Đường sắt tìm thấy 'chìa khóa' mở cửa tăng trưởng

Hơn nửa đầu năm 2024, sản lượng vận tải và doanh thu của đường sắt quốc gia Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh là 'chìa khóa' giúp đường sắt vượt khó.

Chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá, Hải Dương

Chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá, Hải Dương

Nâng chất lượng ga - đoàn tàu, chăm sóc tốt khách hàng

Thời gian này, trung bình mỗi ngày ga Hà Nội đón, phục vụ 8 đoàn tàu chở khách đi các tuyến đường sắt quốc gia và tăng hơn vào các ngày cuối tuần. Dù lượng khách lớn nhưng khu vực cửa chính vào ga luôn thông thoáng, không có cảnh "xe ôm", taxi chèo kéo khách. Bên trong ga từ sàn nhà, tường đến ghế ngồi đều sạch sẽ, thang máy vận hành ổn định, hệ thống lọc không khí, điều hòa nhiệt độ được bố trí từ sảnh đợi tàu đến nhà vệ sinh. Những thay đổi này khiến hầu hết khách đi tàu hài lòng về sự tiện nghi, chất lượng dịch vụ của ga.

"Nhà ga sạch sẽ, thoáng mát, toa tàu cũng khang trang, tiện nghi hơn. Nhân viên đường sắt ở các ga, cửa soát vé và trên các đoàn tàu đều niềm nở, lịch sự. Tôi đi tàu nhiều lần nên cảm nhận được chất lượng phục vụ ở ga, trên tàu ngày càng tốt hơn. Khi khách hàng có gọi điện, nhắn tin hay ý kiến trên mạng xã hội đều được giải đáp, phản hồi ngay", chị Lương Thị Lan (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) và một số khách đi tàu khác chia sẻ.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), các ga phải nâng chất lượng phục vụ hành khách thông qua các tiện ích cụ thể như trang thiết bị, tiện nghi, vệ sinh, cảnh quan, cung cấp thêm dịch vụ và thái độ phục vụ chu đáo. "Trước kia, ga Hà Nội dùng quạt công nghiệp để thông gió nhưng nay đã được đơn vị đầu tư hệ thống điều hòa, quạt máy chất lượng để lọc không khí từ sảnh đợi tàu và cả khu vực vệ sinh, duy trì trực vệ sinh 24/24h tại ga và định kỳ được vệ sinh công nghiệp. Ngoài sảnh đợi tàu chung với các dịch vụ tiện ích còn có phòng đợi tàu VIP (miễn phí). Những ngày lễ, tết hoặc có sự kiện đều được trang trí tạo cảnh quan, điểm nhấn giúp ga đẹp hơn. Hầu hết các đoàn tàu xuất phát từ ga Hà Nội đều đúng giờ, an ninh trật tự được đảm bảo", ông Tuấn cho biết thêm.

Theo VNR, không riêng ga Hà Nội, nhờ được cải tạo, nâng cấp từ dự án đường sắt 7.000 tỷ và 3.000 tỷ đồng nên nhiều ga hành khách (Long Biên, Hải Dương, Đà Nẵng, Sài Gòn, Đà Lạt…) có hạ tầng tốt hơn, nâng dần dịch vụ chăm sóc khách hàng. "Đường sắt có hệ thống chăm sóc khách hàng qua điện thoại, zalo, facebook và các nền tảng xã hội để tương tác trực tiếp với khách hàng. Khi nhận được ý kiến của khách hàng phản ánh đã kịp thời chuyển cho các bộ phận xử lý, đảm bảo phục vụ hành khách được tốt nhất. Nhiều vụ việc khách hàng để quên tài sản trên tàu, dưới ga được phát hiện và hoàn trả hành khách kịp thời", theo VNR.

Sự sáng tạo, đổi mới rõ nét nhất của đường sắt trong năm 2024 là đã đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ vận tải mới, là "chìa khóa" giúp vận tải đường sắt thu hút hành khách, tạo tăng trưởng vận tải khách. VNR và lãnh đạo Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn cho biết, trong nửa đầu năm 2024, đường sắt quốc gia đã khai trương, tổ chức khai thác các đoàn tàu: "Kết nối di sản miền Trung", "Hành trình đêm Đà Lạt", đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 Sài Gòn - Đà Nẵng. Các sản phẩm mới này là sự kết hợp giữa vận tải đường sắt và du lịch, giúp một số chặng tuyến, ga tăng mạnh khách đi tàu. Có thể kể đến, trong nửa đầu năm 2024, ga Đà Nẵng lọt Top 3 ga đông khách nhất với trung bình mỗi ngày 6.000 người lên xuống, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, ga Đà Lạt đã tăng gấp đôi lượng khách, với doanh thu 10 tỷ đồng.

Ông Hoàng Năng Khang, Phó Tổng Giám đốc VNR cho biết, VNR đang tiếp tục chú trọng, quan tâm đến chất lượng, tiện nghi các đoàn tàu khách nhằm mang đến sự thoải mái nhất cho hành khách. Đến nay, đã có sự cải thiện rõ rệt về thiết bị vệ sinh trên tàu như cung cấp miễn phí wifi, liên kết thanh toán vé điện tử; tổ chức các đoàn tàu chất lượng cao với nhiều tiện ích (cung cấp suất ăn tiêu chuẩn, ghế xoay 180 độ, khoang VIP...).

Đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" không chỉ là sản phẩm thiết thực, hấp dẫn, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn là phương án di chuyển an toàn, thoải mái, thân thiện

Đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" không chỉ là sản phẩm thiết thực, hấp dẫn, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn là phương án di chuyển an toàn, thoải mái, thân thiện

Tinh gọn bộ máy, mở rộng khai thác vận tải du lịch

Về kết quả kinh doanh vận tải, VNR cho biết trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng số khách đi tàu đạt hơn 4,59 triệu lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải đạt hơn 2.994 tỷ đồng, tăng 19%. Riêng trong tháng 7/2024, hệ số sử dụng chỗ trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đạt 85,7% (cùng kỳ là 77,7%), doanh thu tăng 34,4% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa đạt hơn 2,971 triệu tấn, bằng 115%. Trong tháng 7/2024, số tấn hàng xếp tăng gần 28%, lượt xe liên vận quốc tế tăng gần 75%, doanh thu tăng gần 24%.

Từ góc độ trực tiếp khai thác vận tải, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, kết quả tăng trưởng như trên ngoài sự mong đợi, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT đối với sự phát triển và hiệu quả từ sự đổi mới, sáng tạo của ngành Đường sắt. "Gói đầu tư 7.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, nhà ga đã mang lại sự thay đổi rõ rệt về kết cấu hạ tầng đường sắt. Hội nghị đầu năm 2024 của VNR được Thủ tướng đến dự, biểu dương và chỉ đạo là vinh dự rất lớn cho những người làm đường sắt", ông Hoan nói.

"Tự thân VNR, các đơn vị đường sắt cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng chất lượng dịch vụ. VNR đã chủ động, tích cực hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty để kết nối vận tải, kết nối dịch vụ, hợp tác với các địa phương để khai thác du lịch đường sắt, thúc đẩy nâng cấp ga và liên vận quốc tế bằng đường sắt", ông Hoan chia sẻ thêm.

Đơn cử về việc tự đổi mới của đơn vị, theo ông Hoan, đến nay các đoàn tàu khách của vận tải đường sắt Hà Nội không còn bán ghế phụ, không đưa toa xe mà không có kế hoạch điều hành vào chở khách hay các chuyến tàu tết không bán vé chuyển đổi từ giường nằm sang ghế ngồi... "Chúng tôi mong muốn chất lượng vận tải đường sắt như hàng không nhưng chưa thể đạt được, song đang cố gắng làm tốt nhất những gì trong khả năng, điều kiện có thể", ông Hoan bày tỏ.

Theo đại diện VNR, sắp tới, hai công ty vận tải đường sắt do VNR giữ cổ phần chi phối sẽ được hợp nhất giúp tinh gọn bộ máy, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Để tiếp tục khai thác tốt hơn tiềm năng vận tải khách du lịch, VNR vừa qua đã làm việc, ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các địa phương Ninh Bình, Đà Lạt, Hải Phòng để mở thêm các tuyến tàu, sản phẩm vận tải du lịch bằng đường sắt. Về vận tải hàng hóa, ngày 10/8/2024, VNR đã khai trương sàn giao dịch vận tải đường sắt nhằm công khai, minh bạch về giá, vận chuyển để khách hàng lựa chọn, theo dõi hành trình di chuyển hàng hóa.

Tại "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế" được tổ chức vào giữa tháng 6/2024, VNR vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương là doanh nghiệp nhà nước có nhiều đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Huy Lộc - Minh Tùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/duong-sat-tim-thay-chia-khoa-mo-cua-tang-truong-183240816094547559.htm