Đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM: Tiềm năng và quy hoạch phát triển
Các chuyên gia quốc tế sẽ tham luận về phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong phiên hội thảo khoa học về 'Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh' được tổ chức tại Hà Nội.
Trong quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đường sắt đô thị tại Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông vận tải của thành phố.
Dự kiến, loại hình này sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại trong đô thị hạt nhân và từ 15% - 25% ở đô thị vệ tinh. Hệ thống đường sắt đô thị, khi hoàn thành và kết nối với các phương tiện công cộng khác, không chỉ giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực dọc tuyến.
Tuy nhiên, theo kết luận Bộ Chính trị, Hà Nội phải hoàn thành gần 405 km đường sắt còn lại trong vòng 12 năm, với kinh phí ước tính là 37 tỷ USD (khoảng 850 nghìn tỷ đồng). Việc này không chỉ đặt ra thách thức về thời gian mà còn về nguồn lực. Các vấn đề như thiếu gắn kết với không gian đô thị, kết nối với hệ thống giao thông, và khó khăn trong việc tiếp cận nhà ga cần được giải quyết để bảo đảm hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng này.
Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội
Đến năm 2030, dân số Hà Nội được dự báo tăng lên 11,5 triệu người và tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) trở nên cần thiết.
TOD không chỉ tập trung vào giao thông công cộng mà còn tích hợp chức năng sử dụng khác như nhà ở và văn phòng vào các khu vực xung quanh nhà ga. Mô hình này có thể giúp giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích việc sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo quy hoạch mới, Hà Nội dự kiến triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị, bao gồm 09 tuyến chính và 01 tuyến nối các đô thị vệ tinh, tuyến số 1: Yên Viên – Ngọc Hồi, tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai, tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh, tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh, tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm. Dự án này mang lại nhiều lợi ích cho việc giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo cơ hội tái thiết đô thị theo hướng hiện đại và văn minh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Hiện tại, chỉ có 13km của tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành và 12,5km của tuyến số 3 đang trong quá trình thi công từ Nhổn đến ga Hà Nội. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi thế của hệ thống đường sắt đô thị và đảm bảo hiệu quả cho đô thị, mô hình TOD cần được áp dụng một cách toàn diện.
Mặc dù TOD đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, tại Việt Nam, đây vẫn là một mô hình mới. Để triển khai hiệu quả, cần tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp. Quan điểm ưu tiên gắn sử dụng đất với phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị, cần được xác định rõ ràng.
Hội thảo khoa học "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh" diễn ra từ ngày 17/1/2024 đến ngày 19/1/2024 tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước: Ông Sakaki Shigeyuki - Ngân hàng thế giới; giáo sư Akash Deep - Trường Harvard Kennedy; ông He Ligong - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu & Thiết kế Tàu điện ngầm - Tập đoàn Metro Quảng Châu; ông Shin Kimura - Giám đốc Kinh doanh quốc tế - Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản; ông Alexis de Pommerol - Vùng Thủ đô Paris ...