Đường đi mới của nhạc giao hưởng

Xu hướng kết hợp nhạc giao hưởng với âm nhạc dân tộc ngày càng phổ biến và được đón nhận. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, mới mẻ mà còn giúp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

Một tiết mục của dàn nhạc “Sức sống mới”. Ảnh: DNCC.

Một tiết mục của dàn nhạc “Sức sống mới”. Ảnh: DNCC.

Những sự kết hợp hoàn hảo

Vốn được xem là loại hình nghệ thuật hàn lâm, chỉ biểu diễn tại các “thánh đường âm nhạc”, nhưng trong những năm qua, nỗ lực sáng tạo của các nghệ sỹ nhạc giao hưởng với những cách làm mới đã mang đến trải nghiệm mới mẻ, độc đáo với công chúng.

Tiên phong trong những thử nghiệm này là dàn nhạc “Sức sống mới” được thành lập năm 2013. Trải qua hơn 10 năm thành lập, dàn nhạc đã có hành trình thành công khi lan tỏa vẻ đẹp và mang âm nhạc dân tộc ra thế giới. Từ một dàn nhạc ban đầu có khoảng 10 thành viên, đến nay đã phát triển lên hơn 40 thành viên, đều là sinh viên hoặc cựu sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Đây có lẽ là dàn nhạc dân tộc xã hội hóa duy nhất ở Việt Nam biểu diễn với các bản phối theo hình thức giao hưởng, do chính nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sáng tác, biên soạn. Họ trình diễn các thể loại âm nhạc từ truyền thống đến hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây với phong cách trẻ trung, đến với khán giả nhiều vùng, miền trong cả nước hay lưu diễn tại Mông Cổ, Kuwait, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ...

Không chỉ ghi dấu ấn trong các chương trình hòa nhạc có quy mô, thời gian qua nhạc giao hưởng cũng đã có sự kết hợp với các sản phẩm âm nhạc của một số nghệ sĩ nổi tiếng. Đơn cử như trong dự án “Dongvui Harmony”, sự kết hợp giữa rapper Đen Vâu với dàn nhạc giao hưởng đã mang đến một làn gió mới cho Rap Việt khi tạo nên không gian âm nhạc phong phú và đa dạng.

Nghệ sĩ Tân Nhàn vốn nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống khi sử dụng nhạc giao hưởng đã tạo nên những “màu sắc” mới cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Sự kết hợp này không chỉ tạo nên sự hòa quyện giữa âm nhạc cổ điển và dân tộc mà còn mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ, sâu lắng và đậm chất nghệ thuật.

Ngoài ra còn có thể kể đến sự kết hợp giữa nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, cùng các dàn nhạc với một số nghệ sĩ trẻ đã cho thấy nhạc giao hưởng hiện nay không còn quá xa lạ mà đã trở thành phần quan trọng của nền âm nhạc hiện đại. Có thể kể đến một số tác phẩm kết hợp với nhạc giao hưởng và tạo nên dấu ấn trong thời gian qua như “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Trống cơm” (dân ca quan họ Bắc Ninh); “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh); “Ước mơ của mẹ” (Hứa Kim Tuyền)…

Nhạc cổ điển đến gần công chúng

Mặc dù nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, nhưng để nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng trong nước vẫn còn đó một hành trình dài. Theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, vấn đề tài chính luôn là thách thức lớn, khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn hạn chế và việc huy động tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tổ chức các buổi biểu diễn lớn, mua sắm trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng nghệ sĩ.

Cũng theo ông Vinh, thị hiếu âm nhạc của công chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định xu hướng sản xuất và biểu diễn nghệ thuật. Ở Việt Nam, thị trường âm nhạc và điện ảnh chủ yếu ưa chuộng các sản phẩm có yếu tố giải trí và dễ tiếp cận. Nhạc giao hưởng hiện chưa thu hút được nhiều sự quan tâm lớn từ công chúng.

“Các nhà làm phim và nghệ sĩ Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kết hợp nhạc giao hưởng với các sản phẩm văn hóa. Bởi việc sáng tạo và thử nghiệm với các loại hình âm nhạc mới cần có thời gian và sự đầu tư” - ông Vinh nói.

Đồng quan điểm, nghệ sĩ piano Nguyễn Long An - người sáng lập dàn nhạc học sinh quốc tế Sài Gòn cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều cách đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng rất thú vị và hiệu quả, những người trẻ hiện tại đang rất tích cực làm công việc này. Vai trò của chúng tôi, những nghệ sĩ đi trước là làm sao động viên, khuyến khích và khi cần, có thể tập hợp các bạn lại để chúng ta cùng làm nên những điều lớn lao hơn.

Dù có rất nhiều lý do khiến việc lan tỏa của nhạc giao hưởng còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, bằng sự chung tay của nghệ sĩ - những người nhạc trưởng có tâm, có tầm, cùng với đó là những thay đổi về nhận thức, việc nhạc giao hưởng góp mặt, lan tỏa trong các sản phẩm văn hóa của Việt Nam có lẽ sẽ không còn quá xa vời.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là một trong những nhạc sĩ có nhiều tác phẩm giao hưởng lấy cảm hứng từ dân ca, âm nhạc truyền thống. Trong những năm qua, nhiều tác phẩm của ông đã được các nghệ sĩ Việt Nam và cả các nghệ sĩ thế giới lựa chọn biểu diễn và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duong-di-moi-cua-nhac-giao-huong-10288877.html