Đường đến lớp gay cấn như phim hành động của cô giáo vùng cao!
Nhiều lần cô Diễm ngồi trên đò để lên dạy ở điểm trường Nước Bao trong mùa lũ mà khóc tu tu như 1 đứa trẻ vì đò đi đến đoạn dòng nước xiết.
Cô Vũ Thị Hồng Diễm là giáo viên dạy âm nhạc, trường Tiểu học Sơn Bao (nay là trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Bao) thuộc xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Cô là giáo viên được vinh dự tham gia chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.
Trường nơi cô Diễm dạy học nằm ở một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Hà, lại có nhiều điểm trường. Có đến nơi đây mới thấy được sự thiếu thốn vất vả, đường sá đi lại khó khăn, ngăn sông cách chợ và đặc biệt là ở một số điểm trường lẻ phải qua sông suối bằng bè, đò, có những điểm trường nằm trơ trọi một mình trên quả đồi cao.
Đặc thù bộ môn Âm nhạc, mỗi lớp học 1 tiết/ tuần nên cô được phân công đi các điểm lẻ để dạy học.
Nhận nhiệm vụ, cô Diễm đã không ngại khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng có lúc có cảm thấy nản chí vì đường sá đi lại quá khó khăn đặc biệt là vào mùa mưa và đối với cô gái chân yếu tay mềm như cô.
Tâm sự, cô Hồng Diễm kể, đã bao lần cô bị ngã xe trầy xước hết cả chân tay vì đi trên dốc núi trơn trượt ở điểm trường Mang Nà.
Đã bao lần phải đi lên xã Sơn Thượng rồi vòng xuống để đến điểm trường Nước Rinh vì trễ đò.
Hay những lúc cô Diễm ngồi trên đò để lên dạy ở điểm trường Nước Bao trong mùa lũ mà khóc tu tu như 1 đứa trẻ con vì đò đi đến đoạn dòng nước xiết của sông Tang và sông Rin hợp lại...
Điều kiện khắc nghiệt là vậy, vì tình yêu những trẻ, cái nghiệp làm cô giáo nên cô Diễm đã động viên mình cố gắng hơn nữa để truyền đạt thật nhiều kiến thức cho các em, giúp học trò có một cuộc sống tươi đẹp hơn, thoát khỏi sự nghèo khó nơi đây.
Một trong những kỷ niệm mà cô Hồng Diễm nhớ nhất trong hành trình đi dạy học của mình đã là lần chèo đò trong dòng nước xiết.
Cô Diễm kể lại: “Chắc chắn suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên được, đó là khi được phân công dạy Âm nhạc ở điểm trường Nước Rinh, điểm trường này đi lại rất khó khăn và phụ thuộc vào bác lái đò.
Vì bác còn phải đi nương rẫy đôi lúc không mang theo điện thoại, đoạn đường này cũng ít người qua lại.
Hôm đó tôi cùng cô Huệ - cô giáo dạy Mỹ thuật có tiết dạy nhưng về bị trễ đò, chúng tôi chờ hơn 2 tiếng đồng hồ, vừa mệt vừa đói.
Không liên lạc được với bác chèo đó, hai chúng tôi quyết định tự kéo bè qua sông,.
Tuy nhiên, khi ra đến giữa dòng nước chảy xiết cộng thêm cái đói khiến chúng tôi không còn sức lực nữa.
Hai chị em nhìn nhau và khóc, trong giây phút đó tôi nói: “Hay là mình buông tay đi, để bè tự trôi rồi gọi điện nhờ các thầy cùng người dân bơi ra lôi bè vào bờ giúp ”.
Lúc đó, cô Huệ cũng sợ và hoang mang lắm nhưng cô vẫn động viên tôi cố gắng kéo thêm tí nữa, thế là chúng tôi gạt nước mắt lại tiếp tục kéo bè vào bờ”.
Học trò của tôi đã hết nhút nhát, sợ xa nhà, xa cha mẹ
Ngoài công tác chuyên môn, cô Diễm còn được Chi đoàn tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi Đoàn, nhiều năm tham gia vào các hoạt động, phong trào của Đoàn trường, Đoàn xã và Huyện Đoàn phát động.
Cô Diễm thường xuyên tham gia công tác thiện nguyện với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Với tư tưởng sống là sẻ chia với cộng đồng, nên dù với đồng lương giáo viên ít ỏi cô Diễm vẫn góp 1 phần nhỏ của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, tham gia giúp đỡ gia đình người có công với cách mạng tại địa phương.
Cô Tâm sự, cô đã có gia đình, chồng và con gái nhỏ đều ở đồng bằng. Cô là cô giáo vùng cao, đều đặn 4h sáng thứ Hai hàng tuần cô lại chuẩn bị hành trang đến trường.
“Mỗi lần vào nhìn con gái nhỏ đang ngủ say lòng tôi lại buồn vô hạn, nước mắt lại trào ra.
Nhiều lúc thấy tôi vất vả gia đình lại khuyên tôi xin thuyên chuyển công tác nhưng có lẽ tình yêu tôi dành cho các em học sinh và mảnh đất Sơn Bao quá lớn nên tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nơi này” – cô Diễm chia sẻ.
Hơn năm năm ở với núi rừng, cô đã hiểu đất, người ở đây như hiểu lòng mình. Cũng bởi hiểu nên thương rồi không nỡ rời xa. Hơn năm năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng với cô Diễm đấy là cả một thời thanh xuân gác sang bên những yêu thương, khát khao của tuổi trẻ.
Ngần ấy năm rồi nhưng những đêm mưa, nỗi buồn, sự cồn cào vẫn mới nguyên như ngày đầu.
Niềm vui của cô Diễm là được nhìn những nụ cười hồn nhiên đến ngây ngô, tình cảm chân thành của đám học trò nghèo mỗi buổi trên lớp.
Điều này đã trở thành nguồn động viên lớn, giúp cô đủ nghị lực không bỏ núi về đồng bằng. Có lẽ đấy cũng là cái được của một giáo viên miền núi như cô chăng?