Đường không mương thoát nước, người dân vất vả khi trời mưa!
Đoạn đường với chiều dài hơn 110m qua khu dân cư ở xã Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vừa được nâng cấp nhưng không có mương thoát nước, gây lo lắng cho người dân.
Dự án sửa chữa, cải thiện mặt đường và bổ sung hệ thống thoát nước, an toàn giao thông tuyến đường tỉnh ĐT.500 đoạn qua huyện Thạch Hà với chiều dài 5,7 km (địa bàn xã Thạch Hải dài khoảng 1,7km và địa bàn xã Thạch Khê dài khoảng 4 km) có điểm đầu Km0+00 giao đường liên xã 07 Thạch Hải - Thạch Hội (đường 19/5 cũ), điểm cuối Km5+416,54 tại mố M1 cầu Thạch Đồng. Dự án được triển khai từ tháng 11/2023, tổng mức đầu tư 13,7 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì đường bộ của tỉnh năm 2023.
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuyến đường được rải thảm nhựa rộng 5m góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương, phát triển du lịch biển Thạch Hải. Tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của chính quyền và người dân Thạch Hải, tại đoạn đường đi qua cụm dân cư tổ liên gia 2, thôn Liên Hải (xã Thạch Hải) với chiều dài hơn 110m không có mương thoát nước, hiện đang gây khó khăn cho bà con trong đi lại khi trời mưa,.
Bà Nguyễn Thị Huê, người dân thôn Liên Hải cho biết: “Nhà tôi ở phía trong, khi mưa lớn, nước từ đường ĐT.500 chảy tràn xuống đường ngõ rồi chảy vào vườn nhà. Mới đây, cơn mưa ngắn chiều 6/5 đã khiến ngã 3 giữa đường ĐT.500 và đường vào ngõ ở tổ liên gia 2 (thôn Liên Hải) ngập cục bộ. Rất may, mưa ngắn nên sau đó nước cũng kịp thoát. Tuy nhiên, nếu vào mùa mưa, trời mưa to và thời gian mưa dài, tuyến đường này sẽ ngập sâu và lâu hơn, ảnh hưởng rất lớn đến bà con chúng tôi khi đi lại, sinh hoạt”.
Chia sẻ về nội dung này, ông Trương Quốc Thành - Trưởng thôn Liên Hải cho biết: “Đoạn đường ĐT.500 được nâng cấp giúp bà con đi lại thuận lợi, đường về biển Thạch Hải đẹp hơn. Thế nhưng, với 33 hộ dân ở tổ liên gia 2 vẫn còn có vướng mắc. Hiện nay, mặt đường mới cao hơn nền đường cũ, đường ngoài cao hơn đường ngõ của thôn. Vì vậy, chỉ cần một trận mưa, đường ngõ đã ngập, người dân phải lội nước bì bõm.
Đáng nói là, tất cả các tuyến đường qua khu dân cư khác của đường ĐT.550 đã có mương thoát nhưng chỉ duy nhất đoạn qua cụm dân cư tổ liên gia 2 chúng tôi lại không có, điều đó khiến bà con băn khoăn. Đường ngập không chỉ người dân trong tổ liên gia ảnh hưởng mà bà con trong xã đi lại qua đoạn đường này cũng khó khăn. Rất mong cơ quan chức năng sớm giải quyết trước khi mùa mưa lũ đến”.
Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: “Qua phản ánh của người dân, xã đã tổ chức khảo sát và nhận thấy những bất cập đó. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND huyện, tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh, chúng tôi đã kiến nghị, đồng thời làm tờ trình gửi chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã với yêu cầu đường giao thông trục thôn, xã qua khu dân cư phải có rãnh tiêu thoát nước. Ngân sách địa phương còn khó khăn, rất mong được sự hỗ trợ của cấp trên”.
Để làm rõ thêm vấn đề chính quyền và người dân Thạch Hải băn khoăn, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã trao đổi với chủ đầu tư dự án. Ông Sử Văn Hoài - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh (chủ đầu tư) cho biết: “Dự án sửa chữa đường tỉnh ĐT.500 là dự án duy tu, sữa chữa, bảo trì đường bộ, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh chi thường xuyên cho công tác bảo trì đường bộ. Hạng mục chính của dự án là sửa chữa mặt đường, hiện đã được hoàn thành vượt tiến độ.
Quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã nhận được một số kiến nghị của chính quyền và người dân xã Thạch Hải về bổ sung thêm hệ thống thoát nước dọc hai bên đường. Tuy nhiên, do điều kiện dự án duy tu, sửa chữa đường bộ, sử dụng nguồn chi thường xuyên của ngân sách tỉnh, nguồn vốn hạn hẹp nên ưu tiên sửa chữa hư hỏng mặt đường".
Cũng theo ông Hoài, trong quá trình thi công vừa qua, đơn vị đã rà soát, cân đối kinh phí dự phòng và tiết kiệm trong đấu thầu để bổ sung hệ thống mương ở các vị trí nguy cơ ngập sâu, các vị trí khác (tuyến đường hơn 110m qua tổ liên gia 2, thôn Liên Hải - PV) dự án không có đủ kinh phí để thực hiện. Hạn chế này là do tính chất của nguồn vốn và khuôn khổ đặc thù của dự án; vì vậy, rất mong chính quyền địa phương chia sẻ và có thể huy động thêm các nguồn vốn khác để đầu tư phù hợp”.
Phần việc không thuộc về chủ dự án, chính quyền xã không đủ nguồn lực đầu tư hệ thống mương và mùa mưa đến đường vẫn sẽ ngập nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan. Hy vọng phản ánh chính đáng này của bà con xã Thạch Hải sẽ được UBND huyện, UBND tỉnh quan tâm, tháo gỡ.