Đường 'Nhuệ' khai bảo kê hỏa táng vì thương nhà có người mất
Sáng 18/11, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên xét xử Nguyễn Xuân Đương (Đường 'Nhuệ') và đồng phạm trong vụ bảo kê hỏa táng.
Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", SN 1971, TP.Thái Bình, Thái Bình) bị cáo buộc trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020 đã dùng nhiều thủ đoạn, đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Đường "Nhuệ" còn bị cáo buộc đã ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của Đường, phải nộp số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng.
Trình bày trước tòa hôm nay, Đường “Nhuệ” cho biết được các cơ sở dịch vụ tang lễ tha thiết đề nghị làm Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Theo bị cáo Nguyễn Xuân Đường, mọi người tha thiết mời mình vào làm để họ làm ăn yên ổn, nhờ đứng lên để bảo vệ họ nhưng thời điểm đó Đường im lặng.
“Lợi (Ninh Đức Lợi – PV) nói bây giờ chỉ cần bị cáo đứng lên, lấy tên bị cáo để mọi người dựa vào, không ai bắt nạt, Lợi là người giúp chính các công việc” - Đường “Nhuệ” khai.
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường khai các cơ sở dịch vụ tang lễ đưa ra ý tưởng tất cả các ca hỏa táng khi có sẽ báo về một số điện thoại, từ đó sẽ báo về tổng đài, giờ Hiệp hội tang lễ Thái Bình thành lập riêng thì có số điện thoại riêng.
“Bị cáo nói chuyện này không làm được đâu, nhưng mọi người bảo Lợi sẽ làm việc đó. Ngay lúc đó Bùi Văn Minh (bạn Đường) bảo bây giờ tôi có thừa 1 sim, cho Hiệp hội, rồi đưa luôn trước mặt mọi người” – Đường khai.
Theo bị cáo, mọi người còn đưa ra ý tưởng muốn in tên Đường Dương, Đường “Nhuệ” lên thành xe, đầu xe hỏa táng nhưng Đường không chấp nhận.
Đường khai những lần đến họp, lúc đầu suy nghĩ là cho vui, giúp được ai cái gì thì giúp nhưng dần dần thấy thương cảm cho hoàn cảnh của các dịch vụ tang lễ ở Thái Bình bị “đì”, thương nhà có người chết nên sau đó đã đồng ý tham gia vào Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Đường “Nhuệ” khai trước đây các dịch vụ cũng nộp cho ông Giao (Trần Đình Giao – Chủ tịch HĐQT đơn vị quản lý đài hóa thân Thanh Bình, Nam Định – PV) 300 nghìn đồng/ca, hôm nay thành lập Hiệp hội mới đóng thêm 500.000 đồng/ca để duy trì Hiệp hội và các dịch vụ tang lễ tự trích ra.
“Khi tôi nhận làm giúp các dịch vụ là xuất phát từ cái tâm của tôi, các dịch vụ khẩn thiết nhờ tôi giúp đỡ. Khi đó tôi nói giúp mọi người không biết có ảnh hưởng gì đến pháp luật không. Tôi đề nghị mọi người là giúp mọi người thì phải làm giấy tờ gì đó để không vi phạm pháp luật” – Nguyễn Xuân Đường trình bày.
Về bản hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương và các dịch vụ, Đường “Nhuệ” khai đến giờ cũng chưa biết bản hợp đồng như thế nào. Mặc dù vợ Đường là người ký nhưng Đường nói bản hợp đồng chẳng có giá trị gì về pháp lý, có thể chỉ là thỏa thuận nào đó.
Về số tiền cáo buộc chiếm đoạt của các cơ sở dịch vụ hơn 2,4 tỷ đồng, Đường khai bản thân có nhiều khoản tiền không thể nhớ được. Với số tiền các dịch vụ báo ca, Đường khai chi tiêu vào việc ăn uống, các hoạt động của Hiệp hội tang lễ.
Trước thông tin đang phải đóng tiền cố định ở Công ty Hoàng Long nhưng với Đường “Nhuệ”, các dịch vụ phải đóng thêm 500.000 đồng, Đường “Nhuệ” lý giải họ bỏ ra 500.000, mình được ăn, được uống (tổ chức liên hoan), đi lại công việc đúng giờ, không ai bắt nạt.
“Thu theo ca là do các cơ sở dịch vụ đưa ra, nói mãi bị cáo mới nhận cho” – Đường nói.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.