Đường dây 'tín dụng đen' chuyên bắt người vay viết giấy bán đất
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phạm Thị Huyền (SN 1986) và vợ chồng KKrang (SN 1965), HDô (SN 1970, cùng ngụ huyện Đắk Glong) để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo điều tra ban đầu, năm 2020, Phạm Thị Huyền bắt đầu hoạt động cho vay tiền thu lãi suất cao từ 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày đến 6.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương lãi suất từ 144%/năm đến 216%/năm). Huyền cho vay dưới 2 hình thức là ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho những người đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết và khó khăn về nguồn vốn nhưng lại có nhiều đất canh tác. Nạn nhân vay với lãi suất cao thường không có khả năng thanh toán, phải bán đất cho Huyền để “cấn trừ nợ”.
Đến khoảng tháng 6/2020 Huyền móc nối với vợ chồng KKrang và HDô (là hàng xóm với Huyền) để tìm người vay, với thỏa thuận khi có khách vay tiền thì vợ chồng KKrang sẽ trực tiếp giao dịch thỏa thuận, sau đó báo cho Huyền biết lượng tiền cho vay để Huyền chuyển tiền cho vợ chồng KKrang đưa cho người vay với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Khi khách trả nợ Huyền sẽ trích lại một phần tiền lãi cho vợ chồng KKrang.
Với khách đến vay tiền trực tiếp, Huyền thường viết giấy vay mượn tiền hoặc yêu cầu người vay viết giấy bán đất cho Huyền, thế chấp “sổ đỏ”, lãi suất từ 3.000 đồng đến 6.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Khi đến hạn nhưng không trả được, người vay phải làm thủ tục sang nhượng đất cho Huyền. Với những phương thức thủ đoạn đó, từ đầu 2020 đến tháng 2/2022, các đối tượng đã cho người dân vay trên 300 lượt với số tiền cho vay hơn 30 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng trên 3 tỷ đồng.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Văn Tuấn (SN 1975, ngụ phường Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa) để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo điều tra ban đầu, sau khi mở tiệm cầm đồ tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Phú, Tuấn cho người dân vay tiền để đáo hạn ngân hàng hoặc tiêu dùng dưới 2 hình thức ngắn hạn và dài hạn với lãi suất từ 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương ứng với mức lãi suất từ 72%/1 năm đến 180%/1năm).
Với hình thức vay ngắn hạn thì Tuấn thu lãi và gốc cùng lúc, còn hình thức cho vay dài hạn, Tuấn thu lãi theo tuần hoặc tháng. Với người lạ, Tuấn yêu cầu những người vay phải đặt lại giấy tờ (sổ đỏ, hồ sơ giấy phép lái xe, các văn bằng chứng chỉ…) để đảm bảo cho việc vay nợ. Bước đầu xác định, Tuấn đã cho 528 lượt người vay với tổng số tiền là trên 52 tỷ đồng.
Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, thời gian qua, Ban Giám đốc Công an Đắk Nông đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, xác lập chuyên án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm cho vay lãi nặng. Trong năm 2021, lực lượng công an địa phương này đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 6 vụ, 9 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có 1 vụ cố ý gây thương tích và 5 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường “núp bóng” dưới vỏ bọc cơ sở cầm đồ; cơ sở kinh doanh; Cty tài chính; cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay hoặc một số đối tượng cho vay là những đối tượng có tiền án, tiền sự; cho vay với lãi suất rất cao từ 100% đến 300%/1 năm, thậm chí đến 700%/1 năm.
Để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản... với lãi suất thấp đúng bằng với quy định của Nhà nước, hoặc không thể hiện lãi suất nhưng trên thực tế, người vay phải trả lãi suất rất cao.
Tại khu vực Tây Nguyên, cuối năm 2021, Công an tỉnh Đắk Lắk từng triệt phá một nhóm hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất có lúc lên tới gần 1.000%/năm.
Nhóm hoạt động “tín dụng đen” này gồm 3 đối tượng Hồ Anh Dũng, Phạm Sơn Tiến và Nguyễn Công Vũ. Dũng và Tiến từ tỉnh Bắc Giang vào câu kết với Vũ ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Cả 3 thuê nhà trọ ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột để hoạt động cho vay nặng lãi.
Sau khi in những tờ rơi quảng cáo có ghi số điện thoại, nhóm này đi rải trên nhiều tuyến đường ở TP Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pắk và Ea Kar. Khi có người điện thoại để vay tiền, các đối tượng đến xem nhà, đất, tài sản của người cần vay. Thấy được, các đối tượng mới cho vay với lãi suất từ 110% đến 970%/năm.
Để có nhiều người vay, các đối tượng dò la xem người dân nào bị nhóm “tín dụng đen” khác đến thu tiền mà họ không có trả thì sẽ tiếp cận, gạ cho vay tiền. Nếu ai đồng ý vay thì ngoài lãi suất cao, còn bị đặt ra một số loại phí rồi thu trừ vào số tiền cho vay.
Nhóm này đã tạo một tài khoản tại trang web “admin Mecash” để nhập dữ liệu người vay tiền và quản lý người vay. Nếu người vay không trả tiền, thì sẽ bị đe dọa, hoặc dùng vũ lực để đòi tiền, thậm chí là đưa hình ảnh của người vay lên mạng xã hội nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự để ép họ phải trả tiền.
Bước đầu Công an tỉnh Đắk Lắk làm rõ số tiền nhóm này đã cho vay nặng lãi khoảng trên 5 tỷ đồng.