Đường sắt cao tốc Bắc Nam cần kết hợp với mô hình TOD tại TPHCM
Sở GTVT TPHCM đã thống nhất hướng tuyến và quy mô nhà ga thuộc dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đoạn qua địa bàn TPHCM. Do TPHCM đang lập đồ án 'Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2040, tầm nhìn 2060' và quy hoạch TP Thủ Đức với thời gian tương tự nên đề xuất việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt cần kết hợp với việc đầu tư phát triển các khu vực đô thị xung quanh nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông).
Để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đoạn qua địa bàn TPHCM, Sở GTVT TPHCM theo chỉ đạo của UBND TPHCM đã gửi ý kiến với Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến phương án tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, trạm depot , trạm bảo dưỡng thuộc dự án nêu trên.
Theo Sở GTVT, hướng tuyến chung đoạn qua địa bàn thành phố được đề xuất trong báo cáo PreFS cơ bản phù hợp với nội dung quản lý không gian theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt.
TPHCM thống nhất phương án bố trí tuyến đi song song về phía Nam của đường bộ cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây (phía bên phải đường bộ cao tốc theo hướng TPHCM đi Đồng Nai. Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc dự án cần được bố trí trong hành lang đã được quy hoạch và được quản lý ổn định dọc theo đường bộ cao tốc.
Mặt khác, để nghiên cứu, xác định cơ cấu tuyến đi trên cao/ đi trên mặt đất (sẽ
ánh hưởng đến tính chính xác của chỉ phí xây dụng kết cấu hạ tầng đường sắt), tư vấn lập báo cáo PreFS cần cập nhật đầy đủ các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng hoặc đã được quy hoạch để tránh các nút giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (trong việc xây dựng đường sắt ở các giai đoạn sau, có thể ảnh hưởng lớn đến việc khai thác đường bộ); tránh những phát sinh, điều chỉnh trong giải pháp bố trí tuyến đường sắt khi triển khai thiết kế cụ thể hơn.
TPHCM thống nhất với Bộ GTVT về vị trí ga Thủ Thiêm là ga đầu mối đường sắt xây dựng khổ mới 1435 mm và là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác. Tại quảng trường ga Thủ Thiêm bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga.
Tuy nhiên, TPHCM đề nghị chuyển vị trí depot, theo quy hoạch đặt tại khu vực phường Long Trường, TP Thủ Đức sang Long Thành (tỉnh Đồng Nai) theo đề nghị của tư vấn thẩm ra báo cáo PreFS.
Mặt khác, theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 có nêu rõ: “Quy hoạch quỹ đất thích hợp khu vực ga để phát triển các đô thị, các khu chức năng (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông – TOD) và xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất- nhất là tại các ga đường sắt để huy động nguồn vốn đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt”. Như vậy, Sở GTVT thấy cần kết hợp việc đầu tư các tuyến đường sắt với việc phát triển các khu vực đô thị xung quanh các ga đường sắt quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao theo mô hình TOD.
Để áp dụng mô hình TOD đối với khu vực ga Thủ Thiêm, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố chủ trì chuẩn bị một số nội dung liên quan đến quy hoạch, quỹ đất trên địa bàn thành phố. TPHCM đề nghị Bộ GTVT giao chủ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao chủ động liên hệ với Sở Quy hoạch-kiến trúc để được cung cấp thông tin liên quan và phối hợp để hoàn chỉnh nội dung thuyết minh về nghiên cứu phát triển TOD trong báo cáo PreFS.
Phía Sở GTVT cũng đã kiến nghị UBND thành phố nghiên cứu về nguyên tắc, trình tự và lộ trình thực hiện Đề án thí điểm mô hình phát triển TOD trên địa bàn thành phố. Sau khi UBND thành phố có ý kiến chấp thuận chính thức các đề xuất này, Sở GTVT sẽ cung cấp thêm thông tin cho chủ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao để phối hợp với các sở, đơn vị ở thành phố thực hiện các bước sau của dự án.