Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Làm rõ hơn phương án huy động vốn thực hiện Dự án
Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Kiên Giang, Vĩnh Phúc và Lào Cai thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án và tin tưởng Dự án sẽ là hành trang, điểm nhấn khi nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Cần xem xét đến giá trị gián tiếp khi đầu tư Dự án
Các đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết đầu tư đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án) với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr-CP.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, việc Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này là hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng; Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thầm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD. Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ tán thành với nhận định của Chính phủ về việc nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn với thực hiện dự án này.
Bên cạnh đó, Dự án không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn là công trình quan trọng giúp kết nối văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng. Ngoài ra, nếu Dự án này được đầu tư và hoàn thành có thể thúc đẩy ngành du lịch của nước ta tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Đại biểu Tạ Văn Hạ tin tưởng và kỳ vọng “Dự án sẽ là hành trang, điểm nhấn khi nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và vươn mình của dân tộc”.
Tán thành với chủ trương đầu tư Dự án, ĐBQH Dương Văn An (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, loại hình giao thông đường sắt của nước ta phát triển chậm, lượng hành khách ngày càng giảm, không bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình giao thông khác. Do đó, theo đại biểu, đầu tư thực hiện Dự án sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ, góp phần đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Dương Văn An cũng lưu ý, trong việc đánh giá hiệu quả của Dự án cần tính đến những giá trị gián tiếp khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Dẫn ví dụ từ đường Hồ Chí Minh, đại biểu cho biết, là 1 trong 4 con đường giao thông huyết mạch, chạy từ Bắc vào Nam, đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, tạo sự thay đổi rõ rệt về phát triển kinh tế của nhiều địa phương nằm trên tuyến đường này, đặc biệt giúp nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống của người dân.
Làm rõ khả năng làm chủ công nghệ
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án được thực hiện bằng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) nêu rõ, trong hồ sơ Dự án đã xác định vốn để thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ.
Nhưng, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ khi huy động phải hòa vào ngân sách trung ương, không phát hành dành riêng cho một dự án cụ thể. Do đó, nếu thực hiện Dự án sẽ phải giảm chi ngân sách thường xuyên, chấp nhận bội chi tăng, như vậy ảnh hưởng đến huy động vốn vay nước ngoài. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần báo cáo giải trình rõ hơn về phương án huy động vốn thực hiện Dự án.
Cho rằng, ''nếu thực hiện đúng tiến độ đầu tư thì Dự án sẽ trở thành một biểu tượng cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta", song ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, cần đặt Dự án trong tổng thể các loại hình giao thông khác để đánh giá tương quan với vận tải hàng không, đường bộ trên trạm ngắn, làm rõ lượng hành khách sử dụng, so sánh giá vé với các loại hình giao thông khác... qua đó có thể xác định hiệu quả kinh tế của Dự án.
Mặt khác, nếu thực hiện Dự án có thể khiến hai chỉ tiêu về bội chi ngân sách, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ vượt tương đối lớn so với mức trần được đặt ra. Do vậy, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị, Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động khi thực hiện Dự án đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nền tài chính công bền vững, ổn định và lành mạnh.
Phân tích về khả năng làm chủ công nghệ của loại hình giao thông này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, thông thường chỉ sau 10 năm hoạt động, các cấu phần của đường sắt tốc độ cao sẽ đến thời kỳ phải thay mới. Nếu chúng ta không làm chủ công nghệ sẽ phải tiếp tục đi mua, phụ thuộc vào nhà sản xuất độc quyền máy móc, thiết bị đó. Khi đó, nhà sản xuất “hô” giá bao nhiêu chúng ta phải chấp nhận như thế. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần làm rõ về khả năng làm chủ công nghệ của nước ta khi thực hiện đầu tư, vận hành đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, Dự án này sử dụng công nghệ hiện đại, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam. Trong hồ sơ Dự án cũng có hạng mục nghiên cứu, tiếp nhận, phát triển khoa học công nghệ và xác định do trường, viện nghiên cứu trong nước thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhận thấy, quy định tại khoản 7, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết chỉ chú trọng đến tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ Dự án và tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc Dự án, chưa đề cập chính sách cho cán bộ khoa học, công nghệ, cũng như đội ngũ công nhân tham gia triển khai Dự án.
Bên cạnh đó, cũng tại khoản 7, Điều 3, ngoại trừ quy định chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên đặt hàng với tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện Dự án, thì cũng chưa quy định chính sách ưu đãi đặc biệt cho tổ chức, cá nhân trong nước. Do vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì phải quan tâm bổ sung những cơ chế, chính sách nêu trên vào dự thảo Nghị quyết.