Đường ra vào cửa hàng xăng dầu được coi là điểm đấu nối quốc lộ

Điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ (bao gồm cả đường ra vào cửa hàng xăng dầu) phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải.

Theo phản ánh của ông Đỗ Xuân Trường (Thanh Hóa), Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT đã bãi bỏ về khoảng cách cửa hàng xăng dầu nhưng lại vẫn để điều khoản xem điểm ra vào của cửa hàng xăng dầu như là một điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ. Khoảng cách giữa 2 điểm đấu nối vào quốc lộ theo quy định tối thiểu là 1.500m, trong khi quy định cũ khoảng cách của 2 cửa hàng xăng dầu tối thiểu là 300m.

Do vậy, ông Trường kiến nghị cơ quan chức năng xem xét bỏ quy định điểm ra vào cửa hàng xăng dầu là một điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ hoặc quy định lại khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ hạ từ 1.500m xuống còn 300m cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nếu giữ quy định cửa hàng xăng dầu là một điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ hoặc khoảng cách giữa hai điểm đấu nối lớn hơn 1.500m, ông Trường đề nghị hướng dẫn chi tiết trong trường hợp các cửa hàng xăng dầu hiện hữu đang hoạt động đã được cấp phép từ trước khi có quy định đấu nối đường vào ra cửa hàng xăng dầu vào quốc lộ mà có khoảng cách đến các điểm đấu nối liền kề lớn hơn 300m và nhỏ hơn 1.500m.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Việc thỏa thuận đấu nối đường nhánh vào quốc lộ được quy định tại Điều 29 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ và Chương IV Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải. Điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ (bao gồm cả đường ra vào cửa hàng xăng dầu) phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải (Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT).

Về trình tự thủ tục, đề nghị ông Đỗ Xuân Trường làm việc với Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa để được hướng dẫn và báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận (nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định), làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điểm đấu nối.

Khoảng cách tối thiểu giữa các điểm đấu nối vào quốc lộ được quy định như sau:

- Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ nằm trong khu vực nội thành, nội thị được xác định theo quy hoạch giao thông đô thị đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị:

Đối với các tuyến quốc lộ không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến quốc lộ, cụ thể như sau:

Đối với tuyến đường cấp I, cấp II không nhỏ hơn 5.000m, đối với đường cấp III không nhỏ hơn 1.500m, đối với đường cấp IV trở xuống không nhỏ hơn 1.000m.

Đối với các tuyến quốc lộ có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến dọc quốc lộ, cụ thể như sau:

Đối với tuyến đường cấp I, cấp II không nhỏ hơn 2.000m, đường cấp III trở xuống không nhỏ hơn 1.000m.

- Trường hợp khu vực có địa hình mà hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời; các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khoảng cách giữa hai điểm đấu nối phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và đáp ứng các điều kiện kỹ thuật sau:

Bảo đảm các yếu tố hình học tại vị trí đấu nối, tuân thủ theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.

Bảo đảm điều kiện về an toàn giao thông, tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện thực tế tại vị trí đấu nối.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/duong-ra-vao-cua-hang-xang-dau-duoc-coi-la-diem-dau-noi-quoc-lo/414417.vgp