Đường Quảng Ngãi (QNS) - 'Vị ngọt' từ cổ tức, kỳ vọng mảng dinh dưỡng thực vật bứt phá

Với vị thế TOP 5 doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới, mảng dinh dưỡng thực vật được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS) trong thời gian tới.

Cổ tức năm 2025 có thể lên tới 50%

Từ năm 2021 đến nay, Đường Quảng Ngãi luôn trả cổ tức ở mức tối thiểu 30%/năm.

Từ năm 2021 đến nay, Đường Quảng Ngãi luôn trả cổ tức ở mức tối thiểu 30%/năm.

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn HoSE) đã chi hơn 735 tỷ đồng để thực hiện chi trả nốt cổ tức năm 2024 cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Qua đó, cổ đông Đường Quảng Ngãi đã nhận mức cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ lên đến 40%, tương ứng 4.000 đồng/cổ phiếu và tương ứng tỷ suất cổ tức/thị giá gần 9%.

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Đường Quảng Ngãi duy trì mức cổ tức tiền mặt 40% và cũng là mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này luôn trả cổ tức ở mức tối thiểu 30%/năm.

Hiện công ty đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2025 ở mức tối thiểu 15% vốn điều lệ. Theo đánh giá mới đây của một số hãng chứng khoán, với số dư tiền nhàn rỗi kỷ lục, lên đến 8.166 tỷ đồng - chiếm hơn 54% tổng tài sản vào cuối quý 1/2025, và triển vọng kinh doanh tích cực, đặc biệt là với mảng sữa đậu nành, Đường Quảng Ngãi có khả năng chia cổ tức tiền mặt từ 4.500 - 5.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 45 - 50%.

Mở rộng chuỗi giá trị mía đường

Đường Quảng Ngãi hiện là doanh nghiệp thuộc top đầu trong lĩnh vực mía đường và chiếm lĩnh vị thế “thống trị” mảng sữa đậu nành thương hiệu tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực mía đường, Đường Quảng Ngãi đang sở hữu Nhà máy Đường An Khê với công suất 18.000 tấn/ngày và vùng nguyên liệu mía rộng hơn 29.000 ha tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Trong niên vụ 2023/2024, sản lượng đường từ mía sản xuất của công ty đạt hơn 215.200 tấn, tăng 12% so với niên vụ trước và chiếm 19,4% tổng sản lượng đường mía của Việt Nam.

Bên cạnh kênh bán lẻ đến người tiêu dùng, các sản phẩm đường của Đường Quảng Ngãi có tệp khách hàng công nghiệp lớn, vốn yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, như Vinamilk, Coca-cola, DutchLady, Tân Hiệp Phát…

Sản lượng đường từ mía của Đường Quảng Ngãi qua các niên vụ. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2024 Đường Quảng Ngãi)

Sản lượng đường từ mía của Đường Quảng Ngãi qua các niên vụ. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2024 Đường Quảng Ngãi)

Hiện Đường Quảng Ngãi đang chuẩn bị đầu tư 4.000 tỷ đồng cho cụm dự án Mía - Đường - Điện, gồm nâng công suất Nhà máy Đường An Khê thêm 39% lên 25.000 tấn mía/ngày; mở rộng Nhà máy Điện sinh khối An Khê từ 95 MW lên 135 MW; và xây dựng Nhà máy Ethanol An Khê với công suất 200.000 lít/ngày nhằm củng cố năng lực chuỗi giá trị mía đường, lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Công ty hiện kỳ vọng cả 3 dự án trên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2027 và bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh chung từ năm 2028.

Về việc phát triển vùng nguyên liệu mía đường, ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cho biết đang đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong canh tác, nghiên cứu giống mía mới và đảm bảo nguồn giống sạch bệnh. Ngoài ra, công ty luôn chú trọng trong việc đầu tư xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn: vận động nông dân dồn điền, đổi thửa hình thành cánh đồng mía mẫu lớn gắn với chính sách ưu đãi.

Qua đó, năng suất bình quân của ruộng mía cánh đồng mẫu lớn đạt 110 tấn/ha, tốc độ tăng năng suất cao hơn 40%; chi phí sản xuất giảm trên 30% so với sản xuất đại trà.

Động lực tăng trưởng đến từ mảng sữa đậu nành

Trong lĩnh vực sữa đậu nành, với tổng công suất 390 triệu lít/năm, Đường Quảng Ngãi hiện loạt TOP 5 nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu của Chứng khoán Mirae Asset, Đường Quảng Ngãi chiếm 90,6% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam, tăng 1% so với năm 2023, nhờ vào các thương hiệu nổi tiếng như Fami và Vinasoy.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi đã tăng từ 39,2% lên 42,5% trong quý 1/2025. Chứng khoán Mirae Asset đánh giá đây là mảng có mức tăng trưởng hiệu quả cao nhất, đóng góp cao nhất và là điểm sáng về động lực tăng trưởng của Đường Quảng Ngãi trong các năm tới.

Theo hãng nghiên cứu thị trường IMARC Group, dự báo quy mô thị trường sản phẩm thực vật thay thế sữa tại Việt Nam đạt quy mô 297 triệu USD vào năm 2033, tương ứng tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức 9,02%/năm giai đoạn 2025 - 2033. Điều này sẽ hỗ trợ các sản phẩm sữa thực vật, đặc biệt là sữa đậu nành.

Tăng trưởng một số dòng sản phẩm thuộc mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi qua các năm. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2024 Đường Quảng Ngãi)

Tăng trưởng một số dòng sản phẩm thuộc mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi qua các năm. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2024 Đường Quảng Ngãi)

Ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua công ty đã làm mới, tối ưu các sản phẩm thế mạnh và mở rộng từ lõi ngành hàng sữa đậu nành, để tối ưu sức cạnh tranh trên thị trường dinh dưỡng từ thực vật. Theo đó, một số nhóm sản phẩm sữa đậu nành ghi nhận tăng trưởng tốt trong dài hạn như Fami ít đường (tăng 8% so với năm 2023), đặc biệt nhóm Fami bổ sung hương vị và Fami Go tăng trưởng 2 con số qua các năm (riêng năm 2024 tăng 31% so với năm 2023).

Nhóm Sữa hạt trong năm 2024 ghi nhận tăng trưởng vượt bậc về doanh thu, tăng 104% so với năm 2023, theo Đường Quảng Ngãi.

Đối với hoạt động xuất khẩu, Đường Quảng Ngãi đang tích cực mở rộng thị trường với thương hiệu Vinasoy, giúp doanh thu xuất khẩu năm 2024 tăng 80% so với năm 2023. Các thị trường trọng điểm hiện nay của công ty là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,…với 5 nhà phân phối cùng với 2.900 cửa hàng.

Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Mirae Asset dự báo, trong năm nay, mảng đường của Đường Quảng Ngãi sẽ đi ngang so với mức nền cao kỷ lục của năm 2024, và mảng sữa đậu nành sẽ tăng trưởng 10% nhờ nhu cầu tiếp tục tăng.

Cảnh Hưng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/duong-quang-ngai--qns---vi-ngot--tu-co-tuc--ky-vong-mang-dinh-duong-thuc-vat-but-pha-140823.htm