Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: 'Ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở TP.HCM'

Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, bạn có thể 'ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở TP.HCM', việc đi lại của chúng ta, đặc biệt trong các dịp lễ Tết sẽ 'khỏe' hơn rất nhiều, mỗi chuyến đi sẽ là sự 'tận hưởng', chứ không phải chịu đựng.

Vào những ngày cận Tết, hình ảnh các bến xe chật kín người hay những chuyến bay đầy ắp hành khách luôn là câu chuyện quen thuộc mỗi năm. Nhưng hãy thử tưởng tượng, trong tương lai không xa, thay vì chen lấn tại sân bay hay nhà ga, bạn có thể ngồi trên một chuyến tàu cao tốc hiện đại, thoải mái và tiện nghi, từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ trong vòng 6 tiếng. Ý tưởng này không còn là giấc mơ xa vời, mà đang từng bước được hiện thực hóa!

Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, bạn có thể "ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở TP.HCM”, việc đi lại của chúng ta, đặc biệt trong các dịp lễ Tết sẽ “khỏe” hơn rất nhiều, mỗi chuyến đi sẽ là sự “tận hưởng”, chứ không phải chịu đựng. Xu hướng du lịch bằng đường sắt tốc độ cao đã chứng minh hiệu quả ra sao tại các quốc gia trên thế giới?

Trung Quốc - Du lịch hồi sinh từ cao tốc

Nhờ sự phục hồi kinh tế ổn định cùng ngành du lịch hồi sinh, đầu tháng 12/2024, đường sắt Trung Quốc đã ghi nhận một kỷ lục mới. Theo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, từ tháng 1 tới tháng 11/2024, đường sắt nước này đã tiếp nhận 4 tỷ lượt hành khách, vượt xa con số 3.86 tỷ hồi năm 2023 và gần gấp đôi con số 2.2 tỷ của năm 2022.

Theo các chuyên gia, tầm quan trọng của kỷ lục này không chỉ giới hạn ở giao thông vận tải, mà còn nhấn mạnh vai trò của đường sắt trong việc thúc đẩy du lịch và các ngành công nghiệp khác.

Như tại tỉnh Liêu Ninh nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc, nhờ sự phát triển của đường sắt cao tốc mà khách du lịch, người dân ở các nơi khác ngày càng dễ tiếp cận với văn hóa và di sản của tỉnh.

Thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh còn được biết đến với cái tên “thành phố hóa thạch” nhờ nhiều khám phá quan trọng về cổ sinh vật học.

Đường sắt cao tốc đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc những năm gần đây. Ảnh - Xinhua

Đường sắt cao tốc đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc những năm gần đây. Ảnh - Xinhua

Ông Liu Changhua, Giám đốc Công viên địa chất Quốc gia Triều Dương chia sẻ: “Trong nhiều năm, chúng tôi đã háo hức chờ đợi đường sắt cao tốc mở cửa vì nhờ đó mà chúng tôi sẽ có nhiều khách du lịch hơn. Hiện, chỉ mất khoảng 2 tiếng để đi tàu cao tốc từ Bắc Kinh tới Triều Dương, vì vậy mà lượng du khách tới đây đã tăng gấp đôi”.

Không chỉ ngành du lịch, các ngành nghề truyền thống tại đây cũng hưởng lợi từ sự phát triển của đường sắt cao tốc. Liêu Ninh có nghề làm giấm thủ công có bề dày lịch sử lâu đời. Ông Yu Runyuan, giám đốc một doanh nghiệp giấm ở Liêu Ninh chia sẻ, Trước khi có tàu cao tốc, các doanh nghiệp làm giấm tại đây đã gặp nhiều khó khăn để có thể duy trì và mở rộng thị trường.

“Trước đây, chúng tôi chỉ có 1 chuyến tàu mỗi ngày, và nó mất 12 giờ để đến được Bắc Kinh hay Thẩm Dương. Nhưng từ khi có đường sắt cao tốc thì cả lưu lượng hành khách và hậu cần đều được cải thiện rõ rệt. Sản lượng hàng năm của chúng tôi hiện đã đạt mức 6 nghìn tấn, gấp đôi so với ngày trước”.

Tàu cao tốc, phương tiện xanh "đắt hàng" tại Châu Âu

Chuyển tới Châu Âu, trong xu hướng giao thông xanh hiện nay, để lựa chọn một phương tiện di chuyển thuận tiện, nhanh chóng, giá cả lại phải chăng lại có thể giúp bảo vệ môi trường thì tàu cao tốc là một lựa chọn không thể tốt hơn.

Tàu cao tốc TGV của Pháp. (Ảnh: Alex Profit CNN)

Tàu cao tốc TGV của Pháp. (Ảnh: Alex Profit CNN)

Tại nhiều quốc gia châu Âu, tàu cao tốc đang dần trở thành phương tiện đi lại nội địa thường xuyên vừa là một lựa chọn để du lịch đa quốc gia “đắt hàng” nhất.

Đầu tiên phải kể đến hành trình từ Bordeaux đến Paris với dịch vụ tàu cao tốc TGV của Pháp. Chuyến đi kéo dài 2 giờ sẽ đưa hành khách qua vùng nông thôn đẹp như tranh vẽ của Pháp, với những điểm nổi bật bao gồm một số vùng của Thung lũng Loire và vùng Vienne.

Tại Bordeaux, du khách có thể thưởng thức và nếm thử các loại rượu vang nổi tiếng thế giới và ghé thăm khu phức hợp Cité du Vin ấn tượng là điều không thể bỏ qua, cùng với việc đi dạo trên sông Garonne và chiêm ngưỡng kiến trúc lịch sử của thành phố.

Tiếp theo, chúng ta sẽ tới Tây Ban Nha để trải nghiệm tàu cao tốc AVE. Mạng lưới này kết nối nhiều thành phố lớn của đất nước, trong đó tuyến từ Madrid đến Barcelona là một trong những tuyến phổ biến nhất. Hành trình chỉ mất 2 giờ 30 phút, khiến đây trở thành cách lý tưởng để di chuyển giữa hai thành phố mang tính biểu tượng này.

Trên đường đi, hành khách có thể tận hưởng sự tương phản nổi bật giữa cao nguyên trung tâm khô cằn của Tây Ban Nha và cảnh quan ven biển tươi tốt của Catalonia. Tại Barcelona, du khách có thể đắm mình vào kiến trúc độc đáo, cuộc sống đường phố sôi động và ẩm thực đẳng cấp thế giới của thành phố.

Vào giữa tháng 12/2024, công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và Deutsche Bahn của Đức đã hợp tác ra mắt tuyến tàu cao tốc mới kết nối giữa 2 thủ đô Paris và Berlin. (Ảnh: AP)

Vào giữa tháng 12/2024, công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và Deutsche Bahn của Đức đã hợp tác ra mắt tuyến tàu cao tốc mới kết nối giữa 2 thủ đô Paris và Berlin. (Ảnh: AP)

Và mới đây thôi, vào giữa tháng 12 vừa qua, công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và Deutsche Bahn của Đức đã hợp tác ra mắt tuyến tàu cao tốc mới kết nối giữa 2 thủ đô Paris và Berlin. Tuyến tàu mới cho phép hành khách di chuyển giữa 2 địa điểm trong vòng 8 giờ. Hành khách cũng có thể lựa chọn đi tàu đêm với thời gian di chuyển khoảng 13 tiếng.

Hiện tuyến tàu được ca ngợi là biểu tượng của tình hữu nghị chặt chẽ giữa hai nước và là dấu hiệu cho thấy tiềm năng của châu Âu trong việc thu hút nhiều du khách hơn đến với đường sắt.

Bà Anja Schollmann, quản lý cấp cao của công ty Deutsche Bahn chia sẻ: “Trước đây, hành khách đi tuyến Paris – Berlin sẽ phải trung chuyển qua vài tàu khác nhau. Chúng tôi biết họ không thích điều đó và đó là lí do chúng tôi ra mắt tuyến tàu này. Chúng tôi kỳ vọng tuyến tàu sẽ được người dân đón nhận và sẽ càng có nhiều người chuyển từ đi máy bay sang đi tàu”.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 'Cuộc cách mạng' trong giao thông và du lịch

Tại Việt Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang được kỳ vọng sẽ là "cuộc cách mạng" trong giao thông và du lịch. Với vận tốc lên đến 350 km/h, quãng đường Hà Nội - TP.HCM chỉ còn khoảng 6 giờ, rút ngắn đáng kể so với hiện nay. Điều này mở ra nhiều triển vọng du lịch không chỉ cho người dân trong nước mà còn cả khách du lịch quốc tế.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng: Đối với các quãng đường tương đối ngắn và vừa, dưới 500-600 km, đường sắt tốc độ cao có nhiều lợi thế hơn so với máy bay

Tiến sĩ Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng: Đối với các quãng đường tương đối ngắn và vừa, dưới 500-600 km, đường sắt tốc độ cao có nhiều lợi thế hơn so với máy bay

Theo chuyên gia quy hoạch giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật, đối với các quãng đường tương đối ngắn và vừa, dưới 500-600 km, đường sắt tốc độ cao có nhiều lợi thế hơn so với máy bay.

Khi các tuyến đường sắt tốc độ cao được đưa vào hoạt động, khoảng cách thời gian giữa các vùng đô thị lớn hoặc giữa các đô thị lớn và các địa phương sẽ được rút ngắn đáng kể. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc di chuyển mà còn thúc đẩy du lịch và khám phá các giá trị văn hóa địa phương.

Ông lấy ví dụ, hiện nay từ Hà Nội đến Thanh Hóa bằng đường bộ cao tốc mất khoảng 3 tiếng, và đến Nghệ An mất khoảng 4 tiếng rưỡi. Nhưng với đường sắt tốc độ cao, thời gian này có thể giảm xuống dưới 1 tiếng đến Thanh Hóa và khoảng 1 tiếng đến Nghệ An. Sự rút ngắn đáng kể này chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến các địa phương và ngược lại, tăng lên rất nhiều so với trước đây.

“Một điều chắc chắn là, những địa phương trước đây chưa có đường sắt tốc độ cao, nhưng nay đã được kết nối, sẽ tận dụng tối đa lợi thế này để khuếch trương, quảng bá hoạt động du lịch của địa phương mình”, ông Bình nói.

Là người làm việc trong lĩnh vực du lịch, ông Phan Trọng Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Metta Voyage cũng cho rằng nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi vào hoạt động chắc chắn sẽ mang đến một diện mạo mới cho ngành du lịch nước nhà.

Theo ông Thắng, tàu cao tốc có hai ưu điểm lớn. Đầu tiên là khả năng chuyên chở vượt trội, với sức chứa từ 500 đến 600 hành khách mỗi chuyến, đồng thời tốc độ di chuyển rất nhanh. Thứ hai là sự linh hoạt trong hành trình, cho phép hành khách dừng chân tại nhiều ga khác nhau trên cùng một tuyến, điều mà máy bay không thể đáp ứng.

“Nếu chúng ta đi bằng máy bay thì rõ ràng là chúng ta chỉ có thể bay từ điểm A đến điểm B thôi chúng ta không có khái niệm là dừng, xuống nhưng mà với một con tàu cao tốc thì khác. Ví dụ, khi di chuyển từ Hà Nội đến Sài Gòn, chúng ta hoàn toàn có thể dừng lại từ 6 đến 7 điểm. Điều này giúp phân bổ lượng khách tham quan đều hơn giữa các điểm đến, tránh tình trạng tập trung quá đông tại các điểm chính, trong khi các điểm phụ lại vắng khách", ông Thắng cho biết.

Ông Phan Trọng Thắng nhận định, Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu trong việc tổ chức hệ thống tàu cao tốc, không chỉ nhằm tối ưu hóa giao thông mà còn tạo ra những giá trị gia tăng đáng kể trong lĩnh vực du lịch và trải nghiệm khách hàng. Ở các quốc gia này, tàu cao tốc không đơn thuần là phương tiện di chuyển mà còn tích hợp các dịch vụ hỗ trợ du lịch, mang lại trải nghiệm trọn vẹn và tiện lợi cho hành khách.

Sự ra đời của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được kỳ vọng mở ra nhiều triển vọng du lịch không chỉ cho người dân trong nước mà còn cả khách du lịch quốc tế. Ảnh: AI

Sự ra đời của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được kỳ vọng mở ra nhiều triển vọng du lịch không chỉ cho người dân trong nước mà còn cả khách du lịch quốc tế. Ảnh: AI

Ví dụ các toa tàu thường được trang bị màn hình hiển thị thông tin về điểm đến, hoặc có các brochure giới thiệu các tour du lịch địa phương. Tại các nhà ga, thường có quầy thông tin du lịch, nơi hành khách có thể tìm hiểu và đặt tour ngay khi đến nơi. Ở Việt Nam, chúng ta có thể triển khai những chương trình tương tự, như giới thiệu các lễ hội địa phương, đặc sản vùng miền ngay trên tàu.

Thực tế hiện nay cho thấy, khách du lịch không hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty lữ hành. Khoảng 70% du khách tự tổ chức hành trình của mình. Việc phát triển hệ thống tàu cao tốc hiện đại sẽ giúp du khách dễ dàng kết nối các điểm đến, đồng thời tự do xây dựng hành trình khám phá theo sở thích cá nhân, góp phần thúc đẩy du lịch toàn diện và đồng đều hơn trên cả nước.

“Tại các quốc gia tôi từng đến, du khách thường sử dụng Google Maps và các ứng dụng đặt vé trực tuyến để di chuyển từ điểm A đến điểm B một cách dễ dàng. Các điểm du lịch chính như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, Phú Quốc và Nha Trang hiện thu hút phần lớn lượng khách do có kết nối đường bay thuận tiện. Tuy nhiên, còn nhiều điểm đến tiềm năng như Quảng Bình, Quy Nhơn, hay Phú Yên vẫn chưa được khai thác triệt để. Nếu hệ thống tàu cao tốc được triển khai với các điểm dừng phù hợp, điều này sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch đồng đều từ Bắc vào Nam”, ông Thắng chia sẻ.

Để mỗi chuyển về quê là một chuyến đi 'khỏe'

Hiện nay, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, các tuyến quốc lộ và sân bay lớn đều rơi vào tình trạng quá tải. Hành khách phải chịu cảnh chen chúc, chờ đợi và đôi khi không thể đặt vé do nhu cầu quá cao.

Ông Thắng cho rằng, đường sắt tốc độ cao, với khả năng chuyên chở lớn và tốc độ cao, có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Nó không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn mang lại trải nghiệm thoải mái và thư giãn, mang đến một cái Tết khỏe đúng nghĩa.

Ông Phan Trọng Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Metta Voyage cho rằng, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi vào hoạt động chắc chắn sẽ mang đến một diện mạo mới cho ngành du lịch nước nhà

Ông Phan Trọng Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Metta Voyage cho rằng, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi vào hoạt động chắc chắn sẽ mang đến một diện mạo mới cho ngành du lịch nước nhà

“Khi di chuyển trên tàu cao tốc, hành khách cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và thư giãn, gần như không có cảm giác mệt mỏi. Thứ hai là về tiếng ồn. Tàu cao tốc rất yên lặng nhờ hệ thống cách âm tốt. Hành khách gần như cảm thấy như đang ngồi trong một nhà hàng hoặc không gian thư thái, giúp họ thoải mái hơn trong suốt hành trình, kể cả khi đi tàu qua đêm.

Đặc biệt trong dịp Tết, việc di chuyển sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Gia đình có thể đi cùng nhau một cách thoải mái mà không cần chen chúc”, ông Thắng nói.

Các chuyên gia cho rằng, để hệ thống tàu cao tốc trở thành lựa chọn phổ biến, giá vé cần được cân nhắc để đảm bảo tính cạnh tranh và tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng.

Với đường sắt tốc độ cao, các hãng vận hành có thể bán vé linh hoạt theo từng chặng. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến mãi, hỗ trợ giá trong giai đoạn đầu triển khai để người dân làm quen với loại hình vận tải mới này.

Sự ra đời của đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng sẽ là bước đột phá quan trọng trong hệ thống giao thông và phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương cũng như của cả nước. Riêng với Tết, tàu cao tốc không chỉ giúp mỗi chuyến về quê khỏe hơn, mà còn dễ dàng đi khắp nơi, khám phá văn hóa các vùng miền trên dải đất hình chữ S.

Hành trình du xuân “Vi vu cùng tàu cao tốc” hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm dễ chịu và đầy thú vị!

Hoàng Anh - Huy Văn/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-an-sang-o-ha-noi-an-trua-o-tphcm-post1152039.vov