Đường sắt đổi mới cách làm, giới trẻ đi tàu tăng mạnh

Tổng công ty Đường sắt VN và các đơn vị vận tải đường sắt có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động vận tải, hướng đến thu hút khách trẻ tuổi và du lịch.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng ngày càng thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi đi lại trong ngày

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng ngày càng thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi đi lại trong ngày

Kích cầu, tạo nguồn khách du lịch bằng đường sắt

9h20 ngày 19/7, đoàn tàu đường sắt tuyến Hà Nội – Hải Phòng bắt đầu rời ga Hà Nội để chở khách đi Hải Dương - Hải Phòng theo lịch trình cố định. Khi xuất phát, trên tàu có chừng gần 250 khách, sau khi tàu lần lượt đón thêm khách tại ga Long Biên và Gia Lâm, khách đi tàu tăng lên khoảng hơn 500 người. Trong đó, tại toa có chất lượng dịch vụ cao (ngồi mềm điều hóa, nước uống miễn phí, wifi…) chỉ còn một số ghế trống.

Hành khách đa dạng lứa tuổi, song quan sát cho thấy có nhiều khách trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, đi theo nhóm 3-5 người, với hành lý gọn nhẹ. Một số bạn trẻ cho biết, đi tàu để trải nghiệm chương trình "Food Tour" (Du lịch ẩm thực) Hải Phòng.

"Nhóm của em đã vài lần đi Hải Phòng bằng tàu hỏa nhưng vẫn muốn đi tiếp vì tàu chạy đúng giờ, giá vé phải chăng, ngồi trên tàu thoải mái hơn xe khách. Đi tàu mang theo xe máy hoặc đến Hải Phòng thuê xe cũng tiện, đi chơi vài điểm, ăn uống rồi về luôn trong ngày nên rất phù hợp", hành khách Lê Minh Nam, Trường Đại học Hà Nội chia sẻ.

Còn một số khách trẻ tuổi khác cho biết, đang dịp nghỉ hè nên đi tàu để trải nghiệm du lịch "Food Tour" Hải Phòng và lựa chọn đi tàu vì tàu dừng tại ga trung tâm ở Hà Nội, Hải Phòng.

Trên hành trình tàu dừng tại ga Cẩm Giàng (Hải Dương) để đón, trả khách và tránh đoàn tàu hướng Hải Phòng – Hà Nội, quan sát thấy đoàn tàu hướng về Hà Nội cũng khá đông khách. Trưởng tàu Trần Thanh Việt cho biết, trong những ngày thường, lượng khách đi các tàu tuyến Hà Nội – Hải Phòng đạt 60-70% tổng số ghế, còn những ngày cuối tuần đông hơn.

"Từ năm 2022 đến nay, lượng khách đi tàu Hà Nội – Hải Phòng tăng đáng kể. Ngày thường, các đoàn tàu được bố trí 8-12 toa tàu, còn những ngày cuối tuần hay cao điểm nghỉ lễ, tết, mỗi đoàn được bố trí 18 toa xe (1.104 chỗ). Lượng khách tăng do có nhiều bạn trẻ đi du lịch Hải Phòng theo phong trào "Food Tour", sinh viên đi học, về nghỉ hè", theo ông Việt.

Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng (trực thuộc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết, từ năm 2022, sau một thời gian TP. Hải Phòng xây dựng chương trình du lịch "Food Tour", đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương để quảng bá, liên kết, nâng chất lượng dịch vụ vận tải, du lịch và thu hút được lượng khách đi tàu nhiều hơn. Giá vé tàu Hà Nội – Hải Phòng ở mức 80.000-125.000 đồng/lượt, lại thêm các chương trình khuyến mãi nên được nhiều hành khách lựa chọn.

"Lượng khách đi tàu từ Hà Nội – Hải Phòng bình quân đạt 3.000 lượt/ngày, trong 3 tháng gần đây đạt khoảng 4.500 lượt/ngày. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, có những nhóm bạn trẻ đi tàu Hà Nội – Hải Phòng để du lịch đã 7-8 lần", ông Hạnh kể.

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2023, đường sắt dự kiến hành khách trên tuyến đường sắt này đạt 1,4 triệu lượt, bằng 150% so với năm 2019. Trong đó, lượng hành khách đi tàu tại khu vực Hà Nội bình quân khoảng 3.000 lượt khách/ngày, chiếm khoảng 80% sản lượng hành khách trên tuyến. Để phục vụ tốt hơn, từ ngày 13/7, các ngày trong tuần đều có đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng dừng, đón trả khách tại ga Hà Nội, thay vì chỉ cuối tuần như trước.

Đường sắt đang tập trung đổi mới dịch vụ nhằm nâng chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch

Đường sắt đang tập trung đổi mới dịch vụ nhằm nâng chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch

Đổi mới dịch vụ vận tải khách, hàng hóa

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HARACO) cho biết, với các tuyến vận tải khách chặng ngắn, Haraco đang khai thác 5 tuyến: Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Sa Pa; Hà Nội – Vinh; Hà Nội – Đồng Hới và Hà Nội – Đà Nẵng, nhìn chung các tuyến chặng ngắn này khai thác khá hiệu quả, đặc biệt là vào các dịp cao điểm, lễ, tết.

Thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt VN và đơn vị triển khai nhiều giải pháp, cố gắng ở mức cao nhất để thu hút hành khách, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt. Trong đó, nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới, tạo sự thuận lợi nhất để thu hút người dân, xã hội sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt.

"Như tuyến Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị bố trí xe chất lượng tốt nhất, đẹp nhất trong điều kiện thực tế, ga tàu được bày trí đẹp hơn; thiết kế toa xe chở mô tô, xe máy mà không cần phải tháo xăng như trước đây. Ở các tuyến có sản phẩm dịch vụ, chương trình bán vé linh hoạt, đa dạng, kết hợp khuyến mãi, ưu đãi… với giá cả phù hợp để thu hút nhiều đối tượng. Các sản phẩm phục vụ nhu cầu cho từng đối tượng khách hàng như: bán vé cả toa; bán vé theo đoàn; toa xe cộng đồng", ông Hoan kể.

Haraco cũng đang tập trung thu hút khách du lịch mà mô hình "Food Tour" tuyến Hà Nội – Hải Phòng là kinh nghiệm thực tế để vận dụng vào một số tuyến khác. "Chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng các đoàn tàu tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Ninh Bình… chất lượng cao. Chất lượng thể hiện từ việc đoàn tàu có chất lượng tốt nhất, vệ sinh sạch sẽ, dịch vụ tốt nhất. Nhân viên phục vụ trên tàu đáp ứng các tiêu chí từ ngoại hình đến kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. Hướng tiếp theo là liên kết các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn như chỉ cần quét mã QR, dùng App (ứng dụng) được cung cấp trên tàu là khách khi xuống nhà ga được cung cấp ngay sản phẩm, dịch vụ mong muốn", ông Hoan chia sẻ thêm.

Về vận tải hàng hóa, bên cạnh bạn hàng truyền thống, Haraco cũng đã hợp tác với một số đơn vị cung ứng dịch vụ như Viettel Post, Samsung… để tổ chức những tuyến vận chuyển container đáp ứng được tiêu chí của khách, với thời gian nhanh nhất trong điều kiện hạ tầng đường sắt hiện nay.

Cùng đó, cố gắng khai thác hiệu quả các tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế, nhờ đó đã tăng đáng kể hàng hóa vận chuyển container. Gần đây nhất, ngày 14/7, Tổng công ty Đường sắt VN và Haraco khai trương và thử nghiệm thành công (chất lượng hàng bảo quản lạnh, thời gian vận chuyển…) đoàn tàu chở container lạnh tuyến hành trình từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và sau đó hàng hóa được chuyển tiếp sang nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh từ Trung quốc sang Nga và các nước châu Âu.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của hai công ty cổ phần vận tải do tổng công ty chiếm cổ phần chi phối dự kiến đạt hơn 2.519 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu trực tiếp từ hoạt động vận tải hơn 1.953 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong khi vận tải khách tăng trưởng mạnh với doanh thu hơn 1.246 tỉ đồng, tăng hơn 83% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện được 824 tỉ đồng, bằng khoảng 80% cùng kỳ.

Để đạt được kết quả này, Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy vận tải. Về vận tải khách, đã điều chỉnh số lượng đoàn tàu và hành trình chạy tàu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đẩy mạnh chạy tàu khách các cung chặng ngắn nhu cầu hành khách du lịch cao như Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng và ngược lại, Sài Gòn đi Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng và ngược lại… Cùng đó là các chính sách giá vé linh hoạt, điều chỉnh tăng - giảm tùy thuộc số lượng hành khách đi tàu theo đoàn, cung chặng và thời điểm vận chuyển, vì vậy đã thu hút khách du lịch.

Huy Lộc - Minh Tùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/duong-sat-doi-moi-cach-lam-gioi-tre-di-tau-tang-manh-18323072209163813.htm