Đường sách - hay, nhưng không dễ làm

Chỉ trong một tuần, có hai câu chuyện về đường sách nhưng lại ở hai chiều ngược nhau.

Đầu tiên là việc UBND TP Vũng Tàu công bố việc tổ chức Đường sách Vũng Tàu, dự kiến sẽ thử nghiệm trong dịp Tết cổ truyền 2018 và đi vào hoạt động chính thức đầu tháng 3-2018. Câu chuyện thứ hai là việc Công ty Alpha Books, một trong những đơn vị làm sách lớn của Việt Nam, gửi đề xuất nhằm “giải cứu” Phố sách Hà Nội.

Sau thành công được đánh giá là rực rỡ và huy hoàng của Đường sách TPHCM (trên đường Nguyễn Văn Bình), thủ đô Hà Nội mở đường sách thứ hai của cả nước và tại hàng loạt tỉnh thành trong cả nước cũng háo hức tìm cách xây dựng đường sách cho riêng mình: Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu, Huế… Rất nhiều người thấy bạn đọc nghìn nghịt tại đường sách vào những ngày cuối tuần, thấy những buổi giao lưu tác phẩm, tác giả đầy hấp dẫn với bạn đọc đứng ngồi tấp nập và quan trọng nhất là ai cũng thấy những con số vàng về doanh thu khi mà theo thông tin mới nhất, năm 2017 doanh thu Đường sách TPHCM đạt khoảng 50 tỷ đồng, tăng gấp đôi 2016. Thế nhưng, lại chẳng mấy ai nhìn thấy những nỗ lực, những chật vật, gian nan mà Đường sách TPHCM đã trải qua.

Lãnh đạo một đơn vị phát hành sách thuộc dạng lớn nhất nhì cả nước đã nhận xét: “Thành công của Đường sách TPHCM là một may mắn bởi đã tập hợp được gần như tất cả, thiên thời, địa lợi và nhân hòa”.

Vào thời điểm ra đời Đường sách, TPHCM thiếu một địa chỉ chung dành cho sách, người ta ra mắt sách trong công viên, trong quán cà phê, hội trường, nhà riêng và thậm chí là cả ở trong quán nhậu… Nhu cầu có một địa chỉ chung cho người yêu sách trở nên cấp bách trong khi mô hình đường sách kiểu cũ đã không còn đáp ứng được nhu cầu và lùi dần vào quá khứ.

Nằm ngay khu trung tâm TP, có hàng cây xanh rợp bóng mát, kề cận hai tòa nhà kiến trúc cổ nổi tiếng (Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TP), sát cạnh khu trung tâm sầm uất trên trục đường Lê Duẩn, không có nhà dân nên không sợ ảnh hưởng đến đời sống người dân, và quan trọng nhất là dù nằm ngay vị trí đắc địa đó, bản thân đường Nguyễn Văn Bình vốn không có đông xe cộ lưu thông khi xung quanh có rất nhiều đường khác chạy song song.

Đường sách là kết quả của sự nỗ lực của nhiều người có tình yêu, có đam mê với sách, với văn hóa đọc, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực sách, từ nghiên cứu đến quản lý. Hai năm đã qua, có thể có tranh cãi, phê phán về điều hành, về những vấn đề chung trong hoạt động của đường sách, nhưng chưa có bất cứ điều tiếng nào về tài chính, về lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Ấy thế mà, sau những ngày đầu thu hút bạn đọc nhờ sự mới lạ, đường sách từng lâm vào cảnh “chợ chiều”, vắng bóng bạn đọc đến mức có người nghi ngại về khả năng tồn tại của nó. Phải hơn nửa năm sau, với việc hoàn chỉnh công tác tổ chức các sự kiện văn hóa tại đường sách, bạn đọc mới bắt đầu đến lại. Hiện nay, trung bình mỗi tuần Đường sách TPHCM có hơn chục sự kiện văn hóa đọc, thu hút hàng chục ngàn bạn đọc tham dự, tạo nên sự sôi động của một địa chỉ văn hóa của TPHCM.

Câu chuyện đang diễn ra với Phố sách Hà Nội là sự lặp lại của Đường sách TPHCM những ngày đầu. Qua sự tò mò ban đầu, đường sách đã không còn gì để hấp dẫn bạn đọc quay lại. Như những gì mà Alpha Books nêu lên, vấn đề là ở chỗ cơ cấu điều hành chưa phù hợp cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa đọc, mà không có sự kiện, không có hoạt động hấp dẫn, bổ ích, thì mấy ai đến với đường sách, phố sách.

Đường sách TP Vũng Tàu dù chưa ra mắt nhưng đã thấy trước không ít khó khăn. Vị trí rất đẹp, nằm sát bờ biển, nhưng với sách lại là nguy cơ do độ ẩm cao, sẽ ảnh hưởng xấu đến sách. Các hoạt động giao lưu văn hóa đọc tại địa phương vốn dĩ không nhiều, sẽ khó khăn trong việc thu hút bạn đọc.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng Đường sách Vũng Tàu là một đường sách đầy tiềm năng nếu như làm theo “kiểu Vũng Tàu”, bởi đây là một TP du lịch, du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn sẽ có không ít phát sinh nhu cầu đọc sách, nhất là với du khách nước ngoài. Đường sách Vũng Tàu cần phải có cách làm khác với Đường sách TPHCM, như liên kết chặt chẽ với hoạt động du lịch, tập trung nhiều vào dịp cuối tuần, mùa du lịch để hấp dẫn du khách. Hoặc cũng có thể kết hợp với các công ty du lịch, khách sạn để tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch gắn kết với đường sách.

Đường sách, phố sách là nét đẹp văn hóa nổi bật, góp phần trong việc tạo ra thói quen, niềm yêu thích đọc sách cho người dân. Thế nhưng, nếu chỉ làm đường sách, phố sách chạy theo trào lưu, chỉ nhìn thấy thành công mà không xem xét những đặc thù cụ thể của từng địa phương để có những thay đổi phù hợp, thì nó lại trở thành gánh nặng, không thể phát huy hiệu quả, gây tốn kém, lãng phí.

TƯỜNG VY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/duong-sach-hay-nhung-khong-de-lam-491474.html