Đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng tránh Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà
Tuyến Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận đi chủ yếu theo hướng Nam vượt núi Hòn Bà đi vào Phân khu phục hồi sinh thái, tránh Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
32,88 ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi
Theo Tờ trình, dự án tuyến đi về phía Nam Quốc lộ 27C, khi cắt qua sông Cầu tuyến đi về phía Tây - Tây Nam vào khu vực thác Yang Bay, sau đó tuyến đi chủ yếu theo hướng Nam vượt núi Hòn Bà (đi vào Phân khu phục hồi sinh thái, tránh Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà) đến đường tỉnh ĐT.656, từ đó tuyến bám theo ĐT.656 đi theo hướng Tây và kết thúc tại ranh giới với tỉnh Ninh Thuận.
Diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích để thực hiện Dự án là 75,58 ha, gồm 32,88 ha rừng đặc dụng là rừng tự nhiên (thuộc Phân khu rừng phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà); 27,07 ha rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, 15,38 ha rừng sản xuất (gồm: 14,13 ha rừng tự nhiên và 1,25 ha rừng trồng) và 0,25 ha rừng trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng có nguồn gốc là rừng sản xuất.
Dự án được xây dựng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, dù dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng có quy mô chỉ tương đương nhóm A. Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Đề xuất rút ngắn thời gian xây dựng
Báo cáo thẩm tra quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án, góp phần hình thành tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Khánh Hòa, đã được xác định trong danh mục các dự án ưu tiên của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đánh giá hồ sơ dự án, Ủy ban nhận thấy dự án đáp ứng các yêu cầu tại Luật Đầu tư công; Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. Đặc biệt, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho biết, dự án đã tuân thủ yêu cầu của pháp luật về đầu tư công; tuân thủ quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng; quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Quốc hội; đáp ứng điều kiện khi phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; tuân thủ pháp luật về xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với quy mô tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ tái định cư, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào Kỳ họp thứ 5, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù vào tiến độ thực hiện, dự án được thi công từ năm 2022 - 2027 là chưa phù hợp. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án phù hợp với tiến độ giải ngân vốn./.
Dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng có chiều dài khoảng 56,9km đường cấp 3 miền núi (mặt đường rộng 6m, 2 làn, không có dải phân cách, tốc độ thiết kế 60km/h). Trong đó, đoạn nâng cấp mở rộng đường hiện trạng dài 19,74km, mở mới 37,16km.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.900 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 101 tỉ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 1.400 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 95 tỉ đồng; chi phí dự phòng là hơn 249 tỉ đồng; chi phí trồng rừng thay thế là trên 18 tỉ đồng. Dự án sử dụng ngân sách Trung ương 1.000 tỉ đồng, nguồn vốn địa phương 930 tỉ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 trên 121 tỉ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là trên 808 tỉ đồng)./.