Đường sắt Malaysia và bài học khai thác hiệu quả

Người Malaysia đã tạo nên một ngành công nghiệp đường sắt bền vững, đảm bảo tự cung cấp và củng cố cho cả uy tín của quốc gia.

Trong khi không ít nước muốn hiện đại hóa đường sắt (chủ yếu với tàu tốc độ cao - 200 km/giờ hoặc hơn - và khổ đường sắt 1,4 mét) thì Malaysia - nước không nghèo - lại dùng tàu tốc độ vừa phải - 160 km/giờ (tối đa), tận dụng khổ đường sắt 1 mét do thực dân Anh để lại.

Nhưng đó lại là một giai điệu đẹp nối liền quá khứ với hiện tại và chắc cả tương lai nữa.

Một con tàu hiện đại ở Malaysia đang chờ khách tại sân ga Butterworth, chạy trên khổ đường 1 mét. Ảnh: NGỌC TRÂN

Một con tàu hiện đại ở Malaysia đang chờ khách tại sân ga Butterworth, chạy trên khổ đường 1 mét. Ảnh: NGỌC TRÂN

Trong tiết tấu nhịp nhàng, tàu chạy, tôi đã có dịp trò chuyện với một số hành khách trên một con tàu. Tàu từ Butterwork tới Ipoh, nhưng khởi đi ở thành phố cổ George Town qua eo biển chừng 10 phút với phà miễn phí.

Ý nghĩa đường tàu

Trong lòng tàu, tôi ngồi cạnh một ông lão ăn vận kiểu truyền thống Malaysia. Tôi không thể nào chẳng mở miệng, hỏi han - nghề nghiệp mà! "Thưa ông, đường sắt có ý nghĩa như thế nào đối với ông ạ?".

Ông lão cười ấm áp, như đang thả hồn về những kỷ niệm xưa. "Thì đường sắt chính là nhịp đập của đất nước chúng tôi, đi đâu cũng tới. Nó nối liền với cả di sản của chúng tôi. Và mỗi lần đi, tôi lại như quay về quá khứ đó!”, ông trả lời.

Cũng trong toa tàu, tôi nhìn thấy một nhóm sinh viên đang thảo luận sôi nổi với nhau. Tôi thầm nhủ, chắc sẽ có người không ngại tiếp xúc với người lạ đâu.

Thế là hỏi, cùng một câu hỏi với ông lão kia. Một người trong số các sinh viên giải thích: "Đường sắt này giống như tấm hộ chiếu, giúp chúng tôi khám phá đất nước mình, mà chẳng tốn kém gì nhiều!”.

Tàu từ trung tâm thủ đô Malaysia đi sân bay quốc tế Kuala Lumpur 36 km, chạy trên khổ đường 1,4 mét. Ảnh: NGỌC TRÂN

Tàu từ trung tâm thủ đô Malaysia đi sân bay quốc tế Kuala Lumpur 36 km, chạy trên khổ đường 1,4 mét. Ảnh: NGỌC TRÂN

Về giá vé tàu thì tôi đã mua trước trên mạng, chuyến 7 giờ 50 sáng. Chỉ 33 ringgit, tức khoảng 172.000 đồng.

Tôi cũng có dịp trao đổi với một du khách phương Tây. Ông ấy cho biết: "Tôi đã đi tàu lửa trên khắp thế giới, nhưng đường sắt của Malaysia quả khá quyến rũ, độc đáo. Nó kết hợp nét duyên dáng cổ điển với hiện đại. Và ông đừng quên, du lịch với tàu lửa là du lịch chậm để thưởng thức nghe, chớ không phải chỉ để đi từ điểm A đến B."

Tận hưởng đồng quê

Tôi tựa vào khung cửa sổ, thưởng thức khung cảnh bên ngoài.

Cảnh quan bên ngoài khung cửa sổ thay đổi liên tục. Quả mê hoặc. Thung lũng xanh, đồng lúa vàng cùng những con sông lững lờ trôi. Và những đồn điền trồng cọ bạt ngàn. Thấy cả những ngôi làng yên bình, cùng những nụ cười thân thiện của người dân .

Khi tàu đến Ipoh từ Butterworth, sau 1 giờ 30 phút, trên quãng đường chừng 150 km, tôi cảm nhận được rằng hệ thống đường sắt Malaysia quả nhiều hơn một câu chuyện kể. Nó như một dàn nhạc kết nối những giai điệu quá khứ với hiện tại. Và có lẽ cả tương lai.

Dường như đó là sự kết nối thống nhất về quản lý tốt; về cả bảo tồn di sản dẫu do thực dân Anh để lại, mà vẫn không bỏ qua việc chào đón những gì là hiện đại.

Một con phố vắng ở Ipoh, không thấy vẽ bậy. Ảnh: NGỌC TRÂN

Một con phố vắng ở Ipoh, không thấy vẽ bậy. Ảnh: NGỌC TRÂN

Qua hành trình trên tàu, rồi tìm hiểu, tôi còn biết đến sự thông minh chiến lược của Malaysia. Tàu do Trung Quốc thiết kế, bán cho nước này, nhưng phải sản xuất ngay tại Malaysia. Dường như Trung Quốc cũng phải chuyển giao đàng hoàng công nghệ sản xuất tàu chạy trên khổ đường sắt “lạc hậu” 1 mét! Rõ là ăn thua cái giao kèo và sự kiểm tra, quản lý, chớ không phải tiền…

Với sự khôn ngoan này, hẳn người Malaysia đã tạo nên một ngành công nghiệp đường sắt bền vững, đảm bảo tự cung cấp và củng cố cho cả uy tín của quốc gia.

Đến Ipoh như thế nào?

Nếu muốn đi từ George Town (Penang) đến Ipoh bằng tàu lửa, nên biết:

• Đầu tiên, cần đi từ George Town trên đảo Penang sang Butterworth, đất liền, bằng phà hoặc cầu. Phà từ George Town đến Butterworth cứ mỗi 20-30 phút thì có một chuyến, từ 05:40 đến 00:40 mỗi ngày, chạy chừng 10 phút. Miễn phí. Cầu từ George Town đến Butterworth dài khoảng 13 km, có thể đi bằng xe buýt hoặc taxi. Có taxi công nghệ, giá rẻ.

• Nên mua vé tàu lửa từ Butterworth đến Ipoh qua các trang web như KTMB, Easybook hoặc 12Go. Có sáu chuyến mỗi ngày, tùy loại, tàu sẽ chạy từ 1 giờ 40 phút đến 2 giờ. Giá vé, đương nhiên, cũng tùy thuộc vào loại tàu và giờ tàu chạy, từ 33 RM đến 42 RM cho người lớn và từ 21 RM đến 25 RM cho trẻ em.

NT

NGỌC TRÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/duong-sat-malaysia-va-bai-hoc-khai-thac-hieu-qua-post746933.html