Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Ưu tiên vốn và đầu tư tư nhân trong nước
Đồng thuận với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam song các đại biểu Quốc hội lưu ý Chính phủ ưu tiên sử dụng nguồn lực trong nước về vốn và đầu tư tư nhân để đảm bảo an toàn nợ công, chủ động về tiến độ và nhân lực.
Ưu tiên sử dụng nguồn vốn trong nước
Tại phiên thảo luận hội trường chiều 20/11 về chủ trương xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam,đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng thuận với chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam để việc đi lại của người dân được thuận tiện, đồng thời giúp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhà đầu tư, khai thác được tất cả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà tuyến đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, do dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn, hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 67 tỷ USD nên cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, hạn chế sử dụng vốn ODA để đảm bảo an toàn nợ công.
Về bài toán về cân đối ngân sách tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, đại biểu cho rằng để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ đấu giá đất sạch, nhất là nguồn đất công hiện nay còn lãng phí rất là nhiều, nên tổ chức đấu giá sớm để có được nguồn thu này.
Ngoài ra, vốn ở tại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng còn rất lớn nhưng thiếu cơ chế đột phá để khai thác nguồn thu tại doanh nghiệp nhà nước. Thêm vào đó, đại biểu cho rằng các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua, trong tương lai sẽ tự chủ được ngân sách, không cần phải điều tiết từ Trung ương vào và triển vọng tới đây các địa phương sẽ còn điều tiết được nguồn thu trở về Trung ương, từ đó chúng ta có những nguồn thu để trả nợ cho tuyến đường sắt.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật và an toàn hết sức là nghiêm ngặt, không vì chi phí hay nguồn thu mà thiếu tập trung, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở nước ta ngày càng khốc liệt, số cơn bão hàng năm rất cao.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hành để hỗ trợ vận tải hàng hóa; chú ý hệ thống kết nối đồng bộ giữa đường sắt tốc độ cao với hệ thống giao thông công cộng; tập trung sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước cho các hạng mục xây lắp (dự kiến chiếm tới 50% tổng đầu tư dự án - khoảng 33 tỷ USD) và cần huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án này...
Làm rõ khả năng thu xếp vốn, ưu tiên sử dụng đầu tư tư nhân trong nước
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông) nhận xét, đây là dự án lớn nhất trong lịch sử với số vốn đầu tư dự kiến 67 tỷ USD, gần bằng tổng thu ngân sách nhà nước một năm hiện nay.
Để có thể “yên tâm hơn” khi quyết định bấm nút đồng thuận, đại biểu yêu cầu Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư dự án, từ đó đánh giá khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế.
"Dự án sẽ ảnh hưởng đến an toàn nợ công ra sao? Về an toàn nợ công đã tính đến việc tăng trần nợ vay của chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù chưa?", ông Mai nêu câu hỏi.
Đại biểu đoàn Đắk Nông nói, sở dĩ ông muốn làm rõ những điều này là vì ngân sách còn nhiều thứ phải chi. Trong lĩnh vực đường sắt, chỉ riêng 4 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc và Lào, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 27,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch, chương trình, dự án cần nguồn vốn nhiều tỷ USD như phấn đầu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030 (10.000 km vào năm 2045), các giai đoạn tiếp theo của sân bay Quốc tế Long Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia hay nguồn kinh phí để thực hiện các luật, Nghị quyết, chương trình, dự án mà Quốc hội đã và sẽ ban hành.
Trong các nguồn lực huy động đề đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị huy động sức dân; cụ thể là phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn để huy động trong dân, không dịch chuyển vốn ra ngoài và khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào công trình quan trọng quốc gia này.
Một điều nữa đại biểu quan tâm là làm sao thu hút được đầu tư tư nhân trong nước, để vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, họ có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hóa ở mức tối đa, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài và giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước.
"Dự án đầu tư công 100% nhưng Nhà nước có thể đặt hàng các nhà thầu tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan như chế tạo đường ray, thiết bị, đóng toa tàu, bảo dưỡng… Đây là thị trường khổng lồ, trị giá hàng chục tỷ USD. Bên cạnh đó, nên thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào việc xây dựng nhà ga và các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt mảng này (điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy)", đại biểu nói.
Đánh giá tác động khi tái cơ cấu thị phần 5 phương thức vận tải
Tham gia thảo luận,đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị Chính phủ xem xét về sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho Dự án tại các quy hoạch tỉnh của địa phương có Dự án đi qua, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hệ thống giao thông...
"Tôi đề nghị các quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics", ông Sơn nói.
Ngoài ra, tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đại biểu đề nghị làm rõ công nghệ (chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung...) theo khung tiêu chuẩn nào, tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu; làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của Dự án và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện của ga trong vận chuyển hành khách, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.
Về tổng mức đầu tư gắn với hiệu quả dự án, theo đại biểu, hồ sơ dự án chưa áp giá đền bù, hỗ trợ tái định cư năm 2024 theo Luật Đất đai mới, chưa tính chi phí để nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có để phục vụ vận tải hàng hóa.
Ngoài ra, ông Sơn đề nghị khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cần đánh giá kỹ tác động của quá trình tái cơ cấu thị phần của 5 phương thức vận tải (bao gồm cả vốn đầu tư công cho đường bộ cao tốc, cảng thủy, cảng hàng không, nâng cấp đường sắt hiện hữu, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đường sắt đô thị…).
Việc này, theo đại biểu, để đảm bảo cân đối được nguồn lực đầu tư công cho các lĩnh vực theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2023, tầm nhìn 2045, cũng như chuẩn xác lại tổng mức đầu tư của Dự án.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng 30/11, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 67 tỷ USD, tương đương hơn 1,7 triệu tỷ đồng.
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Theo đó, sẽ có hai đội tàu cao tốc Bắc Nam, tàu thứ nhất công suất thiết kế lên đến 350km/h, chạy toàn tuyến Bắc Nam mất 5,5 giờ, chỉ dừng ở 5 ga chính; tàu thứ hai công suất thiết kế đến 280km/h, đỗ ở nhiều ga hơn để có thêm lựa chọn cho người dân.