Đường chiều chênh vênh
Nếu quan nhân làm đúng pháp luật, quan nhân không làm sai, thì hẳn nhiên quan nhân đã được ngồi trong đền do nhân dân lập để bái vọng.
Mấy lâu Ngô vẫn nghĩ, may mắn sinh ra được toàn vẹn hình hài nghĩa là đã bắt đầu bước đi trên con đường một chiều mê mải. Cứ bước hoài bước hoài, dẫu có hanh thông, dẫu có mỏi mệt dẫu có muốn bước tiếp hoặc không. Hệt như đôi giày màu đỏ trong truyện cổ tích nước ngoài năm xưa Ngô từng đọc, một đôi giày đã trót mang vào là không thể ngừng nhảy múa.
Mỗi người một số phận, mỗi người một mặc định tương lai, người Việt nghĩ vậy, người Á Đông cũng nghĩ vậy. Mà có lẽ bất cứ dân tộc nào có thuộc tính âm với văn minh trồng trọt lúc nào cũng nghĩ vậy cả. Nên người xem được tử vi đẩu số dịch quẻ luôn thong thả nhận lãnh một vị trí đặc biệt khả kính trong tư duy của đám đông, ấy là chưa kể đến có rất nhiều thiết tha quan chức cũng sẵn sàng chắp tay kính ngưỡng.
Nhưng rồi suy cho cùng thì bất cứ ai cũng mong con đường của mình êm ả, nhất là khi con đường ngày càng ngắn dần, con đường đã mơm mớm dấu hiệu tự nguyện về chiều.
1. Báo giới mấy nay lại ồn ào nhiều chuyện xung quanh hai vị quan nhân nguyên là Thượng thư của triều ca, đều là những gương mặt vẫn thường xuất hiện trước mặt thứ dân để nói về trách nhiệm lớn lao với quốc gia, khả năng tu thân tề gia của cá nhân và cuối cùng là bảo ban bọn theo nghề múa chữ mưu sinh. Hận thay, những lần xuất hiện gần đây của hai nguyên Thượng thơ toàn là vì các điều càn quấy mà hai ngài đã từng làm.
Thú thật là từ hồi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thúc vang tiếng trống lệnh chống tham nhũng, chấn chỉnh Đảng, loại bỏ những quan nhân “lấy đầu lưỡi thay cho hành động” (chữ dùng của nhà báo Nhị Lê - N.N.H) hoặc những quan nhân nói không xứng với làm (Tiền nhân có đúc kết, “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” chính là để miêu tả những vị quan nhân như thế này chăng?), Ngô đã chứng kiến rất nhiều chiếc mặt nạ rơi xuống.
Sẵn tiện viết đến đây rồi cho phép Ngô được nói đến ý mà bấy lâu nay Ngô vẫn thường hay nghĩ, Ngô ghét cay ghét đắng cái quan điểm, “Quan nhân nào bây giờ không hư, không đụng đến thì thôi chứ đụng đến ông nào cũng thành củi. Sức đâu mà đốt lò hoài, thời gian đâu mà đốt lò hoài, đốt hết ông này sẽ mọc lên ông khác thôi”. Ngô tuyệt đối không tin chuyện này, lại tuyệt đối không chấp nhận được cái quan điểm này.
Bao nhiêu lâu nay sở dĩ quan trường tồn tại nhiều vấn đề là vì đã vốn thừa khẩu hiệu lẫn quyết tâm nhưng lại vô cùng thiếu những giải pháp và hành động cụ thể. Nay thì khác, vừa nói vừa làm, vừa hạ quyết tâm vừa thực hiện rất mạnh mẽ. Những vị trí tưởng không ai sờ đến được ngày trước cũng đã cung cúc làm việc với Cơ quan Điều tra, chân thành ra tòa và sau khi khóc xin đủ đằng không được phải thực hiện câu nói của dân chơi, “thua thì chung”.
Dĩ nhiên, thua thì chung. Ai thua mà không chung, có muốn xù cũng không xù được, có muốn quỵt cũng không quỵt được. Hành động cũng như lời nói, thà không xảy ra chứ đã xảy ra thì không thể nào thu lại với hy vọng khôi phục như nguyên trạng ban đầu được.
Thế nhưng, điều phải bàn ở đây chính là, “quan nhân thì thua ai mà chung, quan nhân làm việc trước vì dân sau vì quốc gia, cuối cùng là vì sự tín nhiệm của tổ chức đề bạt, chứ quan nhân đâu phải chơi sóc đĩa, cá cược đá bóng hay bầu cua tôm cá để “thua thì chung”. Quan nhân nay cũng đâu có cưỡi ngựa để có thể tặc lưỡi, “Người ngã ngựa”.
Nếu quan nhân làm đúng pháp luật, quan nhân không làm sai, thì hẳn nhiên quan nhân đã được ngồi trong đền do nhân dân lập để bái vọng. Mà giả không ngày Rằm có người lạy thì ngày mồng Một có người thắp hương, thì cũng sừng sững trong lòng dân một nhân cách, một kính trọng.
Còn nếu quan nhân không thích được như vậy, rõ ràng cần có những hành động nhen lò kiếm củi từ Trung ương.
Cứ chiếu theo luật mà làm thôi, ai sai thì cứ theo quy định của luật mà xử lý. Đã làm quan nhân tức là hơn thứ dân vạn lần từ nhận thức cho đến điều kiện, ấy vậy mà vẫn còn cố làm sai để trục lợi thì lẽ ra tội phải nặng hơn thứ dân mấy lần mới đáng.
Đã sai còn không biết sửa biết hối lại còn vin vào mấy cái quan điểm thuyết âm mưu vớ vẩn để biện hộ thì thật hết sức ba lăng nhăng. Cơ chế nào lại giúp con người sai, là con người lợi dụng sự chưa hoàn thiện cơ chế để bốc vung tay. Đến khi bị phát hiện lại mếu máo cơ chế này tạo ra con người ấy, ăn vụng thì thích một mình hoặc cùng cánh hẩu còn đến lúc luận tội thì cứ nép vào góc nhà đổ thừa cho chuyện tại có nhà bếp nên chúng tớ mới mắc lỗi ăn vụng.
Hai nguyên Thượng thơ sắp sửa hầu tòa, tội trạng sao thì kết luận điều tra đã nêu rõ. Kẻ giấu tiền chỗ nào, người vì sao biết sai vẫn thực hiện đều đã được báo giới cung cấp, Ngô không trích dẫn lại nữa. Duy có điều nghĩ mãi không ra, tại sao họ lại chọn một kết cục như thế khi tuổi trời đã sấp ngửa sang chiều, mà tuổi quan thì người đã hết người đương thênh thang.
2. Hồi giữa tháng 10, khi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc với cử tri thành phố, cử tri có nêu thắc mắc về tư cách Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố của một cá nhân. Cá nhân này có tên họ đầy đủ là Tất Thành Cang, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của TP HCM, trong đó vị trí cao nhất là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.
Ông Tất Thành Cang hẳn nhiên nổi bật trong thời gian gần đây, nhiều vụ ầm ĩ liên quan đến củi lò của TP HCM hoặc thấp thoáng thấy bóng dáng ông ấy hoặc nổi rõ bần bật. Dĩ nhiên là vì không xóa dấu tích kịp thời hoặc án tại hồ sơ, nên ông Tất Thành Cang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên chỉ mặt. Ban Bí thư cũng đã cắt toàn bộ chức vụ của ông ấy, bao nhiêu phẩm hàm ông Tất Thành Cang từng đeo sót lại vẻn vẹn hai vị trí.
Một là, Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP. HCM. Hai là, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. HCM.
Cái vị trí đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM của ông Tất Thành Cang hơi khó thuận mắt nhân dân thành phố, bởi mặc dù bị xác định lạm quyền khiến Nhà nước thiệt hại còn tư nhân bỗng dưng có lợi trong việc giao đất đổi hạ tầng, nhưng những hội họp liên quan đến vấn đề giải quyết quyền lợi cho nhân dân Thủ Thiêm ông Tất Thành Cang vẫn hăng hái nhiệt thành đưa tay biểu quyết.
Đá bóng cũng là ông ấy, phản lưới nhà cũng là ông ấy, ghi bàn cho đối phương dẫn điểm cũng là ông ấy, thổi còi cũng là ông ấy luôn. Còn vị trí Phó ban chỉ đạo công trình lịch sử TP HCM thì thật khó cho Ngô tôi lý giải, khi mà biết bao sử gia đáng kính, biết bao nhà văn hóa thực hiện các công trình lịch sử cho TP. HCM vẫn phải dưới quyền ông Tất Thành Cang.
Công tác xử lý cán bộ nhúng chàm của các địa phương (nổi bật là TP. HCM), thật sự đang có vấn đề nghiêm trọng. Giả như trước đây, lãnh đạo đầu tỉnh bị Trung ương nêu ra các sai phạm, đề nghị kỷ luật tương xứng. Địa phương còn có thể vin vào cớ, đây là cán bộ thuộc diện quản lý của Trung ương nên địa phương không thể hay không biết làm gì. Thế nhưng, ngay khi cán bộ thuộc diện quản lý của Trung ương đã bị Trung ương xử lý, địa phương vẫn tìm cách để cán bộ ấy “nằm vùng” trong hệ thống chính quyền của địa phương.
Địa phương hành xử như địa phương không hề có trách nhiệm trong việc cán bộ hư hỏng, địa phương lại càng minh chứng cho chuyện họ không hề chung lòng với Trung ương, địa phương cứ làm như cán bộ sai là do Trung ương thấy họ sai còn địa phương lại thấy họ đúng nên kiên quyết giữ nguyên cán bộ ấy. Bất chấp cảm xúc của nhân dân.
Ông Tất Thành Cang, không phải là một ngoại lệ.
Trong buổi tiếp xúc cử tri mà Ngô tôi nhắc ở phần trên, cử tri TP. HCM đã hỏi thẳng thắn, “Liên quan đến sai phạm của ông Tất Thành Cang, Trung ương đã xử lý rồi mà sao thành phố cứ mãi chần chừ? Sao các đồng chí cứ sợ dư luận cho rằng soi mói nhiệm kỳ trước?”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đương nhiệm là ông Trần Lưu Quang trả lời cử tri, “Với tinh thần sai phạm đến đâu xử lý đến đó, và đã xử lý thì phải làm chắc, không để bỏ lọt sai phạm. Về nguyên tắc, ông Tất Thành Cang vẫn là đại biểu HĐND TP HCM, nhưng bà con cho rằng đã vi phạm nên không đủ tư cách làm đại biểu. Do đó, chúng tôi sẽ ghi nhận và đề nghị HĐND TP HCM xem xét việc này theo đúng quy định pháp luật”.
Ông Trần Lưu Quang từng là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cách TP HCM áng chừng 100km. Ông Tất Thành Cang bị Ban Bí thư cắt chức vụ, ông Trần Lưu Quang được Bộ Chính trị chỉ định đảm nhiệm chức vụ này của ông Tất Thành Cang.
Ông Cang là người của thành phố đi lên từ công tác Đoàn, ông là hạt giống của thành phố, hiểu tường tận từng ngóc ngách của thành phố. Tiếc rằng, thay vì càng hiểu lại càng yêu mến và cống hiến cho vùng đất mình sinh sống gắn bó, thì ông Tất Thành Cang lại biến sự hiểu biết và am tường này để thực hiện những hành vi không xứng đáng với vị trí mà ông ấy được tổ chức tin tưởng giao phó.
Bây giờ đường chiều, ông ấy lại trở thành đề tài đàm tiếu cho dư luận, lại trở thành vấn đề cần phải giải quyết cho chính người thay thế vị trí của ông ấy.
Ngẫm cũng đau mà cũng đáng.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/duong-chieu-chenh-venh-568680/