Đường ngọt – hệ lụy đắng

Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khỏe như thừa cân béo phì; bệnh đái tháo đường hoặc rối loạn chuyển hóa... Trên toàn cầu hiện có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, kéo theo chi phí y tế khổng lồ.

Phía sau một cốc trà sữa

Ngày nay, không hiếm để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ với một ly trà sữa trên tay. Từ một cơn sốt, trà sữa trở thành thức uống phổ biến, thói quen trong đời sống hàng ngày, đặc biệt với học sinh, sinh viên và dân văn phòng trẻ.

Bạn Nguyễn Phương Thảo, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Trong kỳ thi, em ở trường nhiều hơn bình thường nên em sẽ sử dụng nhiều đồ ngọt hơn. Khi sử dụng đồ ngọt, em cảm thấy tỉnh táo và giữ được nhiều năng lượng cho việc ôn thi".

"Mình cảm thấy cà phê hơi nặng, nếu uống cà phê, sau khoảng 1-2 tiếng mình sẽ bớt năng lượng và cảm thấy mệt mỏi, nhưng đồ ngọt thì sẽ tăng năng lượng, giúp mình tập trung hơn", chị Nguyễn Thị Vân Thủy (Cầu Giấy) cho hay.

Không chỉ là thức uống giải khát, nhiều quán trà sữa đã trở thành địa điểm tụ tập quen thuộc của giới trẻ. Phần vì sở thích, phần vì cảm giác “nghiện” vị ngọt béo và sự tiện lợi mà nó mang lại.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Hà Đông) cũng sử dụng đồ uống có đường để tăng năng lượng khi làm bài tập khuya. "Khi cảm giác cần tiếp thêm năng lượng, mình sẽ nghĩ đến đồ ngọt. Có những hôm mình chấp nhận bỏ số tiền khá cao để uống trà sữa hay ăn bánh ngọt vào ban đêm", chị Nhung cho biết.

Không ít người, đặc biệt là giới trẻ đã vô tư coi trà sữa là lựa chọn giải khát thường xuyên. Thói quen “nghiện ngọt” này nếu kéo dài mà không kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng – trong khi chính người uống vẫn cho rằng “chỉ là một ly trà sữa thôi mà”.

Với những người giao đồ ăn – phải rong ruổi khắp phố phường mỗi ngày – trà sữa là mặt hàng được đặt mua nhiều nhất. Có người chia sẻ, chỉ trong vài tiếng làm việc, hơn nửa số đơn hàng là trà sữa.

Anh Nguyễn Duy Khánh, người giao đồ ăn cho biết: "Trung bình, mình nhận một ngày khoảng 15-20 đơn trà sữa. Nhóm khách tiêu thụ lượng trà sữa không chung vào nhóm nào, có thể là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng".

Sự phổ biến đến mức “quá tải” ấy cho thấy, không chỉ người tiêu dùng đang lệ thuộc vào trà sữa như một thói quen, mà còn phản ánh phần nào lối sống hiện đại: nhanh – tiện – nhiều đường, nhưng lại ít khi để tâm đến hệ quả lâu dài cho sức khỏe.

Đồ uống có đường - "sát thủ thầm lặng"

Theo nghiên cứu của UNICEF, có tới 43% thanh thiếu niên uống đồ uống có đường hơn hai lần mỗi tuần. Trong đó 13,5% sử dụng gần như hằng ngày. Đáng chú ý, hơn 20% các em tiêu thụ hai đơn vị mỗi lần uống, cho thấy xu hướng tiêu thụ đồ ngọt đang ở mức đáng báo động trong giới trẻ.

Trong số các loại đồ uống có đường, trà sữa được xem là một trong những lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một ly trà sữa tưởng chừng vô hại lại chứa lượng đường và chất béo vượt mức khuyến nghị. Cụ thể, một ly trà sữa cỡ vừa (500ml) có thể chứa từ 50-70g đường – gấp hai đến ba lần so với mức khuyến cáo hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn chỉ khoảng 25g/ngày đối với người trưởng thành khỏe mạnh.

Bác sĩ Bùi Quỳnh Trang, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết: "Đường cung cấp một phần năng lượng cho cơ thể chúng ta. Khi cung cấp đường, cơ thể chúng ta có năng lượng, ta cảm thấy tinh thần làm việc lên cao hơn. Khi sử dụng đường, cơ thể sẽ tiết ra hoóc môn hạnh phúc, làm cho cơ thể cảm giác thoải mái, thỏa mãn, nên mọi người thường có xu hướng thích sử dụng đường".

Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi mức sống và mức tiêu thụ các sản phẩm có đường tăng mạnh. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về một lối sống thiếu lành mạnh đang len lỏi trong từng thói quen ăn uống hàng ngày của người trẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Quỳnh Trang khuyến cáo, khi sử dụng quá nhiều đường, cơ thể sẽ mất cân bằng dinh dưỡng, dễ bị thừa cân béo phì do dư thừa năng lượng, hoặc thiếu các dưỡng chất khác. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều đường dễ làm cơ thể mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp...

Theo WHO, hiện nay trên toàn cầu có tới 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, kéo theo chi phí y tế khổng lồ. Đáng lo ngại, tỉ lệ tử vong do béo phì cao gấp đôi so với tổng tỉ lệ tử vong từ ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Giảm ngọt để khỏe

Một cốc nước ngọt hay một gói snack từng là phần thưởng nho nhỏ mà gia đình anh Nguyễn Tiến Tùng ở phường Phú La, quận Hà Đông dành cho các con sau giờ học căng thẳng. Nhưng khi nhận thấy các tác hại của đồ uống có đường nếu thường xuyên sử dụng, anh chị bắt đầu thay đổi. Nước ngọt được thay bằng nước lọc, snack nhường chỗ cho trái cây tươi và cả gia đình cùng ngồi vào mâm cơm đủ chất, vì một tương lai tốt hơn cho con.

"Qua tìm hiểu, gia đình tôi cũng nhận thấy được việc sử dụng đồ uống có đường không tốt cho sức khỏe, đặc biệt khi các cháu còn nhỏ. Gia đình định hướng cho các cháu sử dụng nước ép trái cây", anh Tiến Tùng cho hay.

Theo các chuyên gia, đường không xấu nhưng nếu lạm dụng, hoặc sử dụng không đúng cách có thể trở thành “sát thủ thầm lặng”. Đáng lo ngại là trong nhiều thực phẩm công nghiệp hiện nay, đường ẩn dưới các tên gọi khác nhau như glucose syrup, fructose, maltose… khiến nhiều phụ huynh không để ý.

Thay đổi thói quen ăn uống không hề dễ, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nhưng nếu sự thay đổi bắt đầu từ cha mẹ và có sự đồng hành của cả gia đình, sức khỏe chính là phần thưởng lớn nhất. Giảm bớt vị ngọt hôm nay là thêm vị khỏe cho ngày mai!

Hạn chế đồ uống có đường bằng thuế

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram/100 ml (nước ngọt) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027. Mức thuế áp trong năm đầu tiên là 8%, từ năm 2028 tăng lên 10%. Một số đại biểu đồng tình với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên cần lưu ý việc quy định rõ ngưỡng đường theo tiêu chuẩn Việt Nam là cần thiết; cần thực hiện áp thuế này để tránh sốc cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: "Các sản phẩm hiện nay đều do các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống tự công bố chỉ tiêu chất lượng. Để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp công bố sai hàm lượng đường trong sản phẩm để né thuế, tôi đề nghị nghiên cứu quy định bắt buộc kiểm nghiệm độc lập đối với các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt".

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn đến từ nước giải khát có đường. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam áp thuế tối thiểu 20% với nước ngọt. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, áp thuế thời điểm này với nước ngọt có đường đã là muộn.

"Cá nhân tôi nghĩ rằng phải đánh thuế sớm hơn, đến giờ phút này chúng ta cũng đã muộn. Không thể để thế hệ con em của chúng ta béo phì, có bệnh rồi chúng ta mới bàn", Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đang nhận được sự đồng thuận tại Quốc hội. Đây được xem là một giải pháp mang tính phòng ngừa, hướng tới một xã hội khỏe mạnh hơn - bắt đầu từ những lựa chọn đơn giản hằng ngày.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/duong-ngot-he-luy-dang-329852.htm