Đường đến trường

Trong đời mỗi con người, ai cũng có một thời học sinh đáng nhớ, ai cũng đi qua con đường đến trường, đến lớp. Con đường ấy có thể dài hay ngắn, đường đất hay đường nhựa, đường vòng hay đường thẳng, từ ngõ nhà đến cánh cổng trường. Con đường ấy không lặp lại bao giờ, mỗi ngày là một ngày mới rồi chuyển mùa, giao mùa, với bao ấm lạnh, với bao sắc màu thay đổi của thiên nhiên, của mưa của nắng, của sáng của tối, của tháng của ngày.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuổi học trò đi trong hương đồng, hương lúa, cặp sách cũng căng phồng gió đồng, gió ruộng, gió sông. Ôi mái trường làng, mái trường xưa, cửa sổ mở ra cánh đồng bát ngát, phóng tầm mắt ra xa vượt lên lũy tre làng. Sân trường và bóng bàng, bóng phượng với hoa mười giờ nở đúng như nhịp đồng hồ, với tiếng trống trường rộn rã. Đường đến trường ghi nhận những bước chân sáo đầu tiên líu lo, ríu rít bạn bè bên nhau, cùng chia nhau từng củ khoai nướng, bắp ngô luộc xuýt xoa cái lạnh giá, cười bốc khói. Rồi cả những hộp diêm giấu chú dế nhỏ tỉ tê, hay chuyền nhau những bó đũa đánh chuyền, đánh chắt, hay những con gụ, con quay tít mù, xoay như chong chóng của tuổi thơ. Đường đến trường ghi dấu ấn tuổi học trò lớn lên đường nối dài hơn, từ đi bộ đến đèo nhau bằng xe đạp, bánh xe quay rộn ràng, tíu tít, rồi những dòng lưu bút mực tím bịn rịn chia tay lưu luyến, bồi hồi.

Tôi nhớ những năm chiến tranh, đường đến trường đi dưới những lối giao thông hào chạy ngoằn ngoèo qua bao ngõ xóm. Lớp trẻ chúng tôi đầu đội mũ rơm được đan, được bện óng chuốt những sợi rơm vàng mùa gặt còn thơm vị lúa, mùi rơm cọ ram ráp má mình, sợi rơm quấn vào sợi tóc hoe vàng khét nắng. Cứ thế rồng rắn nối nhau nhấp nhô, uốn lượn để đến lán học được đắp lũy đất, xung quanh cỏ mọc như tấm áo giáp xanh được ken bằng những thân tre, mắt tre mọc âm thầm trong lòng lán học, rồi nảy mầm những búp măng bụ bẫm, tròn xinh như búp tay tuổi học trò mới lớn. Tôi lại nhớ đến những con đường địa đạo mà tiếng trẻ học bài âm âm trong lòng đất, ngọn đèn hạt đỗ nảy mầm trong lòng đất. Bài giảng của thầy, của cô trong lòng đất chắp cánh cho học trò tưởng tượng một mặt đất phập phồng tràn ánh nắng hương hoa líu lo chim hót, lại có những quả bom bi nổ chậm hình quá dứa dễ đánh lừa lẫn vào cây cỏ.

Có thể nói, đường đến trường đến với tri thức khoa học rộng lớn bắt đầu từ những điều nhỏ bé gần gụi mà cụ thể, sinh động biết bao. Nếu không có vòng tay thiên nhiên, hơi thở thiên nhiên, sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên thì làm sao đánh thức dậy trong ta, nuôi dưỡng tâm hồn ta từ vẻ đẹp ngân nga tiếng Việt. Đường đến trường như một bệ phóng đường băng sân bay đầu tiên để nâng cánh, chắp cánh cho ta. Đó cũng như nhịp võng nối hai đầu mái trường và mái nhà, gia đình và thầy cô, bạn bè. Đó cũng như nhịp cầu đầu tiên đưa ta vào đời, học đối nhân xử thế, học cốt cách làm người.

Những ngày đầu Đông, chớm lạnh này, ta lại nhớ con đường đến trường của lớp học vùng cao trập trùng bao núi non, đèo dốc chênh vênh, sương mù bao phủ để cõng con chữ trên vai cũng gập ghềnh uốn khúc đậm nhạt nước mưa, nước suối. Nhớ sao hình ảnh những thầy giáo, cô giáo cắm bản đã gieo cả tuổi xuân sắc của mình vào màu xanh lá rừng để ươm từng con chữ nhóm lên ngọn lửa của niềm tin và khát vọng. Cái chữ mang theo giọng nói, mang theo cốt cách, mang theo phong vị, mang theo tấm lòng sắt son nghĩa tình bền chặt.

Có cả những thầy giáo mang quân hàm xanh không chỉ là bước đường tuần tra biên giới, mà còn xây những thành trì vững chãi bằng gieo chữ trồng người để bảo vệ an ninh Tổ quốc, cương vực đất đai sông núi. Bởi con người là hoa của đất, gieo chữ như gieo phúc gieo lộc, gieo những tinh hoa, tinh túy cả truyền thống ngàn đời từ mạch nguồn văn hóa, mạch nguồn giáo dục. Chợt trong tôi bỗng ngân vang giai điệu rộn ràng tươi tắn bài hát “Đi học”, thơ của tác giả Minh Chính được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo chắp cánh: “Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi”. Đường đến trường là con đường thơm hương nắng vượt qua bao gian khó để “Gieo chữ trên mây”, để chữ nảy mầm trên đá “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Tản văn: Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duong-den-truong-post456501.html