Đường ống khí đốt mới được kỳ vọng có thể giúp EU 'thay đổi cuộc chơi': Thực tế ra sao?
Đường ống dẫn khí đốt Hy Lạp - Bulgaria vừa được khánh thành vào đầu tháng này, với kỳ vọng sẽ là 'yếu tố thay đổi cuộc chơi' trong lĩnh vực năng lượng của châu Âu.
Các nhà lãnh đạo đương nhiệm năm 2019, (cựu) Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov và (cựu) Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cùng ký tên lên một đoạn đường ống. Ảnh: Twitter/ Book Borissov
Hôm 1/10 vừa qua, lễ khánh thành đường ống dẫn khí đốt Hy Lạp - Bulgaria vừa diễn ra tại thủ đô Sofia (Bulgaria), với sự tham dự của lãnh đạo các nước tham gia dự án và Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Đường ống dài 182 km này được kết nối với Đường ống biển Adriatic (TAP), cho phép vận chuyển lượng khí đốt bổ sung từ Azerbaijan đến các cảng của Hy Lạp, sau đó tiếp tục phân phối đến Italia và khu vực Đông Nam Âu.
Đường ống dẫn khí đốt Hy Lạp - Bulgaria được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá là "yếu tố thay đổi cuộc chơi", và được coi là dự án hứa hẹn thúc đẩy quá trình giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga ở vùng Balkan, cùng với đó là kỳ vọng đưa Hy Lạp trở thành trung tâm năng lượng trong khu vực.
Tuy nhiên, một bài phân tích mới đây của chuyên trang oilprice.com cho rằng Azerbaijan chưa chắc có thể thực hiện cam kết của mình với Liên minh châu Âu (EU).
Đường ống khí đốt mới từ Azerbaijan: Kỳ vọng và thực tế
Theo hợp đồng cung cấp mà Azerbaijan đã ký kết với Bulgaria, trong giai đoạn đầu, đường ống mới này sẽ vận chuyển 1 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và sau đó sẽ dần tăng lên để đáp ứng nhu cầu khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt/năm của Bulgaria.
Trước khi căng thẳng giữa EU và Nga leo thang trong vấn đề năng lượng, Moskva từng là nhà cung cấp đáp ứng phần lớn nhu cầu nói trên của Bulgaria. Tuy nhiên, Nga đã ngừng giao khí đốt cho Bulgaria vào tháng 4 năm nay.
Với công suất tối đa, đường ống dẫn khí đốt Hy Lạp - Bulgaria hiện có thể vận chuyển lên đến 3 tỷ mét khối khí đốt/năm, và có thể mở rộng để vận chuyển lên đến 5 tỷ mét khối khí đốt/năm.
Trên lý thuyết, đây là điều có lợi cho Azerbaijan vì nước này có thể tận dụng các đường ống dẫn khí đốt hiện có của Bulgaria để cung cấp khí đốt cho các quốc gia lân cận và xa hơn là trong vùng Balkan và Trung Âu, kể cả Moldova và thậm chí cả Ukraine.
Tuy nhiên: Thực tế là nguồn khí đốt dự trữ của Azerbaijan có hạn.Tháng 7 năm nay, Azerbaijan đã ký một bản thỏa thuận ghi nhớ với EU, theo đó Baku "dự kiến" sẽ cung cấp 12 tỷ mét khối khí đốt cho EU trong năm nay - nhiều hơn so với mức 10 tỷ mét khối đã được ký kết trong hợp đồng trước đó.
Con số nói trên đã bao gồm lượng khí đốt dự kiến được vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt Hy Lạp - Bulgaria, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với con số khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt mà trước đây Nga cung cấp cho châu Âu hàng năm.
Và theo Oilprice, có những dấu hiệu cho thấy Baku có thể sẽ không đạt được cam kết đã đề ra.
Dấu hiệu đầu tiên: Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã hạ dự báo về lượng khí đốt xuất khẩu của nước này đến châu Âu còn "11,5 tỷ mét khối".
Không rõ liệu vấn đề có liên quan đến mỏ khí đốt Shah Deniz do tập đoàn năng lượng BP điều hành, nơi sản xuất toàn bộ lượng khí đốt xuất khẩu của Azerbaijan hay không; hoặc vấn đề nằm trong của mạng lưới đường ống Hành lang khí đốt phía Nam dẫn từ Biển Caspi qua Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania và Italy; hay vì lý do nào khác.
Đầu năm nay, tập đoàn BP cũng đề xuất rằng công suất của mỏ khí đốt và đường ống có thể được mở rộng lên đến 11 tỷ mét khối/năm, tức tăng thêm 1 tỷ mét khối/năm so với trước đó. Tập đoàn này cũng không đưa ra lời giải thích về việc làm thế nào để có thể tăng công suất lên 12 tỷ mét khối/năm, hay tại sao mục tiêu hiện tại đã giảm xuống 11,5 tỷ mét khối.
Ngoài ra, hợp đồng bán khí đốt từ Shah Deniz đến châu Âu hiện chỉ ở mức 10 tỷ mét khối/năm mà chưa có nguồn cung cấp mới nào được công bố, theo một nguồn tin trong ngành.
BP đã tuyên bố công khai rằng mỏ Shah Deniz của họ không thể đáp ứng toàn bộ lượng 10 tỷ mét khối khí đốt bổ sung mỗi năm mà Azerbaijan và EU đã thỏa thuận.
Thêm nữa, một số dấu hiệu cho thấy Azerbaijan gần đây dường như xuất khẩu nhiều khí đốt hơn sang Thổ Nhĩ Kỳ và ít xuất khẩu sang châu Âu. Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng Azerbaijan, trong tháng 8, xuất khẩu khí đốt của Azerbaijan sang châu Âu giảm 27% so với tháng 7, trong khi xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 20%.
Với những dẫn chứng kể trên, Oilprice đã đặt câu hỏi về khả năng của Azerbaijan trên thực tế liệu có đáp ứng được kỳ vọng của EU hay không, nhưng có lẽ chúng ta sẽ cần thêm thời gian để có được câu trả lời cho thắc mắc này./.