Giáo dục nghề nghiệp cần đi vào thực chất
Việc chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ GD&ĐT từ năm 2025 được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều bất cập.
Theo các chuyên gia giáo dục, để có sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục bậc mầm non lên đại học và cao hơn nữa, việc thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo là chủ trương đúng đắn và cần sớm thực hiện.
Chủ trương đúng đắn và cần thiết
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), cho hay, việc chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ GD&ĐT từ năm 2025 được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều bất cập trong quản lý, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh và liên thông giữa các bậc học, đồng thời nâng cao hiệu quả việc phân luồng học sinh một cách thực chất hơn. Bởi lẽ, sự thống nhất trong quản lý giáo dục dưới sự điều hành của Bộ GD&ĐT sẽ góp phần đồng bộ hóa chính sách, chương trình đào tạo và tiêu chuẩn chất lượng.
ThS Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng, ở nhiều trường cao đẳng hiện nay có đào tạo hệ 9+ nhưng không học văn hóa THPT 7 môn mà chỉ học 4 môn, vì vậy sẽ có nhiều trường đại học từ chối cho học sinh học liên thông. Vì vậy, sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp để phù hợp hơn với Luật Giáo dục đại học là cần thiết, góp phần giải quyết những vướng mắc này.
“Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, mà còn đơn giản hóa quy trình tuyển sinh, mở rộng cơ hội liên thông từ giáo dục phổ thông đến đại học và GDNN, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Quan trọng hơn, tập trung quản lý sẽ hỗ trợ hiệu quả công tác phân luồng, giúp các em dễ dàng chọn lựa con đường học vấn hoặc nghề nghiệp phù hợp với năng lực và đam mê”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định.
Hiện, quản lý GDNN và giáo dục đại học (GDĐH) do hai bộ khác nhau thực hiện dẫn đến thiếu thống nhất trong các chính sách liên thông và phân luồng. Nêu thực trạng, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM đồng thời cho rằng, khi GDNN thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT, các chính sách có thể được xây dựng đồng bộ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển sinh và liên thông giữa các bậc học.
“Phân luồng học sinh sẽ thực hiện rõ ràng và hiệu quả hơn khi GDNN và GDĐH thuộc cùng một cơ quan quản lý. Sự phối hợp giữa các trường THPT và trung cấp, cao đẳng, đại học sẽ giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp sớm, thực chất hơn”, ông Sơn nhận định và nhấn mạnh, sự thay đổi cần một quá trình chuyển giao về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và đặc biệt là chính sách hỗ trợ.
Ở một góc độ khác, TS Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM khẳng định, thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo là điều tất yếu. Bởi, việc thống nhất này tạo ra nhiều thuận lợi, công tác giáo dục, đào tạo sẽ được quản lý một cách xuyên suốt, thống nhất từ trên trở xuống bởi một cơ quan quản lý là Bộ GD&ĐT.
Theo chuyên gia này, thực tế hiện nay, từ bậc mầm non đến cấp THPT của nước ta vốn được xuyên suốt, có tính kế thừa nhau nhưng đến trung cấp, cao đẳng lại rẽ ngang. Điều này gây ra lãng phí. Chính vì vậy, thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo sẽ mang tính kế thừa cao về chương trình, nội dung đào tạo khi chương trình giáo dục từ mầm non đến cao đẳng, đại học trở thành hệ thống xuyên suốt. Từ đó mới thực hiện được nhiều đề án, chính sách quốc gia.
Đặc biệt, công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh giữa các bậc học sẽ quay lại hình tháp đúng nghĩa, phù hợp về cơ cấu nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện tại. Cơ cấu lao động của nước ta đang là hình tháp ngược, không đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường lao động.
“Tôi tán thành chủ trương chuyển GDNN về lại Bộ GD&ĐT để thống nhất về mặt quản lý trong hệ thống giáo dục nước nhà. Việc làm này sẽ giải quyết những bất cập và tháo gỡ khó khăn không đáng có trong quản lý Nhà nước về phân luồng học sinh, liên thông, xây dựng hệ thống giáo dục mở, sự đồng bộ trong hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm tra đánh giá người học… Việc này cần làm càng sớm càng tốt”, ông Sáng nói.
Trường cao đẳng, trường nghề phấn khởi
TS Trần Mạnh Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Bách Việt đánh giá, hầu hết quốc gia trên thế giới có quan điểm chỉ đạo thống nhất về giáo dục. Ở Việt Nam, việc tách giáo dục cho nhiều bộ cùng quản lý nên quan điểm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo không thống nhất toàn diện, đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho người học và cơ sở giáo dục.
Vì vậy, chuyển giao quản lý GDNN từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ GD&ĐT giúp đưa hệ thống GDNN trở lại hệ thống chung và hòa nhập được với thế giới theo đúng chuẩn xếp hạng hiện nay. Thêm vào đó, việc này sẽ giúp các trường cao đẳng nằm chung trong hệ thống của Bộ GD&ĐT và không bị tách ra theo Luật GDNN năm 2014 và triển khai từ năm 2017.
“Việc này chắc chắn sẽ thuận lợi cho học sinh từ mầm non lên tới tiến sĩ. Tiếp đến, về phía liên thông của chương trình, nếu dưới 1 bộ chỉ đạo sẽ có sự liên kết từ mầm non đến các bậc sau này. Ví dụ như liên thông từ cao đẳng lên đại học sẽ thuận lợi, đặc biệt khi chúng ta đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Rõ ràng đây là vấn đề hợp xu thế và được mong chờ lâu nay”, TS Trần Mạnh Thành nói.
Việc chuyển giao này được ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM nhìn nhận giúp các trường cao đẳng, nghề “bùng lên” hy vọng tuyển sinh từ năm nay sẽ tốt hơn. “Mấy hôm nay, tôi nghe thông tin rằng Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp đưa thông tin tuyển sinh của các trường cao đẳng vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT; nếu việc này được xúc tiến sớm sẽ thuận lợi cho thí sinh cả nước”, ông Lý cho hay.
Kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh, ThS Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông chia sẻ thực tế: Khi đến các trường phổ thông tư vấn, học sinh rất ấn tượng về trường, khoảng 90% chắc chắn sẽ đăng ký học. Tuy nhiên, đến khi đăng ký xét tuyển, các em đăng nhập vào hệ thống chung của Bộ GD&ĐT thì không có thông tin, dữ liệu gì của trường cao đẳng, không có các khối sư phạm nên các em và phụ huynh cho rằng Trường Cao đẳng Viễn Đông không phải trường chính quy nên… quay xe.
Theo chuyên gia này, chuyển GDNN về Bộ GD&ĐT là hướng mở không chỉ cho Trường Cao đẳng Viễn Đông mà còn cho nhiều trường cao đẳng khác. “Tôi tin việc tuyển sinh ở các trường cao đẳng năm nay sẽ trở nên khởi sắc. Đồng thời, việc liên thông cho học sinh các bậc học cũng tốt hơn”, ThS Phan Thị Lệ Thu chia sẻ.
Chuyên gia tư vấn tuyển sinh một trường cao đẳng tại TPHCM cũng nhận định, những năm qua, việc giao quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo cho 2 bộ, gồm Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cùng thực hiện khiến việc liên thông giữa các trình độ đào tạo thiếu tính nhất quán. Chỉ ra một số khó khăn mà cơ sở GDNN đang phải đối mặt, chuyên gia này cho rằng, với quy định hiện hành có thể thấy rõ những vấn đề như tuyển sinh của trường nghề, đào tạo liên thông từ GDNN lên đại học gặp nhiều vướng mắc.
Trong đó, trường nghề khó tuyển sinh một phần do không có dữ liệu trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, việc chuyển đổi kết quả đào tạo của mỗi cơ sở GDĐH lại khác nhau khi xét tuyển sinh đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học… Đặc biệt, do 2 bộ cùng quản lý Nhà nước về giáo dục nên chưa tạo được tính liên thông hoàn toàn giữa các cấp học.
“Rào cản này khiến nhiều người thay vì học lên các trình độ cao hơn lại lựa chọn đi xuất khẩu lao động, bỏ nghề... dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước”, vị này chia sẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề phân luồng, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT vào đào tạo nghề trình độ trung cấp, sơ cấp còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ sở GDNN phải cạnh tranh cao với những hệ đào tạo khác.
“Hiện nay, nguồn nhân lực từ các trường nghề, trường cao đẳng và trung cấp thiếu hụt so với nhu cầu xã hội; song, nhiều trường cao đẳng hầu như mức độ đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh chưa đạt so với chỉ tiêu được cấp. Vì vậy, việc chuyển giao GDNN về Bộ GD&ĐT quản lý sẽ giúp cân bằng tuyển sinh giữa đại học và cao đẳng, phân luồng học sinh cũng thuận lợi, thực chất hơn”, vị này nói thêm.
Sửa đổi Luật GDNN cho phù hợp?
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay, sửa đổi Luật GDNN là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất và hài hòa trong hệ thống pháp luật giáo dục. Những điều chỉnh này sẽ đặt nền móng pháp lý vững chắc, tạo cơ sở cho sự phát triển và quản lý hiệu quả các cơ sở GDNN. Đồng thời, chúng sẽ giúp tháo gỡ rào cản trong liên thông giữa các trình độ đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời, đây là một trong những mục tiêu quan trọng của nền giáo dục hiện đại.
Tuy nhiên, chuyên gia này kiến nghị, để đạt những mục tiêu trên, cần tiến hành rà soát và điều chỉnh Luật GDNN, tập trung vào các nội dung liên quan đến quản lý Nhà nước, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Quá trình chuyển đổi cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo sự thông suốt, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn hệ thống giáo dục và xã hội.
Đồng tình với việc sửa đổi Luật GDNN phù hợp hơn với Luật GDĐH, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM nhấn mạnh, sửa luật chắc chắn phải làm, đặc biệt về cơ chế tuyển sinh, liên thông và kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh các nguyên tắc: Tính đồng bộ pháp lý, các quy định trong Luật GDNN hiện hành cần được điều chỉnh để phù hợp với Luật GDĐH, đặc biệt về cơ chế liên thông và chuẩn đầu ra.
“Luật mới ra đời cần bổ sung các quy định về quản lý chất lượng, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong GDNN để đáp ứng yêu cầu. Và đặc biệt phải đảm bảo quyền lợi cho người học, tránh tình trạng chưa ổn như hiện nay. Và còn nhiều vấn đề nữa phải lưu ý, bởi mỗi khi sáp nhập các bộ, ban, ngành phải sửa chữa, bổ sung thêm luật để phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay”, ông Sơn góp ý.
Trong Thông báo số 522/TB-VPCP ngày 14/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị nêu: Thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-nghe-nghiep-can-di-vao-thuc-chat-post717348.html