Đường sắt Cát Linh- Hà Đông nằm phơi mưa nắng, gần 700 lao động chờ việc không lương
Đến thời điểm này vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định rằng, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông sẽ vận hành trong năm nay, 2020.
Liên quan đến tiến độ của tuyến đường sắt kéo dài và thất hứa kỷ lục Cát Linh- Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, hiện các bên đang quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thiện và đưa vào khai thác thương mại trong năm 2020.
Các bên đang tập trung vào công tác nghiệm thu và tổ chức đưa chuyên gia Trung Quốc sang để căn chỉnh và vận hành thử toàn hệ thống.
Sau khi đánh giá an toàn toàn hệ thông xong sẽ tiến hành nghiệm thu toàn dự án. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện mới chỉ các nhà quản lý của Tổng thầu, còn các chuyên gia vận hành vẫn chưa sang Việt Nam được. Khó khăn chính hiện nay là việc hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu và việc đưa nhân sự sang.
Theo Bộ GTVT, hiện nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh.
Trong thời gian tới Tổng thầu sẽ đưa chuyên gia vận hành sang để thực hiện công tác vận hành và bàn giao. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là kinh phí và tốc độ nghiệm thu của chủ đầu tư và hiện hai bên đang trao đổi, nghiên cứu phương án giải quyết.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) thông tin, hiện 681 lao động của đơn vị vẫn đang nghỉ chờ việc không hưởng lương. Do đó rất mong công trình dự án đưa sớm đưa vào hoạt động để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị, hiện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý; vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống.
Về trách nhiệm để tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông chậm trễ và đạt kỷ lục về việc thất hứa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, về cơ bản trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan khác như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị. Trách nhiệm này, thuộc địa phương, chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Còn về việc tăng tổng mức đầu tư dự án, đại diện Bộ GTVT cho rằng nguyên nhân chính là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư.
Đối với các dự án đường sắt đô thị, do chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu (như điều chỉnh mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm; kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm...).
Ngoài ra, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư cũng dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư mà trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án... Đặc biệt là Tổng thầu EPC - Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC.