Đường sắt quốc gia cần sớm thay thế hạ tầng cũ

Việc dừng chạy tàu qua cầu Long Biên và cầu Đuống từ ngày 10/9 do lũ lớn dâng cao cho thấy, đường sắt quốc gia cần thay thế hạ tầng cũ để nâng cao năng lực chạy tàu, giảm tính bị động trong những tình huống đặc biệt như mưa bão.

Chưa được quan tâm đúng mức

Theo thông báo từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), do ảnh hưởng bão số 3, mực nước sông Hồng và sông Đuống dâng cao, chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu, có thể gây uy hiếp an toàn tàu chạy. Do đó, từ 8 giờ sáng ngày 10/9, VNR đã cho dừng chạy tàu qua cầu Long Biên và cầu Đuống để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Đến 15 giờ cùng ngày, TP Hà Nội đã ra quyết định cấm người và phương tiện đi qua cầu Long Biên. Vào lúc 22 giờ, cầu Đuống cũng cấm người và phương tiện qua lại.

Mực nước sông Hồng qua cầu Long Biên dâng cao ngày 11/9.

Mực nước sông Hồng qua cầu Long Biên dâng cao ngày 11/9.

Cầu Long Biên và cầu Đuống từ lâu đã có vai trò quan trọng trong kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng với mạng lưới đường sắt quốc gia. Theo ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, hiện mỗi ngày đường sắt có khoảng 14 chuyến tàu đi qua cầu Long Biên, trong đó có 8 chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng; 2 chuyến tàu Hà Nội- Lào Cai; và 4 chuyến tàu hàng.

Tuy nhiên, cầu Long Biên được Pháp xây dựng từ năm 1898, khánh thành vào đầu năm 1902, qua hàng trăm năm sử dụng, cầu đã xuống cấp và phải sửa chữa nhiều lần. Trong đó, lần tu sửa gần đây nhất của cầu Long Biên là vào tháng 10/2021, thế nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp nên đơn vị quản lý duy tu cầu chỉ có thể sơn lại toàn bộ lan can cầu và thay các thanh tà vẹt đã cũ, hỏng cùng một phần các dầm cầu bị hư hỏng, ăn mòn theo thời gian. Hiện nay nhiều khung thép, cấu trúc của cây cầu lại tiếp tục hoen gỉ.

Trước thực trạng xuống cấp của cầu Long Biên và được sự tài trợ của Chính phủ Pháp, ngày 23/6/2022 UBND TP Hà Nội đã thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chưa công bố kết quả.

Tương tự, cầu Đuống được thông xe vào năm 1902, sau thời gian dài đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi chờ xây dựng cầu Đuống mới, hiện nay các phương tiện đường sắt và đường bộ đều đi chung trên cầu Đuống cũ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và thường xuyên ùn tắc; các phương tiện tải trọng lớn trên 13 tấn bị cấm lưu thông qua cầu.

VNR đã cho dừng chạy tàu qua cầu Đuống từ 10/9.

VNR đã cho dừng chạy tàu qua cầu Đuống từ 10/9.

Từ việc dừng chay tàu qua cầu Long Biên và cầu Đuống từ ngày 10/9 do lũ lớn dâng cao cho thấy, các cầu đường sắt có hạ tầng quá cũ sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm trong việc chạy tàu. Nếu xảy ra mưa lũ, nước dâng cao việc bắt buộc phải dừng tàu sẽ khiến đường sắt lâm vào thế bị động, đồng thời làm ảnh hưởng đến cả khách đi tàu.

Hơn thế nữa, sau mưa lũ việc kiểm tra an toàn đường sắt cũng phải diễn ra hết sức cẩn thận bởi đối với hạ tầng cầu đã trải qua hàng trăm năm như Long Biên, cầu Đuống việc hư hỏng là khó tránh khỏi.

Cần tư duy mới

Các chuyên gia giao thông cho rằng, đường sắt là ngành vận tải “xương sống” của đất nước, tuy nhiên hiện nay hạ tầng vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức trên toàn tuyến.

Phía Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT cũng từng thừa nhận rằng, mạng lưới đường sắt Việt Nam không có sự đổi khác nhiều so với khi mới hình thành hơn 100 năm qua vì hầu hết vẫn là khổ đường đơn 1.000mm, tải trọng cầu cống thấp, sức kéo đầu máy nhỏ, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu.

Ở phía Bắc, mạng đường sắt hiện có 3 tuyến gồm Lào Cai - Hà Nội, Đồng Đăng - Hà Nội và Hải Phòng - Hà Nội đang khai thác có hiệu quả. Tuy nhiên, việc hạ tầng tuyến có một số đoạn đang xuống cấp cũng là một trong những trở ngại nếu muốn nâng cao hơn nữa năng lực khai thác và thông hành đối với tàu.

Phía VNR cũng cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay đã được sử dụng lâu năm dẫn đến các thiết bị, các vật tư chủ yếu như ray, tà vẹt, ghi, phụ kiện hầu hết đã cũ, lạc hậu, chất lượng thấp, không phù hợp tiêu chuẩn, quá niên hạn và có dấu hiệu nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình đường sắt, an toàn vận tải đường sắt.

VNR đã đề xuất hơn 16.200 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng. Trong đó, 500 tỷ đồng gia cố các hầm yếu; 4.028 tỷ đồng sửa chữa các cầu xung yếu đang bị xuống cấp trầm trọng; 1.544 tỷ đồng sửa chữa và gia cố 876 các vị trí cống; khoảng 9.438 tỷ đồng sửa chữa 720 công trình đường chính, đường ga, ghi, đường ngang và 705 tỷ đồng để sửa chữa 182 công trình kiến trúc nhà ga.

Trước mắt, VNR kiến nghị ngành cần ưu tiên đầu tư khoản kinh phí khoảng 1.295 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp đảm bảo an toàn đối với các công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trên các tuyến đường sắt.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt cần được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn, bởi nếu muốn nâng cao năng lực khai thác đối với ngành đường sắt việc thay đổi chiến lược, tư duy rất quan trọng nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Hạ tầng có tốt mới có thể nâng cao được năng lực và chất lượng phục vụ, đảm bảo tính an toàn, thông suốt của tàu.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại nối liền Bắc - Nam được đầu tư trong tương lai gần là mong mỏi của Nhân dân, nhưng trong lúc chờ tuyến đường sắt mới này thành hình, đường sắt hiện hữu rất cần được quan tâm đúng mức và đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực, phát huy thế mạnh vốn có, đóng góp vào sự lớn mạnh của hệ thống giao thông vận tải quốc gia.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duong-sat-quoc-gia-can-som-thay-the-ha-tang-cu.html