Đường lên đỉnh Olympia hay chương trình tuyển chọn nhân tài cho Australia?
Sau mỗi mùa Olympia, câu chuyện về các nhà vô địch nhận học bổng học tập ở Australia sau đó không trở về Việt Nam lại được nhiều người bàn luận.
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia là game show có tuổi đời dài nhất của Đài truyền hình Việt Nam. Trải qua 19 năm, sức hút của chương trình vẫn không hề vơi bớt.
Tuy nhiên, từ lâu chương trình này được gán ghép với các tên gọi không chính thức như "Đường lên đỉnh Australia", "Nơi tuyển chọn nhân tài cho Australia", "Tìm kiếm tài năng đi du học Australia".
Mỗi mùa kết thúc, sau khi tìm được nhà vô địch mới, mạng xã hội lại xuất hiện dày đặc những bình luận như "Thêm một nhân tài nữa cho Australia”; "Chúc mừng Australia". Điều này xuất phát từ thực trạng hầu hết nhà vô địch Olympia, sau khi trở thành quán quân, họ đều chọn Australia là nơi sinh sống và làm việc.
Olympia theo từng năm, từ luật chơi, người dẫn chương trình hay điều kiện tuyển chọn thí sinh đều có sự thay đổi tuy không đáng kể. Duy chỉ có phần thưởng giành cho nhà vô địch gồm vòng nguyệt quế cùng chiếc cúp vô địch là suất học bổng trị giá 35.000 USD từ nhà tài trợ được giữ nguyên.
Từ năm thứ 6, Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) trao học bổng toàn phần cho nhà vô địch trong 4 năm. Người về nhì cũng có cơ hội nhận được học bổng 50% nếu tới Australia học tập.
Trong 19 quán quân Olympia, người chiến thắng năm 18, 19 là Nguyễn Hoàng Cường và tân quán quân Trần Thế Trung chưa đi du học. Còn 16 nhà vô địch đều chọn du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, chỉ thí sinh mùa 3 là Lương Phương Thảo lựa chọn Đại học Monash, Australia.
Đến thời điểm hiện tại, Lương Phương Thảo quán quân năm thứ 3 và Lê Viết Hà quán quân năm 7 là trở về nước làm việc, các các quân còn lại đều sinh sống, lập gia đình và định cư tại xứ sở chuột túi.
Chung kết Olympia năm thứ 19 kết thúc cũng là lúc cộng đồng mạng lại có "cớ" để bàn tán, bình luận về việc những quán quân sang Australia du học mà không về nước. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, có người đồng tình, có người phản pháo kịch liệt.
"Hay quá! Vậy là bao nhân tài lại chỉ để cống hiến cho nước bạn. Vậy cho tới khi nào đất nước này mới phát triển?"; "Tôi theo dõi Olympia từ những mùa đầu tiên, nhưng khi biết thông tin những quán quân họ không trở về nước mà chọn Australia để sinh sống, tôi đã không xem nữa";
"Hãy như Phương Thảo, cô ấy vẫn chọn quê hương làm nơi lập nghiệp, sinh sống và cống hiến, tôi khâm phục cô ấy, luôn có những hướng đi của riêng mình không như những quán quân kia, chỉ biết tới lợi ích bản thân", là ý kiến từ một số độc giả.
"Hãy để cho họ được chọn nơi làm việc mà họ mong muốn"
Bên cạnh đó, nhiều độc giả VTC News tỏ ý bênh vực, phản đối lại những ý kiến trên, có người viết: "Ai cũng muốn có một cơ hội học tập và môi trường lý tưởng để sinh sống mà, nếu là bạn, bạn có chọn về nước không?".
Độc giả H. chia sẻ: "Thật ra việc làm ở nước ngoài sau này sẽ mang lại lợi ích cho quê hương. Một sinh viên Việt Nam nếu làm ở nước ngoài 10 năm khi trở về thành đạt từ kỹ năng, kiến thức, mối quan hệ thực sự có giá trị. Chỉ cần trong số 10 người, có 1 người thành công trở về vậy cũng là tín hiệu tốt".
Từng tham gia tranh luận về vấn đề "Olympia đào tạo nhân tài cho Australia", thí sinh Nguyễn Hữu Quang Nhật - quán quân Olympia năm thứ 18 bày tỏ: "Một năm có 144 thí sinh thi Olympia, chỉ có thí sinh giỏi nhất đi Australia". Cậu bạn muốn chứng tỏ một điều rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều nhân tài, đã và đang học tập, cống hiến cho nước nhà. Số lượng thí sinh tham gia chương trình nhiều nhưng người được đi Australia chỉ chọn ra có 1.
"Họ sang Australia để được đào tạo một cách bài bản, hoàn thiện hơn. Tôi nghĩ việc họ ở lại hay về là quyền của họ thôi. Cuộc sống hạnh phúc đôi khi là được cống hiến cho cộng đồng", A.B viết.
Q.L bình luận: "Vì tương lai các em, những nhân tài tương lai của đất nước. Mong rằng ở xứ người, các em luôn nhớ về quê hương và làm một việc gì đó dù là nhỏ bé cho quê hương của mình. Hãy để cho các quán quân Olympia được chọn cách làm việc mà họ mong muốn. Còn đại đa số người xem và yêu thích chương trình, hãy mỉm cười và tích lũy thêm kiến thức cho bản thân".
Mời độc giả gửi ý kiến TẠI ĐÂY hoặc ô bình luận bên dưới.