Đường đi của những lô đất hiếm

Thời gian qua, vụ án buôn lậu đất hiếm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vụ việc không chỉ phơi bày những thủ đoạn tinh vi trong việc khai thác và buôn lậu tài nguyên quý giá này, mà còn cho thấy sự tiếp tay của một số quan chức trong việc vi phạm pháp luật.

Thủ đoạn ngụy trang tinh vi

Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận, đề nghị Viện kiểm sát truy tố 27 bị can trong vụ án Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị liên quan khai thác trái phép đất hiếm ở mỏ đất hiếm Yên Phú, Yên Bái, buôn lậu sang Trung Quốc.

Một góc khu khai thác và chế biến đất hiếm ở mỏ Yên Phú.

Một góc khu khai thác và chế biến đất hiếm ở mỏ Yên Phú.

Trong đó, cơ quan điều tra cáo buộc Đoàn Văn Huấn (sinh năm 1958, Chủ tịch Công ty Thái Dương) có hành vi bán trái phép hơn 10.292 tấn quặng hàm lượng TREO 18-20%, trị giá 403 tỷ đồng và 280.846 tấn quặng sắt, trị giá 333 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 736 tỷ. Đoàn Văn Huấn bị đề nghị truy tố về 3 tội danh gồm: “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây ô nhiễm môi trường”.

Một trong số các khách hàng mua đất hiếm của Đoàn Văn Huấn là Lưu Đức Hoa (người Trung Quốc). Hoa kinh doanh tự do, từng thuê đất, mở xưởng chế biến tinh quặng đất hiếm tại Hải Phòng.

Theo điều tra, Lưu Đức Hoa đã mua 2.160 tấn quặng đất hiếm hàm lượng 14-17% (chưa được chế biến sâu) của Đoàn Văn Huấn, sau đó chỉ đạo Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương binh Trường Sơn, vận chuyển số hàng này từ mỏ Yên Phú về các xưởng chế biến. Nguyễn Thanh Đoàn thuê công nhân, gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức sản xuất tại Hải Phòng. Quặng thô sẽ được tinh chế, nâng hàm lượng đất hiếm lên 20-30%.

Do nguồn gốc quặng của Đoàn Văn Huấn không hợp pháp và hàm lượng 30% đất hiếm cũng không được phép xuất khẩu nên Lưu Đức Hoa đã chỉ đạo nhân viên pha trộn thêm các hóa chất và phụ gia. Sau đó được đóng gói trong các bao có sẵn nhãn hiệu “BẢO KHANG RICE, Chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng. NET WEIGHT: 50 kg” để ngụy trang.

Lưu Đức Hoa cũng thuê Khâu Vỹ Bung, Giám đốc Công ty GUANGZHOU (trụ sở tại Trung Quốc) làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc, khai báo là “Hỗn hợp chất Oxalate” nhưng thực chất là đất hiếm.

Khâu Vỹ Bung lại thuê Trần Đức, Giám đốc Công ty Dương Liễu, làm thủ tục xuất khẩu. Do hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên Đức sử dụng pháp nhân Công ty Dương Liễu, khai báo là chủ hàng, lập các hóa đơn thương mại hợp thức hóa nguồn gốc cho hàng hóa, mở tờ khai xuất khẩu. Với thủ đoạn nêu trên, từ ngày 5/5/2023 đến ngày 2/9/2023, Trần Đức đã mở 8 tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ, Hải Phòng, khai báo xuất khẩu mặt hàng là “Hỗn hợp chất Oxalate” tổng khối lượng 200,78 tấn, trị giá 501.950 USD.

Thực tế, số hàng hóa trên là đất hiếm đã được pha trộn, ngụy trang để xuất khẩu trái phép. Tính theo đơn giá quặng đất hiếm hàm lượng TREO 14-20%, Lưu Đức Hoa đã buôn lậu 200,78 tấn với trị giá 341.326 USD (tương đương hơn 7,8 tỷ đồng).

Lưu Đức Hoa xuất cảnh về Trung Quốc ngày 24/9/2023 nên Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản gửi Cục Đối ngoại Bộ Công an, đề nghị phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc xác minh lý lịch, quá trình chấp hành pháp luật của Lưu Đức Hoa nhưng không có kết quả. Ngày 14/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã trong nước và đề nghị truy nã quốc tế với Lưu Đức Hoa về tội “Buôn lậu”.

Một khách hàng khác cũng mua quặng trái phép của Đoàn Văn Huấn là Lưu Vũ (người Trung Quốc), Giám đốc Công ty HUYHUANG. Năm 2018, Vũ tới Việt Nam tìm nguồn mua quặng đất hiếm chuyển về Trung Quốc bán cho các cơ sở chế biến.

Vũ gặp, thỏa thuận hợp tác cùng Đoàn Văn Huấn xây dựng nhà máy thủy luyện để chế biến, nâng cao hàm lượng “Tổng oxide đất hiếm”. Trong quá trình hợp tác, Lưu Vũ được Huấn cung cấp đầy đủ thông tin về Công ty Thái Dương. Do vậy, Lưu Vũ biết rõ đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương chưa tinh chế đủ tới điều kiện xuất khẩu. Bản thân Huấn cũng nói rõ về điều này. Thế nhưng, từ tháng 5/2020-6/2021, Vũ vẫn mua 1.953 tấn đất hiếm với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng của Đoàn Văn Huấn, đã thanh toán hơn 59 tỷ đồng, còn nợ 10,9 tỷ.

Toàn bộ số đất hiếm này đã được Lưu Vũ giao cho Quách Hải Ba (người Trung Quốc) vận chuyển về Trung Quốc, giao cho khách hàng của Lưu Vũ tiêu thụ.

Ngoài ra, Công ty Thái Dương còn vi phạm trong việc kê khai thuế. Cơ quan điều tra xác định, bị can Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo cấp dưới xuất hóa đơn bán quặng với giá thấp hơn thực tế, nhằm tránh khai báo thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,6 tỷ đồng.

Liên quan đến tội “Gây ô nhiễm môi trường”, Cơ quan điều tra cáo buộc tại mỏ đất hiếm Yên Phú, Đoàn Văn Huấn đã cho xây dựng và vận hành 2 hệ thống nhà xưởng gồm: Hệ thống xưởng nghiền, tuyển quặng đất hiếm và hệ thống xưởng thủy luyện đất hiếm. Những hệ thống này trong quá trình hoạt động đã tạo ra bùn thải và thải thạch cao bẩn.

Theo quy định, Công ty Thái Dương phải thực hiện đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường và xây dựng hồ chứa bùn thải quặng cùng các hồ lắng bùn thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, công ty này đã không thực hiện đúng quy định. Nước thải từ mỏ đất hiếm của Công ty Thái Dương có hoạt độ phóng xạ vượt mức cho phép. Do không xây dựng khu vực hồ chứa đúng quy định, bùn thải lẫn thạch cao từ nhà máy thủy luyện bị đổ trực tiếp ra môi trường xung quanh khu vực mỏ, không được che chắn, tiềm ẩn nguy cơ phát tán chất độc hại.

Dù chưa đủ điều kiện để xả thải ra môi trường, bị can Đoàn Văn Huấn vẫn chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc bơm, xả 348.770 tấn bùn thải ra các khu vực hồ chứa không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, xưởng thủy luyện đất hiếm của công ty cũng đổ 2.425 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải ra các khu vực không được phép tại mỏ Yên Phú.

Có sự tiếp tay của nhiều quan chức

Điều đáng buồn trong vụ án này có sự tiếp tay của các lãnh đạo, nhân viên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và Sở TNMT tỉnh Yên Bái.

Bao gồm: Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TNMT; Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái…

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc - Đoàn Văn Huấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc - Đoàn Văn Huấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương.

Theo tài liệu điều tra, Công ty Thái Dương được Bộ TNMT cấp phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) từ năm 2009. Đến tháng 5/2011, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin khai thác quặng đất hiếm nhưng chưa được thông qua.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị, yêu cầu khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu. Công ty Thái Dương phải lập, bổ sung dự án “Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm” (gọi tắt là Dự án chế biến sâu đất hiếm), trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xin ý kiến Chính phủ.

Sau khi Bộ Công thương thẩm định Dự án chế biến sâu đất hiếm, đã báo cáo Thủ tướng kết quả là khả thi, Chính phủ đã giao Bộ TNMT thẩm định cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Tại thời điểm tháng 6/2013, việc cấp phép được thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 nên Dự án khai thác chế biến đất hiếm của Công ty Thái Dương đã thay đổi cả về quy mô và tính chất so với năm 2011.

Dự án này phải gồm 3 thành phần không thể tách rời là “khai thác, tuyển quặng”, “nhà máy thủy luyện Yên Bái” và “nhà máy chiết tách Hải Phòng”. Tuy nhiên, trong hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương mới chỉ có giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011, hết hạn năm 2012.

Mặt khác, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương chỉ có 200 tỷ đồng, không đảm bảo tỷ lệ vốn ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án (1.953 tỷ đồng) theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010.

Tuy nhiên, sau khi nhóm cán bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thẩm định hồ sơ, bị can Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng vẫn đề xuất lãnh đạo Bộ TNMT cấp giấy phép. Bị can Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TNMT, ký giấy phép này.

Sau khi được cấp phép, Công ty Thái Dương không thực hiện đúng các nội dung theo quy định, đặc biệt là không tinh luyện quặng đất hiếm trước khi bán mà tiêu thụ quặng thô.

Sở TNMT tỉnh Yên Bái biết những sai phạm của Công ty Thái Dương nhưng không tổ chức thanh tra, kiểm tra; không có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý để ngăn chặn, chấn chỉnh.

Năm 2021, khi Công ty Thái Dương làm thủ tục xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản số, Giám đốc Sở TNMT là bị can Hồ Đức Hợp còn báo cáo không trung thực tới UBND tỉnh, che giấu sai phạm của doanh nghiệp.

Trong vụ án, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, là người ký văn bản gửi Bộ TNMT, đề nghị gia hạn giấy phép cho Công ty Thái Dương.

Tuy nhiên, việc theo dõi, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Thái Dương do Sở TNMT tỉnh Yên Bái trực tiếp thực hiện theo chức năng được phân công nhưng cơ quan này không phản ánh các sai phạm của doanh nghiệp. Mặt khác, ông Phước không nhận được các kiến nghị hoặc tố giác của nhân dân liên quan đến sai phạm tại mỏ Yên Phú.

Bịt kẽ hở trong quản lý

Vụ án buôn lậu đất hiếm của Công ty Thái Dương là một bài học đắt giá về việc quản lý và khai thác tài nguyên quốc gia. Nó cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường giám sát, minh bạch trong quá trình cấp phép và khai thác khoáng sản, cũng như việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ tài nguyên và lợi ích của đất nước.

Qua vụ án này cho thấy sự buông lỏng trong hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến sâu đất hiếm; thiếu kiểm tra trong việc thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là quá trình kiểm tra, giám sát và chế biến sâu đất hiếm.

Việc kiểm soát quá trình sử dụng nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất còn sơ hở, chủ yếu theo báo cáo của doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã mua nguyên liệu đất hiếm, không có hóa đơn chứng từ được khai thác trong nước để sản xuất, chế biến thành “Tổng oxide đất hiếm”. Sau đó khai báo hải quan là hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất để xuất khẩu, trái với các quy định của Nhà nước về xuất khẩu đất hiếm với thuế suất 0%, qua đó xuất khẩu trái pháp luật đất hiếm số lượng lớn.

Bên cạnh đó, tính khả thi của quy định về chế biến đất hiếm chưa cao. Theo quy định hiện hành, đất hiếm phải được chế biến thành “Tổng oxide đất hiếm” có hàm lượng từ 95% trở lên mới được xuất khẩu. Và, để chế biến được sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, hợp tác với các nước phát triển để chuyển giao công nghệ đạt chuẩn.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm với các nước phát triển là hết sức khó khăn, công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp được cấp phép tự lắp đặt dây chuyền theo hình thức chắp vá, không đảm bảo chế biến được sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu, dẫn đến khai thác, bán trái phép đất hiếm, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản.

Từ những đánh giá trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định cụ thể, chặt chẽ để quản lý việc cấp phép, thăm dò, khai thác và đặc biệt là sử dụng nguồn đất hiếm khai thác được để chế biến sâu đất hiếm.

Ngọc Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/duong-di-cua-nhung-lo-dat-hiem-i758520/