TikTok thắt chặt chi tiêu sau thời 'đốt tiền', định ngừng miễn phí vận chuyển cho người bán hàng

Sau hai năm đầu tư mạnh tay để phát triển mảng thương mại điện tử, TikTok đang thực hiện các bước đi mới nhằm thu lại lợi nhuận.

Kể từ tháng 2, TikTok Shop đã cắt giảm nhân sự dựa trên hiệu suất làm việc, áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về việc trở lại văn phòng và thực hiện hai đợt sa thải trong khi triển khai thêm các biện pháp kiểm soát chi phí, theo chia sẻ của 7 nhân viên với trang Insider.

TikTok cũng áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí trên toàn công ty, gồm áp mức trần ngân sách cho những chuyến công tác.

Hôm 21.5, công ty Trung Quốc bắt đầu đợt sa thải mới nhất, nhắm vào các nhân sự vận hành mảng thương mại điện tử và một số người làm việc với các thương hiệu toàn cầu. Trong các email gửi đến những người bị mất việc trong tuần qua, TikTok cho biết đang đơn giản hóa bộ máy để "tạo ra mô hình vận hành hiệu quả hơn cho sự tăng trưởng dài hạn của đội ngũ".

Ông Shou Zi Chew (Châu Thụ Tư), Giám đốc điều hành TikTok, đã gợi ý về việc thắt chặt chi tiêu để đạt hiệu quả cao hơn từ hồi tháng 2. Shou Zi Chew nói với nhân viên rằng ông muốn rà soát từng đội nhóm trong công ty và loại bỏ các lớp quản lý không cần thiết, theo trang The Information.

Chỉ đạo của Shou Zi Chew tương tự nỗ lực từ các lãnh đạo tại Meta Platforms, Microsoft và Google - những công ty gần đây đã cắt giảm phúc lợi của nhân viên, tinh giản nhân sự và điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất để tiết kiệm chi phí.

Các biện pháp cắt giảm chi phí của TikTok diễn ra trong thời điểm nhạy cảm. TikTok có thể đối mặt với việc bị cấm tại Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến luật do ông Biden ban hành hồi tháng 4.2024, yêu cầu tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh của ứng dụng này tại Mỹ. Những tháng gần đây, TikTok đã thực hiện nhiều thay đổi với đội ngũ tại Mỹ, gồm cả việc chuyển quyền kiểm soát về tay các lãnh đạo ở Trung Quốc, các nhân viên chia sẻ với Insider.

Dù video trên TikTok vẫn cực kỳ phổ biến, hoạt động kinh doanh của TikTok Shop lại chưa đạt kỳ vọng. TikTok không phản hồi khi trang Insider đề nghị bình luận.

Gian hàng của TikTok Shop tại một hội chợ thương mại điện tử ở Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Gian hàng của TikTok Shop tại một hội chợ thương mại điện tử ở Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Những thay đổi trong môi trường làm việc và sự bất định chung đang ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên TikTok.

“Trong sáu tháng qua, tinh thần và cảm giác an toàn trong công việc của mọi người rất thất thường”, một nhân viên bị sa thải thổ lộ.

TikTok cắt giảm chi phí như thế nào?

Ngoài việc sa thải lao động, một số đội nhóm đã điều chỉnh mục tiêu hiệu suất trong quý 2/2025 để tập trung vào chi phí, lợi nhuận và các chỉ số doanh thu như tổng giá trị hàng hóa (GMV), theo chia sẻ từ hai nhân viên.

Công ty cũng lên kế hoạch sẽ ngừng trợ cấp vận chuyển miễn phí cho người bán trên TikTok Shop vào cuối tháng 5, sau một số lần cắt giảm trước đó.

Động thái đó sẽ đưa chính sách của TikTok tương tự các đối thủ như Amazon, nhưng có thể khiến nhiều đối tác bán hàng không hài lòng, một nhân viên cho biết.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy TikTok đang cắt giảm rộng hơn. Tuần trước, TikTok thông báo đến toàn bộ nhân viên rằng sẽ áp dụng quy trình phê duyệt nghiêm ngặt hơn cho các chuyến công tác. Công ty yêu cầu cung cấp thêm thông tin về kế hoạch đi lại để đánh giá rõ hơn tác động đến ngân sách, đồng thời áp mức trần chi tiêu cho khách sạn và vé máy bay.

TikTok từng bạo chi để phát triển thương mại điện tử tại Mỹ

Bộ phận thương mại điện tử của TikTok là mục tiêu dễ bị cắt giảm chi phí. Công ty đã chi hàng trăm triệu USD để phát triển mảng kinh doanh này.

Nền tảng mua sắm là trọng tâm lớn của ByteDance, vốn đang cố gắng tái tạo thành công về thương mại điện tử của Douyin cho TikTok. Douyin là phiên bản TikTok tại Trung Quốc.

Lãnh đạo ByteDance tỏ ra thất vọng với tiến độ kinh doanh tại Mỹ, vốn không đạt được nhiều mục tiêu vào năm 2024. Doanh số bán hàng trên TikTok Shop tại Mỹ bị ảnh hưởng trong năm 2025, một phần do thuế quan toàn cầu. Ví dụ, số lượng đơn hàng hàng tuần tại Mỹ trên TikTok Shop đã giảm khoảng 20% vào giữa tháng 5 so với giữa tháng 4 sau khi các mức thuế mới được áp dụng, theo dữ liệu nội bộ mà Insider tiếp cận được.

Trong nỗ lực xoay chuyển tình hình, công ty đã tái cơ cấu ban lãnh đạo mảng thương mại điện tử, gồm cả trao thêm quyền cho các lãnh đạo có kinh nghiệm làm việc với Douyin.

Sau một loạt đợt sa thải, cắt giảm lao động dựa trên hiệu suất, tái cơ cấu đội nhóm và nhân viên tự nghỉ việc, TikTok Shop tại Mỹ đang trở nên gọn nhẹ hơn. Insider chưa thể xác định quy mô chính xác trong đợt cắt giảm gần đây của TikTok, nhưng các đội nhóm bị ảnh hưởng đã được hợp nhất, theo một bản ghi nhớ.

Sau những thay đổi về tổ chức, các đội nhóm sẽ “vận hành nhanh hơn, tinh gọn hơn và hiệu quả hơn”, Mu Qing viết.

Mu Qing là nhà lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực thương mại điện tử của TikTok, hiện giữ vai trò điều hành TikTok Shop tại Mỹ. Trước đây, ông là Phó chủ tịch phụ trách mảng thương mại điện tử của Douyin.

Việc bổ nhiệm Mu Qing vào vị trí lãnh đạo TikTok Shop tại Mỹ hồi tháng 4 đánh dấu một bước chuyển đổi chiến lược quan trọng, nhằm tận dụng kinh nghiệm thành công từ thị trường Trung Quốc để cải thiện hiệu suất tại Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của ông, TikTok đã thực hiện nhiều thay đổi lớn, gồm cả việc tái cơ cấu đội ngũ và cắt giảm nhân sự để xây dựng mô hình vận hành hiệu quả hơn.

Mu Qing đã tiếp quản các đội quan trọng như quan hệ đối tác với người sáng tạo nội dung và các đại lý, đồng thời giám sát những hoạt động thương mại điện tử toàn cầu của TikTok. Sự thay đổi này phản ánh chiến lược của ByteDance trong việc củng cố quyền kiểm soát dưới sự lãnh đạo của các giám đốc người Trung Quốc và Singapore, đặc biệt là khi TikTok đang đối mặt với áp lực chính trị và kinh doanh tại thị trường Mỹ.

Ông Trump hai lần trì hoãn thi hành lệnh cấm TikTok ở Mỹ

Vào ngày 20.1, ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai, ông Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp hoãn thi hành lệnh cấm TikTok thêm 75 ngày. Lệnh này yêu cầu Bộ Tư pháp không thực thi Đạo luật Bảo vệ Người Mỹ khỏi Ứng dụng do Đối thủ Nước ngoài Kiểm soát (PAFACA) trong thời gian này và đảm bảo rằng các công ty như Apple, Google, Oracle sẽ không bị xử phạt vì tiếp tục hỗ trợ TikTok.

Đến ngày 4.4, Tổng thống Trump tiếp tục ký một lệnh hành pháp thứ hai, hoãn thi hành lệnh cấm TikTok thêm 75 ngày, đưa thời hạn mới đến ngày 19.6. Ông cho biết quyết định này nhằm tạo điều kiện cho ByteDance có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận bán TikTok ở Mỹ cho các nhà đầu tư. Một đề xuất đang được xem xét là thành lập công ty mới tại Mỹ, trong đó ByteDance nắm giữ dưới 20% cổ phần, số còn lại do các nhà đầu tư Mỹ như Oracle, Blackstone và Andreessen Horowitz sở hữu .

Tuy nhiên, việc hoãn thi hành lệnh cấm TikTok đã vấp phải sự chỉ trích từ cả hai đảng. Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng viện, cho rằng hành động đơn phương của Tổng thống Trump là vi phạm luật và làm suy yếu các mối quan ngại về an ninh quốc gia.

Hiện tại, TikTok vẫn tiếp tục hoạt động tại Mỹ với hơn 170 triệu người dùng trong khi các cuộc đàm phán và tranh luận pháp lý vẫn diễn ra.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tiktok-that-chat-chi-tieu-sau-thoi-dot-tien-dinh-ngung-mien-phi-van-chuyen-cho-nguoi-ban-hang-232983.html