Đường lên hạnh phúc

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, khẳng định rằng giáo dục không chỉ là việc dạy và học, mà còn là hành trình xây dựng niềm vui và hạnh phúc cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Ngành đã tập trung thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm là: triển khai sâu rộng; xây dựng mô hình trường học hạnh phúc; đổi mới giáo dục; thực hiện tốt các chính sách.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cấp tỉnh.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cấp tỉnh.

KHÁT VỌNG NÂNG CAO CHỈ SỐ HẠNH PHÚC

Ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái xác định chỉ số hạnh phúc không chỉ đơn thuần là cảm nhận cá nhân mà còn là kết quả của những nỗ lực chung trong việc xây dựng môi trường sống và học tập tốt đẹp. Một môi trường giáo dục hạnh phúc sẽ tạo ra những thế hệ học sinh khỏe mạnh, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Các phong trào như "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” hay "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã thu hút sự tham gia đông đảo của giáo viên và học sinh. Các phong trào bắt đầu từ nhận thức sâu sắc của đội ngũ giáo viên về vai trò của việc tự học trong bối cảnh giáo dục hiện đại.

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục đổi mới, mỗi giáo viên đã không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng của bản thân, tạo phong trào sôi nổi. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, triển lãm các sản phẩm sáng tạo đến các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm đều nhằm khuyến khích giáo viên phát huy khả năng sáng tạo của mình. Cùng với đó, ngành cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Với sự phát triển của công nghệ, nhiều giáo viên đã mạnh dạn áp dụng các công cụ và phần mềm hỗ trợ giảng dạy vào lớp học.

Năm học 2023 - 2024, toàn ngành GD&ĐT tỉnh có 178 đề tài, sáng kiến của cán bộ, giáo viên được công nhận (trong đó cấp tỉnh có 11 đề tài, sáng kiến). Các đơn vị đã tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 2,6% số cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành GD&ĐT tỉnh có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (1 tiến sĩ, 134 thạc sĩ); 76,8% có trình độ đại học; 16,9% có trình độ cao đẳng; trình độ còn lại chiếm 3,7%. Tỷ lệ giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn trở lên là 92%, trên chuẩn là 24,3%.

XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC - NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG

Yên Bái là tỉnh đầu tiên xây dựng bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc với 8 tiêu chí về môi trường trong các nhà trường, 6 tiêu chí về dạy học và các hoạt động giáo dục, cùng 6 tiêu chí về các mối quan hệ trong nhà trường. Mô hình này không chỉ đơn thuần là việc tạo ra một không gian học tập thoải mái mà còn là nơi mà cả thầy và trò cảm thấy yêu thương, an toàn và tôn trọng. Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc” một cách đồng bộ, bài bản. Theo đó, tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường.

Những buổi hội thảo, hội nghị mời chuyên gia về nói chuyện, truyền đạt được tổ chức rộng khắp. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị. Qua đó, các nhà trường không xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, tiến bộ. Học sinh được quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện tối thiểu, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Thầy cô thực hiện các biện pháp giáo dục tích cực, nhân văn nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh.

Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Tinh thần yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ được coi trọng và nâng cao trong các mối quan hệ giữa thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh và học sinh với học sinh. Hình ảnh con người Yên Bái được khắc họa trong hình ảnh đổi thay từ các thầy cô giáo của ngành GD&ĐT: trí tuệ, tâm huyết, tận tụy, sáng tạo và đổi mới”. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục ở Yên Bái đã xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc". Toàn tỉnh có 400/451 cơ sở giáo dục đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc”, chiếm tỷ lệ 88,7%.

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải).

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải).

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC - CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 51 của Ban Bí thư về đổi mới căn bản GD&ĐT, ngành đã triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục rõ nét nhất đó là việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thành công ở tất cả các cấp học, bậc học.

Tại Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh Yên Bái trong điều kiện khó khăn nhưng Chương trình GDPT 2018 tại địa phương đã được thực hiện một cách bài bản, quy củ, chặt chẽ nhưng không kém sự linh hoạt. Nhận định một trong những điểm đáng ghi nhận của ngành giáo dục Yên Bái là xây dựng chương trình trường học hạnh phúc, tạo động lực cho các giáo viên, học sinh đến trường, Thứ trưởng cho rằng, đó cũng là đổi mới tư duy quản lý nhân sự thành quản lý nguồn nhân lực, chăm lo chính sách, bồi dưỡng tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình, đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình GDPT 2018, tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, chính sách đẩy mạnh phát triển GD&ĐT. HĐND tỉnh ban hành 9 nghị quyết về lĩnh vực GD&ĐT; UBND tỉnh ban hành 3 đề án về giáo dục, trong đó có Đề án triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí thực hiện trên 1.542 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ, thực hiện tốt chính sách thu hút sinh viên giỏi về tỉnh; ưu tiên, sắp xếp luân chuyển giáo viên công tác lâu năm từ vùng đặc biệt khó khăn về vùng thấp. Để giải quyết khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh chỉ đạo thực hiện sắp xếp, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có, thực hiện biệt phái giáo viên tiếng Anh từ các cơ sở giáo dục vùng thấp lên tăng cường cho các địa bàn vùng cao, vùng khó khăn; bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường tại các trường thiếu giáo viên bộ môn; ban hành chính sách thu hút giáo viên làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Đến nay, Yên Bái hiện đã có một hệ thống giáo dục với quy mô khá hoàn chỉnh cho tất cả các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa và xã hội hóa, qua đó dần đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân.

Những nỗ lực của ngành đã làm cho chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi tăng, số lượng học sinh bỏ học giảm; sự tham gia của phụ huynh trong các hoạt động giáo dục cũng tăng lên đáng kể. Năm học 2023-2024, tỉnh Yên Bái có 40 học sinh đạt giải trong kỳ thi các môn văn hóa THPT cấp quốc gia; công nhận 385 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học cơ sở cấp tỉnh năm học 2023-2024; 2/2 dự án đạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 2/2 dự án đạt giải Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,4%. Năm học 2024 - 2025 tỉnh Yên Bái đạt 57 giải (9 giải nhì, 21 giải ba, 27 giải khuyến khích), tăng 17 giải so với năm học trước, vượt chỉ tiêu giao 15 giải và cao nhất từ trước đến nay.

"Đường lên hạnh phúc” không phải là một con đường bằng phẳng, nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành GD&ĐT tỉnh, cùng với sự đồng lòng của cộng đồng, chúng ta có lý do để tin ở ngày mai tương lai tươi sáng. Việc xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh, giáo viên mà còn cho toàn xã hội, tạo ra những giá trị cốt lõi mà mỗi người đều hướng tới yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/345425/duong-len-hanh-phuc.aspx