huyện Diên Khánh

Theo ông Nguyễn Địch Huy - Giám đốc DN tư nhân Thanh Danh (xã Diên Sơn, Diên Khánh), đại dịch Covid-19 khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN, như: Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%; giảm 30% tiền thuê đất các năm 2022, 2023; gia hạn thời gian nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN... đã góp phần giúp cho DN vượt qua khó khăn. Từ đó, DN đã thực hiện các phương án sản xuất, kiểm soát chi phí tạo ra lợi nhuận, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Năm 2023, DN đã nộp hơn 1,3 tỷ đồng thuế tài nguyên; 6 tháng đầu năm 2024 đã nộp 871 triệu đồng thuế tài nguyên. Ngoài ra, ngành Thuế đã có nhiều cải tiến về thủ tục khai và nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế... tạo nhiều thuận lợi cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm các chi phí phát sinh do không phải lưu trữ nhiều loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ… Thời gian tới, DN mong muốn cơ quan thuế tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách về thuế, giúp DN nắm rõ, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo ông Nguyễn Thinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý thuế tài nguyên trên địa bàn quản lý vẫn còn gặp một số khó khăn, bất cập gây thất thu về thuế tài nguyên ở khâu thương mại. Cụ thể, qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh đất, đá, cát, sỏi... phát sinh trường hợp đơn vị khai thác khi nổ mìn để khai thác đá làm vật liệu xây dựng đã bán lại đá thô hoặc đá hỗn hợp cho đơn vị khác. Căn cứ bảng giá tính thuế tài nguyên của UBND tỉnh ban hành, đơn vị khai thác chỉ thực hiện kê khai, nộp thuế tài nguyên trên sản lượng đá thô hoặc đá hỗn hợp khai thác bán ra theo quy định nên kê khai nộp thuế thấp. Thực tế, nếu đơn vị sau khi khai thác thực hiện việc xay đá và phân loại đá để bán cho các đơn vị khác, việc kê khai, nộp thuế tài nguyên được tính theo từng loại đá có giá tính thuế khác nhau, trường hợp này sẽ kê khai nộp thuế tài nguyên cao hơn nhiều so với trường hợp nêu trên. Trong khi đó, đơn vị mua đá thô hoặc đá hỗn hợp tiến hành xay đá và phân loại thành nhiều loại đá khác nhau để bán cho các đơn vị khác thì không phải kê khai nộp thuế tài nguyên theo giá tính thuế của từng loại đá theo sản lượng đã bán.

Nhằm quản lý hiệu quả hơn nữa thuế tài nguyên trên địa bàn, thời gian tới, Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện trên địa bàn quản lý; kịp thời chỉ đạo các đội kiểm tra thuế và các bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật về thuế, hóa đơn của các DN phát sinh nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, đôn đốc kịp thời các khoản thuế phát sinh; phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; tham mưu UBND huyện xem xét xử lý các trường hợp khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, các DN mua bán tài nguyên, khoáng sản không rõ nguồn gốc theo quy định…

Ông Nguyễn Tấn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường; kiên quyết xử lý các bến bãi tập kết khai thác cát trái phép, có biện pháp xử lý đối với tang vật tại các bến bãi tập kết. Đồng thời, xác định trách nhiệm người đứng đầu đối với chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; đưa nội dung kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vào chỉ tiêu thi đua; tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân trong việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. UBND huyện đã chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các điểm bán vật liệu xây dựng, các bãi tập kết cát, sỏi, truy xuất nguồn gốc khoáng sản, lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, UBND huyện đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực thi pháp luật về thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế đối với các hoạt động khai thác khoáng sản.

C.VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202407/chi-cuc-thue-khu-vuc-tay-khanh-hoaday-manh-quan-ly-thue-tai-nguyen-5ec6373/